Tin tức - Sự kiện

Rà từng "trụ sở hoành tráng, xa hoa"

Bên hành lang Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường về Luật Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến xây dựng trụ sở các cơ quan công quyền.

Thưa ông, sáng nay nhiều tờ báo đã đăng hàng loạt hình ảnh trụ sở của các cơ quan Đảng, UBND cấp tỉnh, Tòa án… ở nhiều địa phương xây dựng rất hoành tráng. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Trịnh Đình Dũng	Công trình xây dựng mới to đẹp hơn, đàng hoàng hơn so với công trình cũ là phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Các công trình xây dựng nói chung, công trình được sử dụng làm trụ sở của cơ quan công quyền, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội… xây mới không chỉ bảo đảm về chất lượng, đẹp về thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan xung quanh, phù hợp với quy hoạch mà còn phải phù hợp với điều kiện sử dụng để nâng cao hiệu quả làm việc cũng như tái sản xuất sức lao động của người sử dụng.
 
Nhưng nó lại quá hoành tráng, “hoành tráng tới mức xa hoa” như cách nói của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước?
 
Trụ sở của cơ quan công quyền, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội… có quá hoành tráng không, có thực sự là xa hoa như nhiều người nói không thì cần phải có thời gian rà soát, đánh giá cụ thể từng trụ sở một xem trụ sở ấy có bao nhiêu người sử dụng nên tôi chưa thể có bình luận gì về vấn đề này.
 
Tuy nhiên, theo tôi, việc xây dựng trụ sở được quản lý rất chặt chẽ ngay từ khâu chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Trụ sở to lớn cỡ nào, diện tích bao nhiêu đều phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn diện tích phòng làm việc, chỗ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức đã được ban hành.
 
Ông nói rằng, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng phải được thực hiện ngay từ khi có chủ trương đầu tư để tránh thất thoát, lãng phí. Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
 
Công trình xây dựng thất thoát không chỉ ở trong quá trình xây dựng mà thất thoát ngay từ khi ra chủ trương đầu tư vì vậy phải quản lý thật chặt ngay từ khâu này.
 
Xây dựng công trình ở vị trí không phù hợp, không sử dụng hoặc sử dụng không hết công năng, sử dụng không hết công suất chính là lãng phí. Sự lãng phí vô hình này rất lớn, nó có thể gần như mất trắng toàn bộ vốn đầu tư nếu xây dựng xong mà không sử dụng được.
 
Công trình xây dựng ở vị trí phù hợp với nền đất thì giá thành xây dựng thấp, nhưng cũng nền đất đó mà xây dựng công trình vượt quá sức chịu đựng của nền đất thì giá thành xây dựng tăng lên rất nhiều, gây ra lãng phí rất lớn mặc dù trong cả quá trình xây dựng không để xảy ra thất thoát.
 
Công trình không cần thiết phải xây dựng hoặc chưa cần thiết hoặc xây dựng vượt quá nhiều nhiều so với nhu cầu cũng gây lãng phí rất lớn.
 
Chính vì vậy, quản lý công trình xây dựng phải quản lý suốt cả quá trình từ khâu xem xét vị trí đặt công trình; kiểm soát thiết kế cơ sở xem công năng có phù hợp không, hiệu quả sử dụng có tối đa không; quản lý trong quá trình thiết kế kỹ thuật, xem có tiết kiệm không, có bền vững không, có bảo đảm an toàn không, có bảo đảm môi trường cũng như cảnh quan đô thị không; quản lý trong quá trình thi công là phải kiểm soát xem có đúng như thiết kế không, vật liệu sử dụng có đúng không, có làm đúng quy trình không...
 
Trong tất cả quá trình quản lý nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải luôn có mặt, phải có trách nhiệm từ đầu đến cuối để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn nhà nước.
 
Chất lượng công trình xây dựng bằng vốn có nguồn gốc ngân sách thấp có nguyên nhân là ban quản lý công trình không chuyên nghiệp, chỉ được thành lập để quản lý, giám sát công trình nào đó và sẽ giải thể khi công trình hoàn thiện, bàn giao. Luật Xây dựng sửa đổi sẽ khắc phục được hạn chế này, thưa ông?
 
Đúng là chất lượng của không ít công trình không bảo đảm là do các ban quản lý, giám sát công trình chỉ tồn tại khi hoàn thiện, bàn giao nên trách nhiệm của ban quản lý không cao và thiếu tính chuyên nghiệp.
 
Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi kiến nghị trong Luật Xây dựng sửa đổi là thành lập ban quản lý công trình chuyên ngành, có tính chất chuyên sâu để quản lý, theo dõi công trình từ khi có chủ trương đầu tư cho đến khi công trình hết thời hạn sử dụng.
 
Cụ thể, ở cấp tỉnh sẽ thành lập ban quản lý công trình y tế, giáo dục, công trình công cộng; ban quản lý công trình giao thông; ban quản lý công trình về nông nghiệp, nông thôn.
 
Các ban quản lý công trình không bị giải thể mỗi khi công trình nào đó hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng nên trách nhiệm của ban quản lý cao hơn do phải chịu trách nhiệm đến cùng với chất lượng của công trình, không chỉ trong quá trình xây dựng, mà cả khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
 
Ban quản lý công trình chuyên ngành là những người có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và am hiểu sâu về lĩnh vực xây dựng cũng như lĩnh vực mà công trình phục vụ nên việc quản lý sẽ hiệu quả hơn.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo