Sáng nay, Chủ tịch Quốc hội lên đường thăm Thái Lan,Nhật Bản
Sáng nay (3/12), Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu lên đường tới Bangkok, bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 3-8/12, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thái Lan Somsak Kiatsuranon và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Hirata Kenji.
Cùng đi với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Trưởng Ban công tác đại biểu của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Thái Lan Nguyễn Thị Nương; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Chí Dũng; Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn và một số thành viên khác.
Việt Nam và Thái Lan cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, con người và thiên nhiên. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/8/1976. Ngày 2/2/1978, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Bangkok. Tháng 3/1978, Thái Lan lập Đại sứ quán tại Hà Nội.
Đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN tháng 7/1995, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển, đáp ứng nguyện vọng của hai dân tộc, góp phần tạo ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước thường xuyên tiến hành các cuộc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, trong đó có các đoàn nghị sỹ Quốc hội hai nước.
Trong 35 năm qua, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan phát triển không ngừng, bao trùm các lĩnh vực, chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch. Hàng năm, khoảng 300.000 khách du lịch Việt Nam sang Thái Lan và một con số cũng hàng trăm ngàn khách du lịch Thái Lan sang thăm Việt Nam, đặc biệt là du lịch các tỉnh miền Trung.
Trong lĩnh vực kinh tế, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng lên hằng năm, dự kiến năm nay kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt trên 9 tỉ USD. Thái Lan là một trong 10 nhà đầu tư lớn vào Việt Nam với 264 dự án, tổng số vốn đăng ký 6,55 tỉ USD.
Việt Nam và Nhật Bản hình thành và phát triển từ các nền văn minh phương Đông nên hai dân tộc Việt - Nhật có nhiều điểm tương đồng trong lối sống, cách tư duy. Sự tương đồng đó là nhân tố quan trọng đối với quá trình phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973.
Sau năm 1975, Việt Nam và Nhật Bản lập Đại sứ quán ở mỗi nước. Từ năm 1992 đến nay, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố, phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Hàng năm, hai nước đều trao đổi các chuyến thăm chính thức, gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao, trong đó có các đoàn quốc hội hai nước. Năm 2002, lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”.
Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới thông qua các tổ chức quốc tế như APEC, WTO, ASEM, ARF; vận động OECD giúp Việt Nam về kỹ thuật… Hai bên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, trong đó có Liên hợp quốc.
Chuyến thăm chính thức hai nước Thái Lan, Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từ nay đến ngày 8/12 sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và hai nước này, mở ra hướng phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp Việt Nam-Thái Lan, Việt Nam-Nhật Bản./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo