Samsung đầu tư: Có lợi, không lý do gì họ không làm!
Chính vì vậy nếu có thể đi cửa sau được, người Hàn khó có thể từ chối. PCI là một bài học nhãn tiền cho chúng ta về việc không thể loại trừ hiện tượng tham nhũng với bất kỳ đối tác nào.
Hợp tác ở những lĩnh vực mạnh
PV: - Thưa bà, mới đây, Chính phủ có công văn yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lựa chọn một số dự án tiềm năng, dự án thuộc danh mục dự án trọng điểm quốc gia như dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3, sân bay Long Thành, lĩnh vực công nghệ thông tin, đầu tư hoặc tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy SBIC... giới thiệu cho Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc).
Theo quan điểm của bà, lý do vì sao lại có sự hợp tác này, việc này đã có tiền lệ bao giờ chưa?
PGS TS Nguyễn Hoàng Ánh: - Đây là việc làm khá hợp lý do hai nguyên nhân, thứ nhất là quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tiến một bước tiến quan trọng, bằng chứng là Tổng thống Hàn Quốc đã sang Việt Nam ngay sau khi nhậm chức. Ngược lại, các lãnh đạo phía Việt Nam cũng rất quan tâm đến mô hình phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
Mô hình phát triển kinh tế của Hàn Quốc trong thời gian vừa rồi đã chứng minh là mô hình khá hiệu quả ở Châu Á và có lẽ là dễ theo hơn mô hình Nhật Bản vì mô hình Nhật Bản đã quá lâu, và bản thân người Nhật có cách làm việc rất đặc thù mà người Việt không theo được trong khi mô hình Hàn Quốc có nhiều điểm khá phù hợp với Việt Nam.
Thứ hai, Samsung là một trong những tập đoàn lớn và thành công nhất trên toàn thế giới, không chỉ ở Hàn Quốc. Hơn nữa, Samsung còn là tập đoàn có sức mạnh công nghệ to lớn. Đơn giản như lĩnh vực sản xuất laptop, điện thoại chỉ duy nhất Samsung sánh với Sony của Nhật Bản và Iphone của Mỹ. Samsung còn là tập đoàn đa ngành, với nhiều ngành phù hợp với Việt Nam. Vì vậy, quan tâm đến hợp tác với Samsung cũng là điều hợp lý.
PV: - Dư luận có đặt câu hỏi Samsung đầu tư hay đầu tư vào Samsung, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
PGS TS Nguyễn Hoàng Ánh: - Như tôi đã nói ở trên, quan tâm đến hợp tác với Samsung chứ không phải là ưu tiên hợp tác với Samsung. Trên thế giới còn rất nhiều tập đoàn đa quốc gia có tiềm năng đang mong muốn hợp tác với Việt Nam. Lựa chọn đối tác đầu tư phải dựa trên quan điểm công bằng với các đối tác và tối đa hóa lợi ích quốc gia. Việc tự thu hẹp đối tác đầu tư là tự giới hạn khả năng lựa chọn của chúng ta.
Đây là những dự án có tầm cỡ quốc gia nên theo luật phải tổ chức đấu thầu để chọn ra đối tác phù hợp nhất. Nếu quá ưu tiên Samsung trước khi được đảm bảo về lợi ích thu được sẽ dễ bị hiểu là đầu tư cho Samsung.
Trong lịch sử hoạt động, Samsung đã từng nhiều lần bị điều tra về tội hối lộ và trốn thuế lên đến hàng tỷ USD, làm Chủ tịch, đồng thời là người sáng lập ra Tập đoàn phải từ chức. Hàn Quốc cũng từng là nước có chỉ số tham nhũng rất cao. Chính vì vậy nếu có thể đi cửa sau được, người Hàn khó có thể từ chối. PCI là một bài học nhãn tiền cho chúng ta về việc không thể loại trừ hiện tượng tham nhũng với bất kỳ đối tác nào.
PV: - Xin bà cho biết, với điều kiện và tình hình kinh tế hiện nay Việt Nam nên hợp tác với Samsung ở những lĩnh vực nào?
PGS TS Nguyễn Hoàng Ánh: - Theo tôi nên hợp tác ở những lĩnh vực mà Samsung đang mạnh và có từ lâu đời. Hiện Samsung đang là doanh nghiệp hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin, công nghiệp đóng tàu, thiết bị viễn thông, đồ điện tử gia dụng, thiết bị điện tử. Samsung còn cung cấp cả thiết bị y tế, và các dịch vụ quảng cáo, giải trí, tài chính, khách sạn, bệnh viện, bán lẻ…
Có một sai lầm là khi tiếp nhận FDI, những nhà quản lý Việt Nam chỉ chú ý đến quốc gia nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mà không chú ý đến loại hình tổ chức doanh nghiệp, trong đó một loại hình rất quan trọng là Tập đoàn đa quốc gia (Multinational Corporation – MNC).
Khi tính toán FDI chúng ta tính là bao nhiêu công ty một nước nhưng không phân biệt những công ty đó khác nhau như thế nào. Nếu là tập đoàn đa quốc gia thường trụ sở ban đầu của nó không còn quan trọng nữa.
Khi xét duyệt đối tác đầu tư, cơ quan quản lý phải kiểm tra loại hình doanh nghiệp. Đơn cử những chuyện đình công, nợ lương hay chủ bỏ trốn… không bao giờ xảy ra ở những công ty đa quốc gia mà chỉ xảy ra ở những doanh nghiệp nhỏ lẻ của Đài Loan, Trung Quốc..., đầu tư vào Việt Nam với mong muốn thu lợi nhuận nhanh nhất.
Vai trò của các MNC rất quan trọng trong kinh tế toàn cầu. Một ví dụ điển hình là Tập đoàn Samsung được thành lập năm 1938, năm 2012 có khoảng 427.000 nhân công với doanh thu là 268,8 tỷ USD. Theo số liệu của WB, dân số Việt nam năm 2012 khoảng gần 90tr dân, GDP là 141,7 tỷ USD, bằng 52% thu nhập của Samsung.
Vì vậy, ngày nay không quốc gia nào có thể coi thường tiềm lực kinh tế của các MNC này. Thậm chí hiện tại trong lĩnh vực hải quan cũng đang xuất hiện những yêu cầu đổi mới. Bình thường chúng ta có giấy chứng nhận xuất xứ tức là “Made in” nước nào đấy nhưng các tập đoàn này xuất một giấy chứng nhận xuất xứ khác như là Made by Samsung thì làm từ bất kỳ đâu không quan trọng.
Phải tính toán công bằng
PV: - Có ý kiến cho rằng, để Samsung tham gia một số dự án tiềm năng và dự án thuộc danh mục dự án trọng điểm, đặc biệt tham gia và ngành công nghiệp đóng tàu nhưng không chia sẻ kỹ thuật công nghệ, chỉ sử dụng nguồn lao động giá rẻ và dần dần sẽ chiếm thị phần ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam. Bà có đồng tình với ý kiến này hay không và lý do vì sao?
PGS TS Nguyễn Hoàng Ánh: - Sự lo ngại này đã từng xảy ra với nhiều nước và với rất nhiều công ty không chỉ với mỗi Samsung nhưng câu trả lời thực ra rất đơn giản. Vấn đề là họ đưa những việc khác, mình có làm được hay không?
Tôi nhớ câu chuyện trước đây khi Intel của Mỹ vào Việt Nam, lần đầu tiên tuyển dụng chỉ tuyển được...một người. Chúng ta nghĩ thử xem họ có đưa công nghệ vào không khi mà cả đợt tuyển dụng hàng trăm người chỉ tuyển được đúng một người?
Có rất nhiều lời phàn nàn về việc các hãng ô tô không đưa công nghệ vào nhưng thực tế, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu kém nên nếu sản xuất ở đây ở đây doanh nghiệp phải tự xoay xở tất cả, khiến giá thành ô tô quá cao. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ có thể tiến hành lắp ráp ở Việt Nam chứ không thể đưa công nghệ sản xuất được.
Hơn nữa, có trách nhiệm đầu tiên của doanh nghiệp là phải làm ra lợi nhuận để nuôi sống bản thân, tiếp đến là đóng thuế cho nhà nước và làm từ thiện cho xã hội. Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng thế, sau khi làm lợi cho bản thân rồi thì họ mới có thể tính đến chuyện làm lợi cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã từng nói rõ ràng là không được phân biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, kinh doanh ở đây, đóng thuế đăng ký ở đây họ là doanh nghiệp của Việt Nam.
Theo tôi, Samsung hay bất kỳ doanh nghiệp nào nước ngoài nào vào Việt Nam, quan trọng nhất là tạo được công ăn việc làm cho người lao động và đóng thuế đầy đủ cho nhà nước. Nếu làm theo ý Việt Nam đưa công nghệ vào mà bị lỗ, trước hết là không có thuế đóng cho Chính phủ, tiếp đến là lao động Việt không có công ăn việc làm.
Tiên trách kỷ hậu trách nhân, chúng ta phải xem vì sao họ không đưa công nghệ vào Việt Nam. Câu trả lời chỉ vì họ không có lợi, nếu có lợi không lý do gì họ không làm!
PV: - Xin bà cho biết, Việt Nam sẽ được lợi gì và không lợi gì khi hợp tác với Samsung khi Samsung vốn bị tiếng đóng thuế tiền lẻ và không chuyển giao công nghệ (Samsung Electronics).
PSG TS Nguyễn Hoàng Ánh: - Theo tôi, khi hoạch định chính sách Nhà nước phải tính toán công bằng giữa việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài và bảo vệ quyền lợi của đất nước. Trong một thời gian dài, chúng ta quá ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài, đến nỗi đã có những lời phàn nàn là doanh nghiệp nước ngoài vừa có nhiều vốn, vừa có kinh nghiệm hơn nhưng lại được ưu đãi hơn doanh nghiệp nội địa.
Nếu chúng ta hoạch định chính sách sai thì đừng trách họ, họ không thảo bản luật đó mà là mình thảo, nên nếu có sai thì chỉ biết tự trách mình.
Vừa qua nhiều người phàn nàn kim ngạch xuất khẩu điện thoại của Samsung Electronic VN rất lớn, nhưng nếu tính kim ngạch nhập thiết bị của Samsung thì chênh lệch chỉ còn hơn 1 tỷ và sợ rằng Việt Nam không có lợi nhưng thực tế đó là do chính sách của Việt Nam. Trong trường hợp con số đó trung thực và doanh nghiệp vẫn đóng thuế đầy đủ thì không có vấn đề gì.
Thời gian qua, chính sách với FDI đã có nhiều thay đổi tích cực và chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Việc các báo cảnh tỉnh các nhà quản lý về việc lựa chọn đối tác đầu tư chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào quá trình này.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương