Rườm rà tranh chấp sở hữu trí tuệ
Giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam nhiều bất cập liên quan đến trình tự thủ tục, quy trình giải quyết tranh chấp, khiến nảy sinh nghịch lý: thủ phạm ăn cắp” bản quyền SHTT dù đã được cơ quan chức năng thụ lý, nhưng vẫn nghiễm nhiên có thời gian vi phạm thêm 1 năm nữa mới bị xử lý?
Vi phạm ngày càng tinh vi
TS Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, thời gian qua thanh tra Bộ KH&CN đã phát hiện, cũng như tiếp nhận thông tin nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp quyền SHTT, trong đó nổi cộm thực trạng tranh chấp tên miền. Biểu hiện cụ thể của các tranh chấp này là một số tổ chức cá nhân có dụng ý đăng ký, hoặc đầu cơ các tên miền chứa đựng yếu tố cạnh tranh không lành lạnh, gây nhầm lẫn và làm thiệt hại đến uy tín, vật chất của chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại,…
Điển hình là các trường hợp được phát hiện thời gian gần đây, như: Công ty CP Truyền thông và Xuất bản Việt Nam đã đăng ký và sử dụng các tên miền "Grazia.vn” và "Grazia.com.vn” (trùng với thương hiệu nổi tiếng); ông Nguyễn Mạnh Tài (TP.HCM) đăng ký, chiếm giữ tên miền: "Chevrolet.vn”, trùng với của thương hiệu nổi tiếng của General Motors Corporation; ông Đỗ Mạnh Thắng (Hà Nội) đăng ký, sử dụng tên miền "BKAV.VN”, trùng với thương hiệu phần mềm BKAV thuộc sở hữu của Trung tâm An ninh mạng Bkis;…
Thậm chí, liên quan đến thương hiệu cà phê nổi tiếng của Mỹ - Starbucks mới mở cửa hàng café đầu tiên tại Việt Nam thì trước đó 3 tháng đã có đơn vị đăng ký tên miền "starbucks.com.vn” từ trước khi công ty Starbucks vào Việt Nam”.
Theo bà Quỳnh, các vi phạm về SHTT có thể nhận biết được trên thực tế, nhưng khi tiến hành giải quyết các tranh chấp lại vướng nhiều bất cập. Chẳng hạn, không xác định được đối tượng (cá nhân, tổ chức) đăng ký tên miền (như trường hợp "Two Stoohes LLC Co. (nguồn gốc từ Trung Quốc) đăng ký tên miền Youtube.com.vn” của Google.Inc, hoặc như trường hợp tên miền "BKAV.VN” cũng không xác định được người đăng ký/chiếm giữ). Xung quanh bất cập nêu trên, Luật sư Nguyễn Trung (Công ty Luật Rouse Legal) cho biết thêm, hiện nhiều trường hợp đăng ký tên miền với mục đích không lành mạnh, tức chỉ đăng ký để chiếm giữ các tên miền, sau đó bán lại với giá hời.
Thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện các trường hợp tên miền đăng ký đã trên 1 năm nhưng chưa thấy sử dụng, trong khi các tên miền này lại được rao bán công khai trên mạng. Đây là những biểu hiện rất rõ của vi phạm về SHTT.
Đợi giải quyết trong…1 năm ?
Dù nhìn nhận hiện tượng vi phạm SHTT diễn ra thường xuyên, tinh vi, phức tạp, nhưng khi đi vào giải quyết thực tế lại nảy sinh nhiều bất cập. Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) tại hội thảo, trình tự, giấy tờ thủ tục yêu cầu xử lý vi phạm còn quá rườm rà và mất thời gian.
Trong đó, các DN khi có nhu cầu tới "gõ cửa” các cơ quan chức năng để giải quyết tranh chấp, đều phải "chờ đợi dài cổ”. Họ phải hoàn tất các thủ tục về: Đơn yêu cầu xử lý; cơ quan thanh tra KH&CN xem xét, xử lý (không rõ thời gian); văn bản kết luận vi phạm hoặc quyết định xử phạt; các bên thương lượng (khoảng 30 ngày). Nếu thương lượng không thành thì cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt (chờ tiếp 30 – 45 ngày), sau đó mới tới yêu cầu thu hồi tên miền vi phạm. Tất cả trình tự này kéo dài tối thiểu trong vòng 1 năm. "Tất cả quá trình này được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) giải quyết sau đúng 1 năm kể từ khi quyết định xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ KH&CN có hiệu lực”, TS Quỳnh cho biết thực trạng.
Đối với vi phạm "xuyên biên giới”, Luật sư Nguyễn Trung phân tích, thực tế phát sinh các trường hợp người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam nhưng lại có hành vi vi phạm SHTT tại Việt Nam thì cơ quan chức năng khó có thể ra được quyết định xử lý; Hoặc trong luật quy định phải "thỏa thuận với các điều kiện hợp lý”, nhưng "hợp lý” như thế nào thì lại không định lượng, dẫn tới "lỗ hổng” tiêu cực.
Từ kinh nghiệm tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến SHTT, ông Đỗ Khắc Chiến, nguyên Phó cục trưởng Cục Bản quyền và tác giả cũng thừa nhận, ranh giới giữa hai, hoặc nhiều lĩnh vực tại Việt Nam cho đến nay còn hết sức mập mờ, không rõ ràng. Riêng trong tài sản trí tuệ vẫn nảy sinh tình trạng hai, hoặc nhiều quyền tài sản trí tuệ cùng tồn tại đối với cùng một đối tượng được bảo hộ.
Theo TS Nguyễn Như Quỳnh, để khắc phục các bất cập của Nghị định 97/2010/NĐ-CP của Chính phủ, hiện Dự thảo thay thế Nghị định này đã bổ sung, cũng như loại bỏ các bất cập dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực thi.
Trong đó, thay vì thời hạn giải quyết kéo dài trong 1 năm thì dự thảo mới đã quy định giảm còn 100 ngày (trên 3 tháng). Mặt khác, các mức phạt hành chính cũng không chung chung như NĐ 97 mà sẽ phân ra cá nhân (mức phạt tới đa 250 triệu đồng/vụ và tổ chức (tối đa 500 triệu/vụ). Ngay cả hình thức phạt cảnh cáo thì đối tượng vi phạm cũng phải nộp tối đa 2 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng theo bà Quỳnh, những thông tin được bổ sung vẫn đang trong quá trình dự thảo và các cá nhân, tổ chức vẫn phải chờ lúc Nghị định thay thế chính thức được ban hành và có hiệu lực.
Tại hội thảo, Thẩm phán Nguyễn Công Lực (Tòa Kinh tế - TAND tỉnh Bình Dương) cũng chia sẻ, theo thống kê trên cả nước hiện mới chỉ có 14 - 15 vụ liên quan đến tranh chấp SHTT được đưa ra xét xử, một con số rất nhỏ so với thực tế. Nguyên nhân chính là do các DN còn e dè, chưa mạnh dạn khởi kiện hoặc do chưa nắm rõ pháp luật về SHTT. Thẩm phán Lực khuyến khích các DN, cá nhân, tổ chức nên đưa tranh chấp ra pháp luật giải quyết để được bảo vệ quyền lợi, cũng như thực thi quyền của mình.
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo