Rõ ràng chưa minh bạch!
Các nhà “xã hội học thể thao” hỏi nhau sao với dân ta World Cup lần này không nóng như mấy lần trước. Lý do là mọi người sôi sục quan tâm tới tình hình chủ quyền biển đảo hơn. Tất nhiên, tình yêu thể thao sao lớn bằng tình yêu nước.
Nguyên nhân thứ hai là Quốc hội đang họp, chất vấn nhiều vấn đề nước sôi lửa bỏng hơn: Đừng để nền kinh tế nước nhà phụ thuộc vào “anh láng giềng xấu bụng”! Ta có nên kiện họ về chủ quyền không đây? Chuyện hàng chục triệu đầu xanh tuổi trẻ phụ thuộc như thế nào vào GDĐT. Chuyện nhiều vụ tham nhũng toàn do dân và nước ngoài phát hiện, còn Tổng Thanh tra Chính phủ chưa giải thích được minh bạch về tài sản của hai ông cựu tổng và đương kim phó tổng ngành của mình…
Những nội dung này nóng nhưng với ông bạn chưa già của tôi thì cái “nóng” chính là thái độ của người dân, quan tâm và đòi hỏi của họ về sự rõ ràng minh bạch. Ý thức và trách nhiệm công dân đã tăng rõ rệt nhờ sự thông thoáng đáng kể của không gian thông tin! Ý thức thể thao sao so được với ý thức công dân.
World Cup không có sự nồng nhiệt của đám đông khiến các cảm xúc và “cháy hết mình” của lẻ tẻ vài anh thức khuya quán cóc cùng vài khách mời văn nghệ, danh hài và sự duyên dáng quá đà của các BTV tại nhà đài và phát tán khắp thế giới trở nên hơi giả tạo và rất nhạt nhẽo. Cái hay là về sự rõ ràng và minh bạch có rất nhiều sự tương đồng giữa bóng đá với thời sự. Rõ ràng Trung Quốc đưa ra các “cứ liệu” rằng, họ có biển Đông từ thời Đông Hán - 2.200 năm trước, nhưng cũng rõ ràng là các bản đồ và sử liệu của họ suốt chiều dài lịch sử ấy không hề xác định hai quần đảo này thuộc Trung Hoa. Rõ ràng họ sợ sự minh bạch, không muốn bị ra tòa để nhận được phán xét công bình! Rõ ràng có tham nhũng mà phía Nhật nói rằng, quan chức của họ “lại quả” cho quan chức Việt Nam.
Có 3.000 người có dấu hiệu kê khai tài sản không trung thực là rõ ràng. Phó Tổng thanh tra kê khai “đúng theo quy định của pháp luật” và ông cựu tổng thanh tra đã về hưu thuộc địa phương tỉnh Bến Tre và lại thuộc diện Ban Bí thư quản lý nên Thanh tra Chính phủ chỉ “phối hợp về vụ việc này”. Đó là các sự thực rõ ràng nhưng chưa minh bạch, vì còn rất tù mù chưa biết phải - quấy, đúng - sai, trách nhiệm.
Bộ GDĐT “khốn đốn” với các đại biểu và dư luận vì con số “trời ơi” 34.000 tỉ đồng cho chương trình SGK. Rõ ràng là bộ trưởng (đi công tác vắng), thứ trưởng (được ủy quyền họp) không có con số đó. Rõ ràng là một anh “cấp vụ” nào đã truyền giấy cho thứ trưởng để tung ra con số ghê người trên! Một đại biểu QH cho rằng, rõ ràng “tư lệnh ngành” không kiểm soát được tình hình. Một đại biểu khác nói “không thể hiểu được” tại sao một con số vu vơ như vậy lại được đưa ra ở một cuộc họp quan trọng như vậy! Vị “tư lệnh ngành” thanh minh rằng luật từ năm 2000 rõ ràng không có quy định đưa ra con số trong dự án kiểu này! Cộng hay nhân các sự rõ ràng với nhau, ta có một sự không minh bạch. Và các sự không minh bạch làm nóng các thời sự trên.
Mới hai ngày đầu World Cup cũng đã có bao sự rõ ràng không minh bạch như đổ dầu vào chảo lửa ở Brazil. Chính phủ nước này không thể minh bạch việc chi tiêu cho World Cup để xoa dịu biểu tình phản đối. FIFA không minh bạch được chuyện bỏ phiếu cho Qatar và Nga đăng cai. Các trận đấu được truyền hình trực tiếp toàn cầu, mấy chục máy quay, zoom từ vệ tinh xuống tới chân cầu thủ. Công nghệ Goal Line xác định rõ ràng bóng đá “vào” chưa, cầu thủ việt vị chưa và va chạm nhau thế nào…
Rõ ràng công khai cấp độ 4K đến chân tơ kẽ tóc mà vẫn không minh bạch. Trọng tài Nhật bắt trận khai mạc rõ ràng cướp của Croatia 1 bàn vì bóng đã vào lưới mà trước đó cầu thủ của họ không đẩy thủ môn. Ông còn tặng cho Brazil 1 bàn vì cầu thủ chủ nhà ngã giả vờ! Hai bàn “chết người” này rõ ràng không minh bạch và người ta đòi “tống cổ” ông trọng tài này ngay.
Mexico cũng không hiểu vì sao 2 bàn thắng của họ không được công nhận. Sự không minh bạch khiến họ coi chiến thắng của mình là thắng trọng tài chứ không phải thắng Cameroon! FIFA sẽ giải thích rằng công nghệ giúp mọi sự rõ ràng, nhưng luật bóng đá được các trọng tài vận dụng khác nhau. Thế mới là bóng đá (?!).
Đại biểu QH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) có câu chất vấn y hệt khi đề cập tới các vụ xét xử tham nhũng: Liệu “Pháp luật có bị vận dụng khác nhau?”. Thời đại nghe nhìn có thể khiến mọi thứ rõ ràng mà không minh bạch được! Hay chưa?
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo