Tin tức - Sự kiện

Sản xuất công nghiệp: Khả quan nhưng chưa hết khó

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 giảm 0,9 điểm % so với tháng 6, cùng với sự cải thiện về tiêu thụ hàng hóa trong nước cho thấy những tín hiệu khả quan đối với sản xuất công nghiệp.

(congthuong) Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giảm. Tại thời điểm ngày 1/7/2013, chỉ số tồn kho đã giảm được 0,9 điểm % so với cùng thời điểm tháng 6. Chỉ số tồn kho giảm nhiều với các mặt hàng: vải dệt thoi, giày dép, xi măng, ôtô... Cá biệt có những mặt hàng chỉ số tồn kho giảm mạnh như linh kiện điện tử giảm 75,2%; thiết bị truyền thông giảm 76,9%...

Tuy nhiên, vẫn còn một số ngành sản xuất có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: đường, bia, giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy, phân bón và hợp chất nitơ... Những mặt hàng có chỉ số tồn kho tăng cao nhất là pin và ắc quy tăng 37,7%; dây cáp điện và dây dẫn điện tử tăng 47,7%; môtô, xe máy tăng 30,0%...

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước đã được cải thiện. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 tăng 13,3% so với tháng 5 và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: sợi tăng 14,0%; vải dệt thoi tăng 19,7%; hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 83,9%; may trang phục (trừ trang phục từ lông thú) tăng 13,4%; giày dép tăng 27,6%; phân bón và hợp chất nitơ tăng 19,2%; xe có động cơ tăng 71,0%...

Chỉ số hàng tồn kho giảm và sự cải thiện của thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước những tháng qua cho thấy sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, theo đánh giá, hoạt động sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng cao vẫn còn một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: đường giảm 35,0%; bê tông và các sản phẩm khác từ xi măng và thạch cao giảm 2,0%; điện tử dân dụng giảm 15,2%... Chỉ số tồn kho của một số mặt hàng cũng tăng cao như: đường tăng 49,6%; bia tăng 33,3%; giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 27,3%...

Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp từng tháng vẫn tiếp tục tăng nhưng nhìn tổng thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của cả nước còn chuyển biến chậm, chứng tỏ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, sức mua xã hội thấp.

 

 

Hồng Dương

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo