Thị trường

Rủi ro khi ký khống giấy tờ giao dịch ngân hàng

Tại một số ngân hàng, khách hàng đến vay tiền được yêu cầu ký tên, đóng dấu khống sẵn vào các chứng từ, giấy tờ như giấy nhận nợ, giấy rút tiền mặt, ủy nhiệm chi... với lý do để việc giải ngân cho vay được nhanh gọn.

Thậm chí có nhân viên tín dụng còn yêu cầu khách hàng ký khống vào các biên bản kiểm tra trước hoặc sau khi cho vay... để đối phó với bộ phận kiểm tra kiểm soát. Với tâm lý là người đi vay tiền (được cho vay đã là mừng), rất ít khách hàng mạnh dạn từ chối yêu cầu này.

Về mặt nguyên tắc, tất cả ngân hàng chuyên nghiệp đều không chấp nhận và luôn khuyến cáo khách hàng vay tiền cũng như gửi tiền không được ký khống vào bất kỳ loại giấy tờ nào có liên quan đến giao dịch ngân hàng.


Tuy nhiên, khoảng mười năm trở lại đây, từ khi các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng mọc lên như nấm và nhiều người “ngủ một đêm thức dậy thành cán bộ quản lý ngân hàng” thì nhiều nguyên tắc, chế độ quy định đã không được tuân thủ.

Bên cạnh đó, cũng có những trưởng phó phòng, nhân viên không được đào tạo, hướng dẫn bài bản căn cơ dẫn đến cung cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, đầy sơ hở và chỉ cần ai đó thiếu đạo đức nghề nghiệp là có thể dễ dàng lợi dụng để tham ô, lừa đảo, tiêu cực.

Ví dụ như với giấy rút tiền, ủy nhiệm chi được ký đóng dấu khống, cán bộ ngân hàng có thể sử dụng để điền vào rồi rút tiền mặt hoặc chuyển sang tài khoản nào đó rồi rút tiền ra.

Điển hình là vụ chiếm đoạt tiền tỉ của Nguyễn Hoàng Ngân (*), trưởng phòng giao dịch Bình Chánh thuộc Ngân hàng Sacombank chi nhánh Chợ Lớn (TP.Hồ Chí Minh) hồi tháng 7. Cần lưu ý ở đây không phải là vụ ngân hàng làm giả hồ sơ giải ngân vốn vay mà hồ sơ hoàn toàn thật, chữ ký thật do chính người vay tiền ký khống vào trước theo yêu cầu của Ngân.

Trong thời gian làm trưởng phòng giao dịch của Vietcombank tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP.Hồ Chí Minh), thỉnh thoảng tôi vẫn phát hiện nhiều tờ ủy nhiệm chi hoặc giấy rút tiền chưa ghi nội dung gì do khách hàng (đơn vị, tổ chức) ký đóng dấu lẫn trong các xấp chứng từ đưa cho giao dịch viên ngân hàng để hạch toán do các loại giấy tờ này thường gồm nhiều liên, mỏng và hay dính với nhau.

Những trường hợp này, tôi đều chỉ đạo nhân viên của mình hủy bỏ trước mặt nhân viên của đơn vị, tổ chức nói trên vì các lý do sau:

- Phòng ngừa việc người trong ngân hàng lợi dụng để chiếm đoạt tiền. Trường hợp nếu bị lợi dụng, trong khi chờ điều tra thì phần thiệt sẽ thuộc về khách hàng vì chữ ký và con dấu trên những ủy nhiệm chi, giấy rút tiền này đều là thật.

- Nếu trả lại doanh nghiệp thì phải trả cho chính chủ tài khoản chứ không thể trả cho nhân viên của công ty để tránh bị những nhân viên này lợi dụng những chứng từ đó điền chi tiết vào và tiêu cực. Nhưng cũng cần lưu ý là nếu trả cho chủ doanh nghiệp thì nhân viên giao dịch, kế toán trưởng của doanh nghiệp sẽ bị quở trách, thậm chí mất việc. Vì vậy tốt nhất là hủy bỏ tại chỗ.

Bên cạnh việc cẩn trọng với chuyện ký, đóng dấu khống, khách hàng cũng cần sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử để có thể kiểm soát hoạt động tài khoản của mình tức thời qua Internet và điện thoại di động. Và thiết nghĩ, các ngân hàng cũng cần xem lại công tác cán bộ vì rủi ro đạo đức bao giờ cũng là rủi ro cao nhất, gây thiệt hại nặng nề nhất trong các loại rủi ro của ngân hàng.

 

 

Đoàn Huế (Theo Tuổi Trẻ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo