Quyền phòng vệ Nhật Bản khiến người Trung Quốc lo lắng
Trong tình hình hiện nay, không quốc gia nào tự mình bảo vệ được hòa bình nếu như không có sự giúp đỡ của bạn bè, đồng minh.
Kể từ thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II, quân đội Nhật Bản đã bị trói bằng một Hiến pháp do Mỹ, kẻ chiến thắng, soạn thảo bởi điều 9 quy định:
“Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe doạ bằng vũ lực.
Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục, hải và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”.
Như vậy, nếu chấp hành nghiêm điều 9 này thì nền hòa bình Nhật Bản có được hoàn toàn phụ thuộc vào cái ô che của Mỹ, một nền hòa bình thụ động. Nhưng, hiện tại Nhật Bản đã có tiềm lực chiến tranh, năng lực quốc phòng, quân đội của họ gồm hải, lục, không quân… hùng mạnh thuộc loại nhất nhì châu Á. Tuy thế, quân đội Nhật Bản để trở thành một “quân đội bình thường” thì còn một vấn đề cuối cùng phải giải quyết.
Nội các Nhật Bản hôm 1/7 đã quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, theo đó, chấm dứt lệnh cấm quân đội Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Cụ thể nó được diễn giải như sau: Sẽ có 3 tình huống Nhật Bản sẽ triển khai lực lượng của mình. Thứ nhất là nếu một nước đồng minh hay nước bạn của Nhật Bản bị tấn công, thứ hai là nếu cuộc tấn công đó là mối đe dọa đến sự tồn vong của Nhật Bản, và thứ ba là những mối đe dọa đó làm suy yếu quyền của người dân theo đuổi cuộc sống, sự tự do và hạnh phúc.
Quyết định trên của chính quyền Thủ tướng S. Abe cần phải có sự thông qua của Quốc hội Nhật Bản. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề thủ tục bởi LDP đang kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Nhật, cho nên, chẳng có ai nghi ngờ về tính hiệu lực của nó bất chấp có các cuộc biểu tình phản đối của những thành phần đối lập…
Đây là một quyết định mà có được nó không phải dễ dàng. Những người tiền nhiệm của ông S.Abe đã cố gắng nhưng vấp sự phản kháng quyết liệt đã phải bỏ ý định, chỉ khi Thủ tướng Shinzo Abe cầm quyền, bằng cách “đi vòng” mới thu được kết quả không tưởng. Người ta chỉ thấy ánh chớp của sét lóe sáng mà không kịp bịt tai.
Thủ tướng Nhật Bản S.Abe coi quyết định này “sánh ngang với cải cách Minh Trị”, cuộc cải cách đã khai sinh ra một Nhật Bản hiện đại ngày nay. Quyết định này là một bước ngoặt lịch sử có tầm ý nghĩa lớn đến mức ngay Phó Tổng thư ký nội các Nhật Bản ông K.Kato cũng không dám phân tích bình luận đánh giá của Thủ tướng S.Abe.
Có thể nói, quyền phòng vệ tập thể là dấu chấm hết trang lịch sử Nhật Bản kể từ năm 1945 đến nay để một trang mới hùng cường bắt đầu.
Một cấu trúc an ninh mới của châu Á-Thái Bình Dương
Trước hết chúng ta hãy nghe phản ứng của Trung Quốc.
Tân Hoa xã chỉ trích gay gắt “Nhật Bản có một lịch sử đã từng tấn công lén lút trong các cuộc chiến tranh với Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ trong 100 năm gần đây. Bây giờ, Nhật Bản, với sự tự do lớn hơn để sử dụng vũ lực quân sự thì sẽ làm cho thế giới lo lắng”; Nhật báo Trung Quốc cho rằng “Nhật Bản đang viết lại lịch sử…”; Nhân dân nhật báo tố cáo “Nhật Bản phá vỡ hệ thống thời hậu chiến”…Và chính phủ Trung Quốc lên tiếng cảnh báo “Nhật Bản không được lấy lý do về “mối đe doạ từ Trung Quốc” để thúc đẩy việc mở rộng vai trò của quân đội, đồng thời cảnh báo việc Nhật Bản “thay đổi trong chính sách không được làm tổn hại đến an ninh và chủ quyền quốc gia của Trung Quốc”.
Chung quy lại thì theo Trung Quốc, chúng ta có thể thấy việc Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể có nghĩa là Nhật Bản đã phá vỡ hệ thống hậu chiến (thực chất là Nhật Bản xóa bỏ sự trói buộc bởi Hiến pháp do Mỹ áp đặt), có nguy cơ đe dọa hòa bình thế giới. Đồng thời, điều đó khiến Nhật Bản sẽ, đang là đối trọng sức mạnh với Trung Quốc (và đương nhiên sẽ ngăn chặn sự hung hăng, bành trướng của Trung Quốc) trên khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tân Hoa xã của Trung Quốc đặt câu hỏi: Liệu Trung Quốc có nằm trong toan tính quân sự (đối tượng, điều kiện để Nhật Bản triển khai phòng vệ tập thể) của các người không? Câu hỏi có vẻ mỉa mai, thách thức Nhật Bản, nhưng, như thế thì la hét om xòm làm gì, thử thì biết ngay.
Vậy thì rõ quá rồi, hành động của Nhật Bản đã chứng tỏ Nhật Bản muốn hoàn toàn chủ động gìn giữ nền hòa bình của mình trong cái ô an ninh với Mỹ mà không sợ Trung-Mỹ mặc cả, thỏa hiệp với nhau.
Giờ đây Mỹ liên minh với Nhật Bản là liên minh với một quốc gia có quân đội không phải chỉ để “làm cảnh” để “diễu binh” mà quân đội đó tấn công, phòng thủ, nhanh như chớp bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu.
Liên minh quân sự với Mỹ mà khi tác chiến xảy ra thì quân đội Nhật Bản chỉ biết đỡ chứ không biết tấn công, không biết chia lửa với nhau, trong khi tài chính quốc phòng Mỹ thiếu hụt, sức đã giảm…là một liên minh không bền vững dễ bị “bán đứng”. Cho nên, phòng vệ tập thể là nhu cầu tất yếu của sức mạnh liên minh quân sự Mỹ-Nhật Bản, bảo đảm cho một nền hòa bình thực sự của Nhật Bản trước sự hung hăng của Trung Quốc đang muốn rửa nỗi nhục 100 năm trước với Nhật Bản.
Sự thay đổi tư tưởng quân sự, tư tưởng tác chiến của một quân đội có tiềm lực quân sự cực mạnh như quân đội Nhật Bản, đương nhiên sẽ thay đổi cấu trúc an ninh hiện tại, một cấu trúc an ninh mới sẽ hình thành.
Một cục diện địa chính trị mới của châu Á-Thái Bình Dương
Có thể nói, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cuộc chiến địa chính trị của Trung Quốc và Nhật Bản đang rất quyết liệt. Với tham vọng bành trướng, chiếm trọn Biển Đông đã khiến Trung Quốc mất hết bạn bè, Trung Quốc đã tạo ra sự lo ngại, cảnh giác đối phó của láng giềng, đẩy họ ra xa đến với Mỹ và Nhật Bản.
Trong lời dẫn tại diễn đàn an ninh Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe nêu rõ “Tình hình an ninh khu vực hiện nay (Trung Quốc đang hung hăng thể hiện cơ bắp, gây bất ổn an ninh khu vực…) thì không một quốc gia nào tự bảo vệ được hòa bình nếu như không có sự giúp đỡ của bạn bè, đồng minh..”, Cùng với việc thực hiện quyền phòng vệ tập thể đó là, quyền tấn công để bảo vệ đồng minh, quyền tấn công để bảo vệ bạn láng giềng thân thiết khi được yêu cầu…
Nhật Bản đã gửi một thông điệp đầy trách nhiệm rằng, sẽ là bạn của tất cả các quốc gia đạng bị Trung Quốc đe dọa, chèn ép. Phải chăng Việt Nam, Philipines, Úc…và ngay cả Đài Loan cũng sẽ được Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể khi cần thiết khi an ninh bị đe dọa? Điều đó có xảy ra không khi chẳng hạn tuyến hàng hải sống còn của Nhật Bản qua Việt Nam…bị đe dọa nghiêm trọng?
Rõ ràng việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, Nhật Bản đã thực sự chủ động làm chủ cuộc chơi địa chính trị khu vực, chiếm ưu thế trước Trung Quốc.
Nếu như trước đây, Nhật Bản muốn là bạn trong mắt láng giềng khu vực bằng hình ảnh của một cường quốc kinh tế thì ngày nay không những thế muốn là bạn với hình ảnh của một cường quốc quân sự hùng mạnh đầy trách nhiệm để chống kẻ thù chung. Đây là một hình ảnh đầy “quyến rũ” khác nhiều với hình ảnh một Trung Quốc đang rêu rao trỗi dậy hòa bình mà có cái “lưỡi bò” tham lam đáng sợ.
Đồng tiền viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam không đủ để làm cho giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc phải rút lui, nhưng cái để làm cho Trung Quốc không đe dọa an ninh hàng hải Nhật Bản qua vùng biển Việt Nam là cơ chế an ninh nào đó của Việt Nam và Nhật Bản khi quyền xuất khẩu vũ khí, quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản được “cởi trói”…Và, với Philipines, Malaysia hay Úc…cũng đều vậy thôi.
Việc làm “động trời” khi Nhật Bản tuyên bố chấm dứt lệnh cấm quân đội Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài có vẻ như “phục hồi chủ nghĩa phát xít” đã không làm các nước trong khu vực đã từng là nạn nhân của phát xít Nhật lo ngại, trái lại họ ủng hộ toàn bộ trừ Trung Quốc phản đối gay gắt, quyết liệt (tất nhiên rồi) và Hàn Quốc phản đối thận trọng.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì đã hơn 60 năm qua, Nhật Bản đã trở thành một quốc gia “gương mẫu” đầy trách nhiệm, trong khi đó Trung Quốc lại nổi lên với một ý đồ, tham vọng rất đen tối, một hành động còn hung bạo, bất chấp, ngang ngược hơn cả phát xít Nhật năm xưa thì coi trọng hiện tại để hành động cho tương lai là lẽ đương nhiên của các quốc gia trong thế giới phẳng hiện nay.
Trong tình thế an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản đã có quyết định làm thay đổi nước Nhật để đối phó với những thách thức an ninh. Vậy, trong tình hình chung đó, Việt Nam ta nhất định cũng phải có những quyết định làm thay đổi cục diện an ninh quốc phòng.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Y tế: Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào thừa i-ốt
Dự báo thời tiết ngày mai 8/11 trên cả nước: Hà Nội chuyển rét, có nơi 19 độ, TP Hồ Chí Minh xuất hiện mưa rào
Nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2024
PC Đà Nẵng: Xử lý kịp thời các trường hợp sản lượng điện tăng bất thường
Đà Nẵng: Cấm một số loại ô tô trên Quốc lộ 1 giờ cao điểm
Cột tin quảng cáo