Tin tức - Sự kiện

Rượu giả tập kết chờ Tết

Sau nhiều đợt ra quân truy quét của các cơ quan chức năng, các đối tượng sản xuất, buôn bán rượu lậu, rượu giả tuy không còn rầm rộ như những năm trước đây song vẫn âm thầm sản xuất, tập kết và ém hàng chờ Tết.

Tinh vi công nghệ làm giả


Tùng, một nhân viên từng làm việc trong “lò” rượu giả nay đã giải nghệ chuyển sang buôn bán điện thoại di động đã cho chúng tôi biết đủ các “chiêu”, “mánh” để làm rượu giả. Tùng cho biết, như một quy luật bất thành văn, bất kể mọi loại rượu, dù được sản xuất trong nước hay nhập khẩu, nếu bán chạy trên thị trường đều sẽ bị làm giả.

 

Tuy nhiên, rượu bị làm giả nhiều nhất thường là những loại rượu ngoại phổ biến được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng như: Chivas Regal (12,18 năm), Johnnie Walker (Red, Black), Remy Martin…

 

Có rất nhiều phương cách để làm rượu giả, tùy theo “tay nghề”, uy tín của đầu nậu mà rượu giả được chế biến với hương liệu và thủ thuật ra sao. Có nơi làm giả 100%, có nơi làm giả từ 40-50% tùy theo từng mối giao hàng mà họ có thể đặt ra cách làm cho mình.



Muốn làm rượu giả trước hết phải có vỏ. Hầu hết vỏ của những chai rượu ngoại đều là vỏ thật, vỏ xịn 100% nhưng chỉ có điều chúng được quay vòng qua con đường… đồng nát với giá khá rẻ chỉ từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng tùy theo loại.

 

Nếu không phải qua hàng đồng nát thì đầu nậu sẽ liên hệ với nhân viên của các vũ trường hay các nhà hàng lớn nơi có lượng tiêu thụ rượu ngoại ở mức cao để thu mua lại các vỏ chai này. Khi đã có vỏ chai, khâu “chế biến” ruột cũng được sáng tạo với nhiều cách khác nhau.

 

Cách đơn giản nhất thì mua rượu Lúa mới hay Vodka Hà Nội rồi sau đó thắng nước đường (hoặc dùng mật ong) pha vào cho nó có màu hanh hanh vàng giống như màu rượu ngoại, rồi mua một chai rượu ngoại thật về pha chế với công thức: 20% rượu thật cộng với rượu trắng, nước đường thắng. Từ 1 chai rượu thật có thể chế ra từ 3 hoặc 5 chai rượu giả tùy theo sự “tử tế” của đầu nậu.

 

Nếu không phải thắng nước đường và mật ong thì nguyên liệu được sử dụng phổ biến là những hóa chất tạo màu công nghiệp. Cá biệt có đầu nậu còn không sử dụng rượu thật mà chỉ mua men rượu pha với hương liệu, axit acetic, cồn 90 độ, nước lã rồi ủ khoảng 2-3 ngày là đã thành ra rượu rồi bơm trực tiếp vào chai.


Với những dòng rượu ngoại được sản xuất tinh vi, một số đầu nậu mua lại những nắp chai và ổ bi do các nhân viên mở rượu khéo léo rút ra trong lúc rót rượu cho khách rồi mang về dùng máy đóng nắp chai đóng xuống. Theo tiết lộ của Tùng, hầu hết các cơ sở sản xuất rượu giả đã nhập nút chai và sử dụng công nghệ dập nút chai của Trung Quốc.

 

Chỉ cần một máy ép bằng tay với bộ khuôn và nhôm cán mỏng sơn nhũ đủ màu tùy theo loại rượu có thể cho ra lò hàng trăm nút chai rượu giả mỗi ngày. Sau khi được dập thành phẩm, nắp chai được đặt trong một chiếc khuôn, luôn duy trì nhiệt độ khoảng 70 độ.

 

Nhiệt độ này làm nhôm, nguyên liệu dùng để làm nắp chai bị giãn nở. Sau khi chụp nắp này vào chai, cổ chai sẽ được nhúng vào thùng nước đá lạnh. Nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ khiến nhôm co lại và ôm sát miệng chai.


Có một cách làm rượu giả khác cầu kỳ và tinh vi hơn là kiểu “rút lõi” rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Từ một chai rượu ngoại xịn với đầy đủ tem, nhãn mác, đầu nậu sẽ dùng một máy khoan đặc chế với đường kính mũi khoan chỉ lớn hơn sợi tóc một chút, đầu mũi khoan được mạ kim cương.

 

Thông thường, đối với rượu ngoại, phía dưới đáy chai, nhà sản xuất đúc nổi những dòng chữ hoặc số để biểu thị ngày đóng chai. Mũi khoan được đưa vào chính giữa tam giác của chữ A hoặc vòng tròn của chữ O hoặc những chỗ có vết tì sẵn trên chai khi sản xuất.

 

Sau khi khoan thủng, một xi lanh lớn có gắn mũi tiêm (cũng đặc chế) được đưa vào rồi rút rượu ra. Sau đó rượu giả được bơm vào, rồi với một vài giọt keo bọt ép oxy cái lỗ khoan hoàn toàn bít lại như chưa có điều gì xảy ra. Loại keo ép này có màu giống với thủy tinh lên người mua khó mà phát hiện được. Số rượu thật được rút ra sau đó sẽ tiếp tục được pha chế và đóng vào chai khác.



Với những nhóm rượu trong nước phổ biến, có lượng tiêu thụ lớn tình trạng làm giả thường ở dạng nguyên chai, theo đường thẩm lậu từ Trung Quốc qua biên giới nhập vào Việt Nam. Công nghệ chế biến cũng hết sức tinh vi. Chỉ bằng một ít vật liệu dạng viên (có xuất xứ từ Trung Quốc) sẽ được pha chế cùng với nước cất và cồn, ủ vào thùng khoảng 1 tiếng đồng hồ, đã trở thành thứ rượu vodka.

 

Tuy nhiên gần đây do các cơ sở sản xuất rượu phối hợp với các cơ quan chức năng làm chặt nên hiện tượng này đã giảm bớt. Hiện chỉ còn tình trạng các cơ sở tư nhân làm nhái các thương hiệu này rồi tung ra thị trường.


Ém hàng chờ Tết


Càng đến gần dịp Tết Nguyên đán, thời điểm tiêu thụ rượu các loại tăng mạnh thì số lượng rượu giả, rượu kém chất lượng được tung ra càng nhiều. Mặc dù những vụ việc kinh doanh, vận chuyển buôn bán rượu lậu, rượu giả qua đấu tranh, bị các cơ quan chức năng phát hiện ít hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước, nhưng trên thực tế việc kinh doanh rượu lậu vẫn đang diễn ra rất phức tạp.

 

Theo một cán bộ của Đội Chống buôn lậu và Buôn bán hàng cấm - Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội, thường thì các đầu nậu vào cuộc từ thời điểm cuối tháng 10 đầu tháng 11. Các đường dây từ nguồn hàng, cung cấp tem giả đến các khâu đóng gói đã được chuẩn bị đâu vào đấy.



Lý giải cho việc tỷ lệ rượu giả đã giảm trong thời gian qua nhưng có thể vẫn chưa phản ánh đúng với thực tế, GS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, tỷ lệ rượu giả giảm được căn cứ trên số vụ việc được phá trong các năm hay số lượng các chai ngẫu nhiên được kiểm tra từ nhiều địa điểm trong nước.

 

Tuy nhiên, số lượng rượu giả tồn tại trên thực tế như thế nào, thì không thể có con số chính xác hay có thể khẳng định. Từ đó, chỉ có thể nhấn mạnh tình trạng rượu giả (thông qua phản ánh của người tiêu dùng) vẫn luôn phức tạp trên bề rộng, quy mô và số lượng.

 

Bên cạnh đó, tem rượu giả cũng được sản xuất cực kỳ tinh vi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch, và rất khó phân biệt bằng mắt thường. Ngay cả với các cơ quan chức năng, muốn phân biệt được đâu là thật, giả phải thông qua giám định vì vậy, người tiêu dùng rất khó phát hiện.


Đối với tình trạng rượu lậu, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, dù tỷ lệ rượu giả đã được giảm đáng kể nhưng tình trạng rượu lậu vẫn còn khá cao với diễn biến phức tạp về quy mô lẫn tổ chức tiêu thụ và cơ quan chức năng chưa kiểm soát được.

 

60-70% lượng rượu lậu trên thị trường được nhập vào Việt Nam qua tuyến biên giới Tây Nam, miền Trung và gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan và tạm nhập tái xuất.

 

Nguy hiểm hơn, rượu giả được trộn lẫn cùng với rượu ngoại nhập lậu hoặc các loại hàng hóa khác. Phương thức điển hình của gian lận thương mại là khai hải quan tạm nhập tái xuất vào các cửa hàng miễn thuế trong khu vực kinh tế cửa khẩu, khu vực thương mại tự do hoặc tái xất sang nước thứ 3 nhưng phần lớn lại tuồn vào thị trường nội địa trên đường vận chuyển.

 

Hoặc gian lận khi làm thủ tục thông quan hàng nhập khẩu như nhập nhiều khai ít, nhập rượu ngoại nhưng khai là hàng khác.



Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển rượu lậu, rượu giả, bên cạnh việc lực lượng chức năng tích cực vào cuộc thì cũng rất cần sự phối hợp thông tin của các doanh nghiệp sản xuất, nhất là việc thẩm định đâu là rượu chính hãng, đâu là rượu giả.

 

Để giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả, các doanh nghiệp Việt Nam cần tổ chức hệ thống cửa hàng chỉ bán một loại sản phẩm chính hãng.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để họ có thể nhận biết đâu là rượu thật, đâu là rượu giả. Bên cạnh đó, Hiệp Hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam cần xem xét biện pháp dán tem an ninh đối với sản phẩm rượu sản xuất trong nước. Đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng hệ thống mạng lưới phân phối các sản phẩm rượu.


Theo thống kê của Hiệp Hội Rượu, Bia, Nước giải khát và Hiệp Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), tỷ lệ rượu giả (rượu có thương hiệu) tại Việt Nam đã giảm từ từ 9,1% năm 2009 xuống còn 6,6% năm 2010 và chỉ còn 4.4% năm 2012.

 

Còn theo thống kê của Hiệp hội Chống Rượu giả quốc tế tại Việt Nam (IFSP Việt Nam), năm 2011, IFSP phối hợp với các cơ quan chức năng triệt phá 21 vụ, bắt 16 đối tượng làm rượu giả, thu giữ 6.300 dụng cụ làm giả như vỏ chai, hộp thành phẩm, nút, tem… Từ đầu năm đến tháng 8/2012, cơ quan chức năng đã triệt phá 13 vụ, bắt giữ 13 đối tượng làm giả, thu giữ 6.513 dụng cụ làm giả.
 

 

Theo An ninh thủ đô

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo