Rau quả Đà Lạt công nghệ Nhật ngon hơn, giá trị hơn
Việc hình thành cụm sản xuất chuyên xuất khẩu sang Nhật là ý tưởng mới lần đầu tiên được đưa ra và áp dụng ở một quốc gia khác ngoài Nhật Bản.
Khu nông nghiệp - công nghiệp chuyên xuất khẩu hàng nông sản cho Nhật vừa được tỉnh Lâm Đồng và phía Nhật lên kế hoạch xây dựng nhằm mục tiêu nâng sản lượng xuất khẩu rau, hoa của Đà Lạt sang Nhật tăng ít nhất ba lần sau ba năm.
Đề án này đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo hợp tác đầu tư trong nông nghiệp giữa tỉnh Lâm Đồng và Nhật Bản do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 23 và 24-3.
Nông sản Đà Lạt rộng đường đến Nhật
Ông Mutsuya Mori, trưởng đại diện JICA tại VN, khẳng định việc hình thành cụm sản xuất chuyên xuất khẩu sang Nhật là ý tưởng mới lần đầu tiên được đưa ra và áp dụng ở một quốc gia khác ngoài Nhật Bản.
“Nếu khu liên hợp này hình thành với sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản thì những điểm nghẽn của nông nghiệp Đà Lạt hiện nay sẽ được gỡ.
Nói kế hoạch này mới mẻ vì lần đầu tiên hình thành khu nông nghiệp kết hợp công nghiệp theo hướng mở, tức khu liên hợp đó là hạt nhân với các nhà máy xử lý, chế biến, trung tâm thu gom hoa và chuyển giao công nghệ.
Để hoạt động được thì phải liên kết với nông dân, những tổ hợp tác, công ty của người VN nằm bên ngoài khu liên hợp. Đây là những vệ tinh quan trọng để hạt nhân có thể hoạt động được” - ông Mutsuya Mori nói.
Còn ông Hosono Kyohei, giám đốc quản lý khu vực châu Á Công ty Dream Incubator Nhật Bản (DI) - đơn vị được JICA thuê khảo sát hoạt động nông nghiệp tại Đà Lạt và định hướng kế hoạch hợp tác, nhấn mạnh khảo sát mới đây tại Nhật trên 50 doanh nghiệp thì 30 doanh nghiệp có ý muốn đầu tư vào nông nghiệp ở Đà Lạt theo ba nhóm: sản xuất, tổ chức thu mua xuất khẩu, cung cấp vật tư nông nghiệp công nghệ cao.
Không chỉ kế hoạch xây dựng khu liên hợp công nông nghiệp sản xuất cho Nhật được thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đồng ý mà các kế hoạch khác như xây dựng thương hiệu, xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực quản lý nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia và nhà đầu tư Nhật Bản cũng được đồng ý.
Đó là thông tin ông Nguyễn Văn Yên, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cung cấp tại hội thảo. Ông Yên cho hay tất cả hạng mục mà phía Nhật tính toán đầu tư ở vùng nông sản Đà Lạt đều cần thiết, đặc biệt là các nhà máy với công nghệ sau thu hoạch công nghệ mới, dù gặp khó khăn về quỹ đất nhưng Lâm Đồng sẽ bàn giao khu đất dự định thực hiện Khu công nghiệp Tân Phú (huyện Đức Trọng) với hơn 300ha để xây dựng khu liên hợp công nghiệp - nông nghiệp.
Ông Yên nhấn mạnh: “Nhà đầu tư Nhật nào đủ năng lực xây dựng hạ tầng khu công nghiệp này chúng tôi sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng và bàn giao ngay”.
Trong khi đó, ông Hosono Kyohei cho biết chỉ cần tỉnh Lâm Đồng giải phóng mặt bằng và bàn giao đất nhanh chóng trong vòng 12-18 tháng thì trong vòng 2-3 năm tiếp theo các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ vào cuộc.
Các bước ngắn hạn như hiện đại hóa chuỗi cung ứng để tạo sự khác biệt về chất lượng, xây dựng hệ thống phân phối hoa sẽ được tiến hành song song với việc hình thành khu công nghiệp - nông nghiệp và kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản.
Người Nhật muốn thay thế nông sản từ Trung Quốc
Kế hoạch Nhật Bản đưa ra và đề nghị tỉnh Lâm Đồng hợp tác làm nhiều doanh nghiệp sản xuất nông sản hàng đầu tại Đà Lạt bất ngờ. Trước đây, việc đi tìm đầu mối hợp tác với doanh nghiệp để xuất khẩu rau, hoa sang Nhật không phải là chuyện dễ dàng và nhiều nông dân phải cất công sang xứ người. Lần này cơ hội lại do phía Nhật Bản mang đến với những bước hợp tác sản xuất cụ thể.
Không giấu giếm lý do, ông Hosono Kyohei cho biết 90% người Nhật đang mất niềm tin với nông sản Trung Quốc và các nhà sản xuất, cung ứng phải đi tìm một nguồn cung ứng bền vững. Nhiều người dân Nhật sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để mua nông sản nhập từ các nước khác ngoài Trung Quốc.
Ông nói thêm hiện không có nhiều doanh nghiệp VN xuất nông sản sang Nhật nhưng các doanh nghiệp này đều tạo ấn tượng tốt nhờ sản phẩm có chất lượng.
“Từ các doanh nghiệp này cho chúng tôi thấy không phải Đà Lạt không sản xuất nông sản tốt mà đang tắc nghẽn ở khâu nào đó khiến không thể sản xuất nông sản chất lượng cao một cách đại trà” - ông Hosono Kyohei nói. Lý do này cùng với lý do về việc thiếu đất, lao động tại Nhật Bản đã khiến các nhà đầu tư Nhật Bản đến Đà Lạt tìm cơ hội hợp tác.
Tăng gấp 3 lượng nông sản xuất sang Nhật
Ông Hosono Kyohei cho rằng trong khoảng ba năm hợp tác, tổng sản lượng xuất khẩu nông sản của Đà Lạt sang Nhật sẽ tăng lên mức 30.000 tấn/năm, gấp ba lần hiện nay. Ông phân tích: “Hiện Nhật Bản mỗi năm nhập của Trung Quốc 400.000 tấn nông sản, Thái Lan khoảng 30.000 tấn, Việt Nam, chủ yếu từ Đà Lạt, chỉ 10.000 tấn... Khi doanh nghiệp Nhật cùng làm thì cánh cửa thị trường sẽ mở ra, người Nhật thuyết phục người Nhật dùng hàng Việt sẽ dễ dàng hơn. Và như thế chỉ cần chuyển dịch một lượng nhỏ nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc sang Đà Lạt thì câu chuyện kinh tế hiện nay sẽ khác ngay”.
Tuy vậy, việc xuất hiện một làn sóng đầu tư nông nghiệp từ Nhật cũng khiến những người làm nông nghiệp có uy tín tại vùng rau, hoa Đà Lạt lo lắng.
Ông Trần Huy Đường, giám đốc Công ty Langbiang Farm - nguyên chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho rằng khi thành lập khu công nghiệp - nông nghiệp cần phải có cam kết rõ ràng trong việc liên kết hợp tác sản xuất để xuất khẩu tránh doanh nghiệp nước ngoài mượn đất Đà Lạt, thuê lao động giá rẻ để sản xuất khiến người sản xuất địa phương không được tham gia chuỗi sản xuất.
Đối với từng dự án yêu cầu các bên tham gia đảm bảo phải liên kết với nông hộ hoặc doanh nghiệp địa phương. Điều này đảm bảo được nông dân Đà Lạt sẽ học được lối sản xuất của Nhật Bản ngay tại Đà Lạt và cải thiện dần trình độ sản xuất nông nghiệp.
Còn ông Nguyễn Hồng Phong, giám đốc Công ty nông sản Phong Thúy, cho rằng nếu nói về rau củ quả tươi thì trong nước luôn trong tình trạng cung vượt cầu.
Nếu các nhà đầu tư Nhật Bản vào Đà Lạt thì cùng bắt tay sản xuất theo các tiêu chuẩn khắt khe hơn để xuất khẩu, tránh dư thừa trong nước. Việc tổ chức những vùng nguyên liệu lớn cho các nhà máy chế biến nông sản của Nhật tại VN không nằm ngoài tầm tay của những người sản xuất rau tại vùng rau Đà Lạt.
Khuyến khích đầu tư công nghệ sau thu hoạch
Ông Đoàn Văn Việt, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tỏ rõ quan điểm ủng hộ Nhật đầu tư trong nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, gắn nông nghiệp với công nghiệp.Một số khảo sát cho thấy rằng do yếu ở công nghệ sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu mà giá trị sinh ra từ 1ha đất của Đà Lạt thấp hơn tám lần so với Malaysia dù chất lượng sản phẩm không khác nhau nhiều.Trao đổi với các doanh nghiệp Nhật, ông Việt đề nghị trước mắt hợp tác đầu tư mạnh công nghệ sau thu hoạch tại khu công nghiệp, nông nghiệp chuyên xuất khẩu cho Nhật vì sản lượng một số loại nông sản như cà chua, cà rốt, khoai tây của Đà Lạt ngày càng tăng, có xu hướng dư thừa.Cũng do thiếu khâu sơ chế, bảo quản nên mỗi năm chỉ xuất khẩu được một lượng rất nhỏ trong số 2 tỉ cành hoa được trồng.Sẽ không nới lỏng tiêu chuẩnÔng Mutsuya Mori cho rằng cánh cửa hợp tác để nông sản Đà Lạt vào thị trường Nhật Bản đã mở rộng nhưng không có nghĩa các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được nới lỏng.Trước đây, nông sản VN thường xuyên bị rớt khỏi kệ hàng tại Nhật Bản vì vô tình vi phạm những điều cấm kỵ liên quan đến các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do Nhật đưa ra.Ông nói: “Rau Đà Lạt sẽ sớm được nâng cao về mức độ sạch theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn toàn cầu. Các quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Nhật sẽ được các doanh nghiệp Nhật đưa đến Đà Lạt và sẳn sàng chuyển giao để mở rộng sản xuất”.
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo