Rắn lục đuôi đỏ đổ về vườn cà phê tấn công nhiều người
Ngày 13/11, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết số người bị rắn cắn ( mà chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ) phải vào bệnh viện này điều trị tăng đột biến kể từ tháng 10 khi bắt đầu vụ thu hoạch cà phê đến nay.
Bình quân mỗi ngày có 2 - 3 bệnh nhân nhập viện, có ngày tới 5 - 6 bệnh nhân. Đặc biệt, có ngày khoa tiếp nhận đến 7 trường hợp bị rắn lục cắn, theo tin tức trên báo Thanh Niên.
Theo bác sĩ Nhựt, trong số người bị rắn cắn có nhiều phụ nữ, trẻ em, thậm chí có người đang mang thai; phần lớn người bị rắn cắn được điều trị tại BV vài ngày, nhưng có trường hợp kéo dài hơn một tháng như bà Đặng Thị Sự, 80 tuổi, ở H.Krông Pắk (Đắk Lắk), do nhập viện chậm, nọc độc rắn phát tán mạnh trong cơ thể.
Cháu Nguyễn Thị Trúc Nhân (15 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) cho biết, cách đây 3 ngày trong lúc phụ gia đình hái cà phê thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. "Sau đó cháu cảm thấy đau nhức. Vết thương sưng tấy và bầm tím. Rất may, được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nên không bị sao", cháu Nhân kể.
Bác sĩ Nhựt nhận định, môi trường rừng tự nhiên bị thu hẹp, các loài như chồn, cáo bị tận diệt nên rắn lục đuôi đỏ sinh sản nhiều, tràn về trú ngụ ở các vườn cà phê, tiêu… Do màu sắc rắn trùng màu lá cây nên khó phát hiện, người hái cà phê cần phải cảnh giác, có biện pháp bảo vệ, phòng ngừa rắn cắn. Khi bị rắn cắn người dân tránh dùng lá cây đắp vào vết thương, vì dễ nhiễm trùng, theo báo Tri thức Trực tuyến.
Ngoài ra, người dân không được dùng đá chưa rõ nguồn gốc đè lên chỗ rắn cắn (theo cách dân gian). Đặc biệt, nạn nhân không được ca rô vết thương quá chặt, vì máu sẽ ứ đọng dẫn đến hoại tử tứ chi. "Khi bị rắn cắn, nạn nhân cần bình tĩnh ngồi yên, làm sạch vết thương. Sau đó băng bó nhẹ rồi đến cơ sở y tế gần nhất", bác sĩ Nhựt nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo