Quy định về việc tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 02/2014/TT-NHNN quy định về việc tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng (gọi tắt là tiền in, đúc hỏng) bằng các chất liệu giấy cotton, polymer và kim loại.
Theo đó, “Tiền in hỏng” là các loại sản phẩm tiền in không đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. “Tiền đúc hỏng” là các loại sản phẩm tiền đúc không đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. “Giấy in tiền hỏng” là các loại giấy in tiền không đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật của Ngân hàng Nhà nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thời gian, địa điểm, số lượng từng loại tiền in, đúc hỏng tiêu hủy; quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy tại cơ sở in, đúc tiền.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu nguyên tắc tiêu hủy phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản và bí mật Nhà nước. Sau khi tiêu hủy, tiền in, đúc hỏng phải trở thành phế liệu và không thể sử dụng lại được.
Cụ thể, đối với tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng bằng chất liệu polymer, sau khi cắt hủy xong cơ sở in, đúc tiền thực hiện hủy hoàn toàn (thủy phân, nung ở nhiệt độ cao hoặc phương pháp khác) trước khi bán cho các cơ sở thu mua phế liệu.
Tiền in hỏng đem tiêu hủy phải là những hình đã được cắt góc hoặc đánh dấu hỏng. Giấy in tiền hỏng bị rách phải can dán đủ mảnh cùng loại, trường hợp thiếu mảnh phải có biên bản của cơ sở in, đúc tiền. Tiền đúc hỏng và kim loại đúc tiền hỏng đem tiêu hủy phải là những miếng đã được đánh dấu hỏng.
Tiền in, đúc hỏng tiêu hủy theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải được kiểm đếm 100% và tiêu hủy đúng với số lượng thực tế sau kiểm đếm.
Việc giao nhận, kiểm đếm, cắt hủy tiền in, đúc hỏng phải được thực hiện trong các gian phòng riêng biệt có cửa, khóa đảm bảo an toàn theo quy định hiện hành về chế độ giao nhận, bảo quản tiền của Ngân hàng Nhà nước.
NHNN yêu cầu quá trình tiêu hủy tiền in, đúc hỏng từ khâu giao nhận từ kho của cơ sở in, đúc tiền đến kho của Hội đồng tiêu hủy cho đến khi tiền in, đúc hỏng được cắt và hủy thành phế liệu phải chịu sự giám sát của Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng (gọi tắt là Hội đồng giám sát) theo quy định hiện hành.
Theo Thông tư 02, công đoạn hủy hoàn toàn (thủy phân, nung ở nhiệt độ cao hoặc phương pháp khác) đối với tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng bằng chất liệu polymer do Giám đốc cơ sở in, đúc tiền chịu trách nhiệm tổ chức giám sát.
Hội đồng tiêu hủy do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành lập theo đề nghị của Vụ Tổ chức cán bộ.
Căn cứ số lượng từng loại tiền in, đúc hỏng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép tiêu hủy, Giám đốc cơ sở in, đúc tiền làm thủ tục xuất kho, giao tiền in, đúc hỏng cho Hội đồng tiêu hủy theo kế hoạch của Hội đồng tiêu hủy.
Trường hợp có thừa, thiếu, nhầm lẫn, xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này.
NHNN lưu ý, nếu cuối ngày, số tiền in, đúc hỏng chưa kiểm đếm hết phải được cho vào lồng sắt có khóa, niêm phong (ghi rõ tiền in, đúc hỏng chưa kiểm đếm hết; ngày, tháng năm; tên tổ gửi; loại tiền; số lượng; họ tên, chữ ký người gửi; chữ ký xác nhận của giám sát viên tại Tổ kiểm đếm), vào sổ giao nhận (theo Mẫu biểu số 06 đính kèm Thông tư này) và gửi vào kho tiêu hủy để bảo quản.
Số tiền in, đúc hỏng đã kiểm đếm nhưng chưa giao hết cho Tổ cắt hủy phải được cho vào lồng sắt có khóa, niêm phong (ghi rõ tiền in, đúc hỏng đã kiểm đếm nhưng chưa giao cho Tổ cắt hủy; ngày, tháng năm; tên tổ; loại tiền; số lượng; họ tên, chữ ký Tổ trưởng; chữ ký xác nhận của giám sát viên tại Tổ kiểm đếm), lập biên bản giao nhận (theo Mẫu biểu số 08 đính kèm Thông tư này) và bàn giao lại cho Hội đồng tiêu hủy.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2014. Quyết định số 57/2006/QĐ-NHNN ngày 15/12/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế tiêu hủy tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng tại các nhà máy in tiền hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo