Quy hoạch cây xăng chồng lên khu nuôi tôm, hàng chục hộ dân kêu cứu
Mô hình cho hiệu quả nguy cơ phá sản
Vừa qua, hàng chục hộ nuôi tôm và làm muối ở thôn An Lộc, xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) gửi đơn cầu cứu tới báo Dân trí khi tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ quy hoạch cho một doanh nghiệp tư nhân làm cây xăng chồng lên dự án nuôi tôm của họ.
Những người dân nơi đây phản ánh, khu vực thôn An Lộc trước đây là vùng đất nhiễm mặn, trồng lúa kém hiệu quả. Từ năm 2006, chính quyền các cấp đã kêu gọi, khuyến khích nên nhiều hộ dân đã ra khu vực này để cải tạo nuôi tôm, làm muối.
Những năm đầu, do kinh nghiệm, hạ tầng, kỹ thuật chưa có nên nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ. Nhưng được sự khuyến khích của chính quyền các cấp, nên các hộ dân này tiếp tục bám trụ.
Năm 2011, các hộ dân liên kết lại với nhau thành Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Bình Định gồm có 6 hộ dân. Các hộ dân này đã đầu tư hàng tỷ đồng để đào đắp lại đê quai, đầu tư thiết bị máy móc, kỹ thuật.
Nhờ sự đầu tư bài bản, khoa học mà mô hình nuôi tôm này bắt đầu phát huy hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao.
Từ năm 2013, riêng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Bình Định đạt lợi nhuận gần 1,8 tỷ đồng/1ha/năm, giải quyết công ăn việc làm cho trên 30 lao động và hàng chục lao động làm việc theo thời vụ.
Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Bình Định được đánh giá là một trong những mô hình chăn nuôi điểm đem lại hiệu quả cao của huyện Lộc Hà nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Anh Trần Văn Ân (một thành viên của tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Bình Định) có 6 hồ nuôi tôm với diện tích gần 2ha. Anh cũng như các hộ dân trong tổ hợp tác đã vay ngân hàng hàng tỷ đồng để đầu tư cải tạo để nuôi tôm.
“Trước đây việc nuôi tôm rất khó khăn, trong mấy năm đầu đa phần là thua lỗ. Chúng tôi đã mạnh dạn vay ngân hàng để đầu tư lại gần như toàn bộ khu vực này. Và bây giờ, mô hình đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Trong những năm gần đây, mỗi năm nuôi tôm đã cho thu nhập vài tỷ đồng/năm”, anh Ân cho biết.
Nói về mô hình này, lãnh đạo xã Thạch Châu cũng như huyện Lộc Hà đều đánh giá rất cao về hiệu quả, năng suất của mô hình.
Thế nhưng, khi người dân vừa mới vực dậy chưa được bao lâu thì bất ngờ UBND tỉnh Hà Tĩnh lại quy hoạch cho một doanh nghiệp tư nhân xây dựng cây xăng ở khu vực này.
Cụ thể, ngày 16/06/2017, UBND tỉnh ban hành QĐ số 1628 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cửa hàng xăng dầu cho Công ty TNHH Dũng Hường (trụ sở đóng tại huyện Lộc Hà)
Việc làm bất ngờ này, khiến bao ấp ủ, dự định của các hộ dân như tan vỡ.
Ông Lê Ngọc Chất, thành viên trong tổ hợp tác phản ánh: “Gia đình tôi có hơn 4.400m2 nuôi tôm. Việc nuôi tôm đang thuận lợi, người dân sắp thu hồi được vốn thì nhà nước lại cho làm cây xăng”.
“Con tôm nó rất nhạy cảm. Làm cây xăng sát khu nuôi tôm thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi và coi như dự án nuôi tôm của chúng tôi sẽ phá sản”, ông Chất lo lắng.
Ngoài 6 hộ nuôi tôm, thì tại khu vực này còn có hàng chục hộ dân khác đang làm nghề muối và trên 80ha các hộ dân nuôi ngao.
Xã nói một đường, huyện nói một nẻo!
Để làm rõ về sự việc này, PV Dân trí đã có cuộc làm việc với huyện Lộc Hà và xã Thạch Châu.
Ông Trần Khắc Tiến, chuyên viên của Phòng KT-HT huyện Lộc Hà thì khẳng định việc quy hoạch cây xăng này là bắt đầu từ năm 2008 và có trước quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản Bình Định.
“Quy hoạch trung tâm hành chính huyện Lộc Hà là được UBND tỉnh phê duyệt tháng 8/2008 và phê duyệt điều chỉnh để cập nhật tháng 4/2017. Quy hoạch cây xăng ở đó là nằm trong quy hoạch của tỉnh từ năm 2008”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, tất cả các văn bản trình UBND tỉnh Hà Tĩnh để đơn vị này xem xét và ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cửa hàng xăng dầu và thương mại dịch vụ tổng hợp Dũng Hường đều vào năm 2017.
Và đặc biệt, khi PV làm việc với UBND xã Thạch Châu thì xã này đã cung cấp ra tất cả các văn bản chứng minh, khu vực này đã được tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch làm khu vực nuôi trồng thủy sản từ năm 2006. Tức là có trước khi lập quy hoạch trung tâm hành chính huyện Lộc Hà, trong đó có cây xăng Dũng Hường.
“Nếu làm cây xăng ở khu vực thôn An Lộc này thì chồng lên một phần diện tích nuôi trồng thủy sản. Có 6 hộ nuôi tôm và hơn 14ha muối của hàng chục hộ dân”, một lãnh đạo xã Thạch Châu cho biết.
“Cả xã chúng tôi có nguy cơ bị kỷ luật vì chậm bàn giao mặt bằng cho dự án theo yêu cầu của tỉnh. Nhưng khu nuôi trồng thủy sản Bình Định này đã được tỉnh quy hoạch từ năm 2006, có trước cây xăng. Năm 2006 thì xã, huyện làm tờ trình. Đến này 19/6/2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Kỳ ký đồng ý chuyển đổi diện tích đất nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản nên người dân họ phản đối kịch liệt”, vị lãnh đạo cho biết thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội