Sập cầu treo, chậm tàu điện: Công cốc đầu tư công
Quyết định một cách tùy tiện, chủ quan, thẩm định hời hợt, chiếu lệ, tiến độ chậm chạp, chi phí tăng cao, chất lượng tồi tệ… là những nhức nhối muôn thuở trong đầu tư công. Điều này bao giờ mới chấm dứt?
Truy trách nhiệm đến cùng: Quá ít, quá khó
Một con ốc neo tăng đơ bị vỡ, cáp treo cầu đứt, hơn 40 con người vô tội bất ngờ bị hất thẳng xuống con suối cạn lởm chởm đá sắc. 8 người chết, 38 người bị thương nặng. Cầu treo Chu Va 6 (Tam Đường, Lai Châu), vốn đầu tư gần 1,2 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của Đan Mạch, sau 1 năm hoạt động giờ đã trở thành cây cầu oan nghiệt.
Bộ Giao thông vận tải đã công bố, nguyên nhân gây ra vụ tai nạn đau thương trên chính là việc thi công cây cầu không đúng với thiết kế kỹ thuật. Ít nhất, 4 đơn vị từ chủ đầu tư, đến nhà thầu, tư vấn, giám sát sẽ bị xử lý, thậm chí sẽ có thể bị truy cứu hình sự.
TP Hà Nội những ngày giữa năm 2013, mọi xe cộ đi qua con đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân đều được phép lấn vào làn xe bus, bởi lòng đường lớn đang tấp nập công trường thi công trụ cầu thuộc dự án tuyến đường sắt nội đô Cát Linh- Hà Đông. Ai cũng khấp khởi mừng thầm, dù chậm khởi công nhưng chẳng mấy chốc nữa, Hà Nội sẽ có tuyến tàu điện hiện đại đầu tiên.
Thế nhưng, Tết Nguyên đán 2014 đã qua đi lâu, công trường vẫn “nghỉ Tết”. Những trụ cầu bê tông khổng lồ xếp hàng dài kiên nhẫn đợi chờ... Người dân đồn đoán: “Hết tiền”.
Có vẻ đúng như vậy. Sẽ không phải con số 552 triệu USD tổng mức đầu tư nữa, dự án được hỗ trợ vốn ODA Trung Quốc trên đang được ước tính phải “tiếp” thêm 339 triệu USD nữa, tàu điện nội đô Hà Nội mới đủ sức lăn bánh. Kiểm toán Nhà nước đã được mời vào cuộc để làm rõ mọi vấn đề.
Một dự án hơn 1,2 tỷ đồng, một dự án 11.000 tỷ đồng, một ở miền núi xa xôi, một ở ngay giữa lòng Thủ đô, song cả hai đều có một điểm chung: những dự án đầu tư công yếu kém. Ở trong đó, lỗ hổng quản lý là điểm yếu đầu tiên.
Để lấp lỗ hổng đó, Bộ Kế hoạch đầu tư đang gấp rút hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công để trình ra Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới.
Chủ trì cuộc hội thảo mới đây về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ, có những dự án, chủ đầu tư bảo gì, tư vấn, giám sát cũng… theo. Thậm chí, chủ đầu tư và tư vấn còn bắt tay nhau, nâng đơn giá gấp 2-3 lần, rồi từ đó bòn rút.
Ông nhấn mạnh, luật sẽ truy trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan trong việc triển khai các dự án, công trình đầu tư công, như việc phải ngăn chặn ngay được tình trạng thông đồng này.
Bản dự thảo Luật dành hẳn một một chương về vấn đề thanh kiểm tra và theo đó, tất cả các dự án đầu tư công sẽ được đặt trong sự giám sát cộng đồng. Dưới sự chủ trì của Mặt trận tổ quốc, người dân sẽ theo dõi việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư, phát hiện việc làm sai trái.
Có tiền mới làm: Hết thời tràn lan
Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư nói kể: “Chủ tịch, bí thư tỉnh đi công tác , huyện xin làm một con đường, ông bí thư, chủ tịch hỏi các thành viên trong đoàn: làm con đường này có được không? Tất cả bảo làm được. Thế là ông đồng ý luôn. Hôm sau, dự án đưa ra trong cuộc họp, quyết định làm luôn”.
“Bây giờ thì không làm thế được. Dự án đầu tư công sẽ phải theo quy trình, phải có chủ trương làm hay không làm, phải nằm trong kế hoạch trung hạn 5 năm… Tất cả sẽ đi theo một hành lang pháp lý”, ông Hà nhấn mạnh.
Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Hải Phòng bổ sung: cấp huyện không được phê duyệt dự án vượt quá 5 tỷ, nên đã có huyện, chẻ nhỏ dự án này thành nhiều dự án nhỏ hơn để được duyệt.
Hoặc ngược lại, dự án chỉ cần 200 tỷ, nhưng người ta vẽ lên thành 300 tỷ đồng, như chia sẻ của ông Vương Đức Sáng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hải Dương.
Báo cáo về dự án Luật này, TS Bùi Hà lo ngại, nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ. Các nơi quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp mình, cũng như khả năng bổ sung của ngân sách cấp trên. Thậm chí, có sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Bản chất của dự luật này là không được đầu tư cái gì mà vượt quá tiền của mình, kể cả tiền đi xin. Các địa phương sẽ phải xây dựng kế hoạch trung hạn 5 năm ngay từ đầu cho vấn đề đầu tư công, dự báo có bao nhiêu tiền, trung ương cần hỗ trợ bao nhiêu… để đảm bảo “an toàn”.
Ông cũng cho biết, việc đầu tư công dàn trải hiệu quả thấp được đánh giá qua nhiều văn kiện nhưng không có bộ luật nào hoàn thiện về vấn đề này. Các bộ ban ngành bấy lâu vẫn loay hoay giữa quyền anh quyền tôi. Đến nay, không thể trì hoãn hơn được nữa.
“Giờ không nên quá cầu toàn vì việc ban hành luật không thể lùi được nữa”, ông nói.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Cột tin quảng cáo