Tin tức - Sự kiện

Sẽ có 4 triệu người nghèo được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế

Dự kiến số tiền thu được từ việc đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức xã hội sẽ hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 4 triệu phụ nữ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn.

Khám chữa bệnh cho người dân. (Ảnh: Vietnam+)

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế đã cho biết như vậy tại buổi họp báo thông tin về một số điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và Chương trình “Chung tay vì sức khỏe phụ nữ Việt Nam”.

Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội chung tay giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn nói chung mua thẻ Bảo hiểm y tế và điều trị bệnh hiểm nghèo, góp phần thực hiện lộ trình tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân.

Đối tượng cận nghèo từ năm 2008 đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng. Tới năm 2012 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt quyết định 725 nâng mức hỗ trợ đóng lên mức 75%.

Nếu tính theo mức hiện nay 621 nghìn đồng/thẻ thì ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đóng 410 nghìn đồng, còn 200 nghìn đồng tương đương 30% còn lại thì người tham gia bảo hiểm y tế cũng gặp khó khăn. Cuộc vận động là cơ sở để nhà hảo tâm hỗ trợ 30% còn lại, chứ không phải hỗ trợ hoàn toàn, bà Song Hương cho biết.

Dự kiến hệ thống Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ 5 tỷ, Binh đoàn 316 hỗ trợ 5 tỷ, một số doanh nghiệp hỗ trợ 1-2 tỷ. Như vậy nếu tính bình quân 200 nghìn đồng/thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ có thể hỗ trợ cho 4 triệu thẻ bảo hiểm y tế, nâng tỷ lệ tham gia lên cao hơn nữa.

Số tiền mà các nhà hảo tâm hỗ trợ cho người nghèo trong chương trình nghệ thuật trên sẽ được chuyển vào tài khoản của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo tại các địa phương.

Bà Tống Thị Song Hương hy vọng chương trình sẽ dấy lên phong trào, khuyến khích các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đối với việc bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ Bảo hiểm y tế để tăng tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế 100% cho đối tượng này tại địa phương, đây cũng là một trong những giải pháp thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững.

Một số điểm mới

Nghị quyết 21, Quyết định 5358 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ các hình thức hỗ trợ cho các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi bổ sung lần này quy định rõ hơn việc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Theo đó, khi tất cả các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế sẽ được giảm mức đóng từ người thứ 1,2,3 từ 70-60-50%. Một điểm quan trọng mà bà Song Hương nhấn mạnh, là chỉ khi nào toàn bộ thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế mới được giảm chứ khi mua lẻ của từng thành viên trong hộ thì sẽ không được giảm mức đóng.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đặc biệt cấp xã có trách nhiệm lập danh sách  kê khai các nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình, rà soát để tránh trùng lắp ở các địa phương.

Luật cũng sẽ bỏ quy định cùng chi trả với một số nhóm đối tượng như người nghèo, dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, người sống ở huyện xã đảo. Vấn đề đặt ra là bỏ thì quá trình thanh toán sẽ như thế nào?.

Bộ Y tế được giao có trách nhiệm quy định danh muc, điều kiện, tỷ lệ thanh toán với một số thuốc và dịch vụ y tế. Với chi phí nói chung, những đối tượng này không phải chi trả, nhưng thông tư ban hành cụ thể về danh mục, tỷ lệ thanh toán, dịch vụ y tế…thì ng bệnh vẫn phải cùng chi trả. Điều này cũng nhằm Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hoàn toàn là chi trả 100% trong quyền lợi được hưởng, còn ngoài phạm vi quyền lợi thì người dân phải chi trả.

Đến hết năm 2013, cả nước đã có hơn 61 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (tương đương với 69% dân số). Tính chung thì số hộ nghèo đóng bảo hiểm y tế mới chỉ chiếm 10%, tỷ lệ rất thấp, cần chỉ đạo địa phương hỗ trợ từ ngân sách địa phương.

Một điểm mới nữa là tới ngày 1/1/2016 sẽ mở thông toàn bộ tuyến khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, điều mà Vụ trưởng lo ngại nếu không kiểm soát tốt thì sẽ dễ dẫn tới tình trạng người bệnh trong cùng ngày sẽ đi khám ở nhiều nơi khác nhau tại các huyện trong cùng tỉnh.

Việc quy định về sử dụng quỹ kết dư. Các địa phương cũng đề nghị cho sử dụng nguồn kết dư từ năm 2000 tới nay, tuy nhiên luật chính thức có hiệu lực 1/1/2013, vậy chỉ từ khi luật hiệu lực thì khi đó toàn bộ địa phương có phần kinh phí dành cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có kết dư chưa dùng hết thì mới được sử dụng làm quỹ kết dư, còn từ niên độ của năm 2004 trở về trước, toàn bộ kết dư phải được hạch toán làm dự phòng để điều tiết chung.

 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo