Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động khai thác thủy sản, bà con ngư dân đang cần hiện đại đội tàu khai thác theo hướng tăng các tàu công suất lớn để khai thác ở vùng biển xa. Nhưng để có vốn đóng được những con tàu lớn thì quả là điều quá sức của bà con ngư dân.
Hiện nay, số lượng tàu đánh bắt gần bờ vẫn chiếm gần 80% tổng số tàu, trong khi ngư trường gần bờ nhiều vùng biển bị suy kiệt do việc khai thác quá nhiều, không kịp tái sinh. Tuy nhiên, để đóng mới, cải hoán một con tàu đủ khả năng đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển, phải có số vốn rất lớn so với “tài sản” của ngư dân. Đã vậy, khai thác ở vùng biển xa luôn tiềm ẩn những rủi ro như bão gió, bị các tàu nước ngoài bắt, cướp...
Nhiều ngư dân cho biết, đã không “dám” vay ngân hàng để đầu tư tàu đánh bắt xa bờ, dù đó là ước mơ. Còn phía ngân hàng cũng không dám “mạnh dạn” cho ngư dân vay số tiền lớn để đóng tàu. Bởi rủi ro tín dụng của chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997 đến nay vẫn còn hậu quả, khiến các ngân hàng phải thận trọng.
Để giúp ngư dân vay ngân hàng đóng tàu đánh bắt xa bờ, cần phải tổ chức lại sản xuất trên biển cho bà con ngư dân hỗ trợ nhau trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế... tại hội nghị về thủy sản diễn ra ngày 15.4 tại Đà Nẵng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định: Ngân hàng có thể dành 10.000 tỉ đồng để cho vay đóng mới, cải hoán tàu cũ để đánh bắt xa bờ, với thời hạn và lãi suất ưu đãi (lãi suất khoảng 5%, thời hạn vay 10 năm).
Tuy nhiên, việc cho vay không thể tiếp tục theo mô hình đơn lẻ trước đây, mà phải thông qua các mô hình liên kết theo chuỗi và hiệu quả kinh tế cho ngư dân phải tăng lên. Điểm mấu chốt là phải tổ chức lại sản xuất trên biển, nhằm tăng cường liên kết kinh tế thực sự giữa các thành viên tham gia.
Giải thích rõ vấn đề Thống đốc nêu, một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ngân hàng có thể cho ngư dân vay để hình thành các tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ với lãi suất và thời hạn ưu đãi. Tuy nhiên, các tàu này phải có liên kết kinh tế thực sự khi tham gia khai thác trên biển xa, và nếu có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên bờ nữa thì càng tốt và họ cũng sẽ được hưởng các chính sách này. Các tàu ra khơi đánh bắt cá, được cơ sở hậu cần nghề cá cung cấp xăng dầu, thực phẩm, đá cây... và họ bán lại sản phẩm cho các cơ sở hậu cần để bảo quản và đưa vào bờ chế biến tiêu thụ.
Với tổ chức khai thác như vậy, ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền cho vay. Được như vậy, ngân hàng sẵn sàng cho ngư dân vay để đóng những con tàu “mẹ” đủ điều kiện là cơ sở hậu cần cho cả nhóm từ gói tín dụng 10.000 tỉ đồng .
Báo Lao Động