Tin tức - Sự kiện

Rầm rộ kế hoạch M&A ngành ngân hàng

Mặc dù chưa công khai các kế hoạch cụ thể, song các thương vụ mua bán, sáp nhập, hợp nhất (M&A) của ngân hàng đang nóng dần trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay.
Mở màn cho các thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng năm 2013, phải  kể đến việc Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) bán cổ phần cho cổ đông chiến lược để thực hiện đề án tái cơ cấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
 
ĐHCĐ bất thường của TrustBank vào đầu năm 2013 đã thông qua phương án tái cơ cấu, trong đó, cổ đông mới mua lại 84% cổ phần và riêng Tập đoàn Thiên Thanh sở hữu 9,67%. Vì thế, HĐQT TrustBank đã thay đổi toàn bộ. TrustBank dự kiến sẽ tiến hành ĐHCĐ thường niên năm 2013 vào quý II/2013 và sau khi được NHNN phê chuẩn, HĐQT TrustBank sẽ chính thức được công bố tại kỳ đại hội này, theo đó, nhân sự chủ yếu là các cổ đông mới.
 
Không trông chờ vào sự “cứu trợ” của NHNN và với trọng điểm tập trung sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước, TrustBank sẽ chủ động giải quyết ổn thỏa các vấn đề nội tại trong quá trình tái cơ cấu.
 
Không như TrustBank, để thực hiện đề án tái cấu trúc theo chỉ đạo NHNN và Chính phủ, Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) đã chọn phương án hợp nhất với Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC). Đề án hợp nhất đã được WesternBank trình cổ đông thông qua tại kỳ ĐHCĐ bất thường ngày 16/3 vừa qua và đề án hợp nhất giữa hai tổ chức này đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc.
 
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, sau khi WesternBank trình cổ đông thông qua, đến lượt PVFC trình cổ đông trong kỳ ĐHCĐ tới đây, hai bên sẽ tiến hành các thủ tục còn lại để trình NHNN đề án hợp nhất cụ thể. Nếu được thông qua, thì trong kỳ họp ĐHCĐ thường niên năm 2013, Ngân hàng hợp nhất giữa WesternBank và PVFC sẽ được thành lập. Tổng vốn điều lệ Ngân hàng hợp nhất là 9.000 tỷ đồng.
 
NHNN vừa có công văn chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tăng vốn điều lệ từ 10.583 tỷ đồng lên 13.583 tỷ đồng theo kế hoạch tăng vốn được ĐHCĐ thông qua ngày 27/11/2012. Trước đó, vào ngày 21/2/2013, NHNN đã có công văn số 1072/NHNN-TTGSNH về việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông SCB cho nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ ngày 27/2/2013, cơ cấu cổ đông của SCB sẽ có thêm thành phần là nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Việc tăng vốn điều lệ của SCB được thực hiện trong quý I/2013 đã phần nào cho thấy, cổ đông đặt niềm tin vào SCB và SCB đang trên đà phục hồi.
 
“Việc tăng vốn sẽ là điều kiện để SCB hoàn thành mục tiêu tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, tạo nền tảng cho sự phát triển trong 2013”, ông Lê Khánh Hiền, Tổng giám đốc SCB nói.
 
Hiện SCB đã đàm phán để đi đến thống nhất việc Ngân hàng hợp nhất SCB có cổ đông nước ngoài tham gia vào quản trị, điều hành ngân hàng trong thời gian tới. Từ đó, SCB sẽ có điều kiện mở rộng hoạt động hợp tác với các tổ chức tài chính nước ngoài, góp phần cải thiện hoạt động của Ngân hàng. Dự kiến, trong kỳ ĐHCĐ thường niên 2013 diễn ra vào quý II tới, SCB sẽ trình cổ đông thông qua các kế hoạch gọi vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài như đã nêu trên.
 
Không chỉ với những nhà băng trong danh sách tái cấu trúc cần gọi thêm vốn từ cổ đông chiến lược, mà trước bối cảnh thị trường khó khăn, M&A đang tạo áp lực lên các ngân hàng quy mô nhỏ và yếu năng lực tài chính.
 
Chẳng hạn với DaiA Bank, dù đã phủ nhận kế hoạch hợp nhất với HDBank, nhưng HĐQT DaiA Bank cho biết, họ đang trong quá trình tìm kiếm đối tác phù hợp để có thể hợp tác và theo một nguồn tin đáng tin cậy, kế hoạch “kết hôn” với HDBank sớm được DaiA Bank trình ĐHCĐ thông qua. 
 
Chủ tịch HĐQT Eximbank ông Lê Hùng Dũng cho biết, trong kỳ ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng diễn ra vào ngày 26/4 tới, Eximbank sẽ có thông báo đến cổ đông về lộ trình hợp nhất với Sacombank trong vòng 3 – 5 năm tới đây.   
 
Kế hoạch M&A giữa các ngân hàng đã và đang tiếp tục được xây dựng rầm rộ kéo theo sự biến động về nhân sự cấp cao cũng lần lượt được thay đổi từ HĐQT đến ban giám đốc trong mùa ĐHCĐ năm nay và sự biến động về nhân sự càng trở nên mạnh mẽ đối với các ngân hàng nhỏ trong quá trình tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập.
 
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, thì tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được xem là trọng tâm, do đó, quá trình này cũng cần được triển khai nhanh theo tinh thần đề án 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cùng với xử lý nợ xấu trong năm 2013, Chính phủ cũng cần kiên quyết hợp nhất, sáp nhập hoặc quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém và mất vốn điều lệ, nhằm lành mạnh hóa hệ thống tài chính – ngân hàng. Vì vậy, các dự báo được đưa ra, làn sóng M&A lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục sôi động.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo