Rủi ro bủa vây người đi xuất khẩu lao động
Nộp 6.000 USD để được đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, sau ba năm làm việc vất vả, anh Nguyễn Ngọc Chiến trở về nước với 37.000 USD và một “núi” tâm sự. Tại cuộc hội thảo bàn về bảo vệ quyền lợi cho lao động đi xuất khẩu lao động được tổ chức hôm qua (3/5) tại Hà Nội, anh thẳng thắn nói rằng đã phải đánh đổi quá đắt.
“Khi sang tới Hàn Quốc làm việc thì đơn vị môi giới cho tôi đi đã phủi tay. Suốt ba năm trời tôi phải làm việc vất vả, mỗi bữa chỉ được ăn một bát cơm. Nhà ở thì nhỏ hẹp và đông người, cuộc sống tạm bợ đi hết nơi này ở tới nơi khác”, anh Chiến chia sẻ.
Vất vả nhưng có được mấy chục ngàn đô mang về như anh Chiến vẫn còn may mắn. Anh Trần Văn Trọng ở Quyết Thắng, Tân Hưng, Hưng Yên và năm lao động khác đang lao động tại Liên bang Nga sống rất cực khổ, làm việc không ngày nghỉ và thậm chí còn bị đe doạ đánh đập. Không hiếm lao động phải đi rửa xác chết như vụ sáu lao động Việt Nam ở Đài Loan mà khi về tay trắng hoàn trắng tay. Và còn hàng trăm lao động trở về từ Libya hiện vẫn đang bị nợ lương và trở thành con nợ của các ngân hàng.
Lý giải cho những rủi ro mà người đi xuất khẩu lao động đang phải gánh chịu, ông Phạm Đỗ Nhật Tân, phó chủ tịch hiệp hội xuất khẩu lao động cho rằng có những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài. Bất cập này đến ngay từ khâu tuyển dụng khi nhiều doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, làm ăn chụp giựt tuyển người qua trung gian, cò mồi, môi giới khiến lao động mất thêm nhiều chi phí ngoài luồng.
Khi lao động làm việc ở nước ngoài lại thiếu quan tâm, bảo vệ kịp thời dẫn tới quyền lợi của người lao động bị xâm hại. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước lại chưa làm “tròn vai”. Việc phát hiện, xử lý các sai phạm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chưa nghiêm dẫn tới “vàng thau lẫn lộn”, có “đất” để các tổ chức, cá nhân trục lợi, lừa đảo người lao động.
Thừa nhận đây là bất cập lớn, cục Quản lý lao động nước ngoài cho biết trong số 170 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động vẫn còn nhiều doanh nghiệp yếu kém và không chấp hành đúng các quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra của đơn vị này thời gian qua cho thấy đã có tới 119 lượt doanh nghiệp vi phạm và bị xử lý với các lỗi khá nghiêm trọng như: thu tiền không đúng quy định, thiếu trách nhiệm trong quản lý lao động, đưa lao động đi không báo cáo, thẩm định hợp đồng.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo