Sẽ quy định lĩnh vực kinh doanh cho các ngân hàng
Đối với ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện những gì pháp luật cho phép, đó là quan điểm chủ đạo trong các dự thảo thông tư mà Ngân hàng Nhà nước soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến đóng góp của xã hội.
Doanh nghiệp, ngân hàng được kinh doanh những gì pháp luật không cấm hay chỉ được phép kinh doanh những gì pháp luật cho phép? Vấn đề này thêm một lần nữa gây tranh luận trong giới doanh nghiệp khi mới đây tại phiên tòa xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đề cập đến những quy định liên quan đến việc kinh doanh trái phép các công ty của ông Nguyễn Đức Kiên.
Không biết liệu có phải do chịu ảnh hưởng phần nào của sự tranh luận trên, vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã soạn thảo xong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40 ngày 15-12-2011 quy định về cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo dự thảo, tất cả các hoạt động của ngân hàng nói chung trong giấy phép cấp đổi và cấp mới (nếu tổ chức tín dụng có nhu cầu) sẽ chia làm ba nhóm. Nhóm 1 là các hoạt động cơ bản, tối thiểu mà các ngân hàng được thực hiện ngay từ đầu khi có giấy phép thành lập và hoạt động. Nhóm 2 bao gồm các hoạt động ghi trong giấy phép, nhưng việc thực hiện chỉ được tiến hành khi có văn bản hướng dẫn liên quan. Nhóm 3 là các nghiệp vụ ghi vào giấy phép khi ngân hàng thương mại có đề nghị và chứng minh được khả năng đáp ứng các điều kiện để được cấp phép.
Trước hết phải thấy rằng với những thay đổi này, các ngân hàng sẽ phải rà soát lại toàn bộ giấy phép hoạt động chung cũng như các giấy phép con họ đã được cấp mặc dù việc đổi, xin cấp mới giấy phép là không bắt buộc. Họ cũng phải xem lại điều lệ ngân hàng. Những ngân hàng thận trọng, đặt sự an toàn lên hàng đầu hẳn có thể xin cấp giấy phép mới cho chắc ăn. Điều này không những mất thời gian, công sức, mà còn tạo điều kiện cho cơ chế xin-cho trỗi dậy.
Nhìn kỹ từng lĩnh vực, những nghiệp vụ ngoại hối và phái sinh về tỷ giá, lãi suất, tiền tệ, tài sản tài chính khác như vàng... chắc chắn sẽ thuộc nhóm 3. Không ai phủ nhận sự phức tạp và độ rủi ro cao của các nghiệp vụ này bởi chúng phát sinh cả ở thị trường nội địa lẫn quốc tế. Chẳng hạn kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, trước đây NHNN đã cho phép một số ngân hàng được thực hiện thí điểm. Các nghiệp vụ vàng phái sinh thay đổi nhanh, phức tạp, nhất là kinh doanh giá vàng, nhưng một thời gian tương đối dài cơ quan quản lý đã không chú ý đúng mức, trong khi các quy định cụ thể hoặc chưa có, hoặc có nhưng thiếu chi tiết, đã khiến các ngân hàng “mạnh ai nấy làm” theo hiểu biết của chính họ.
Nay rút kinh nghiệm, đối với những nghiệp vụ quá mới mà nội dung của nó chưa được xác định rõ ràng, hoặc những nghiệp vụ đã ghi trong giấy phép cũ nhưng nay nội dung hoạt động tương ứng không xác định được, NHNN cho biết sẽ không cấp phép (không ghi vào giấy phép mới), trừ trường hợp xét thấy thực sự cần thiết, phù hợp, cơ quan quản lý sẽ cho phép tổ chức tín dụng được thí điểm trong một thời hạn nhất định bằng một văn bản riêng. Tuy nhiên, ngân hàng thương mại phải gửi cho NHNN quy trình nghiệp vụ, quy trình xử lý rủi ro để thẩm định trước.
Tinh thần toát lên từ dự thảo thông tư đi kèm bản thuyết trình về dự thảo của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là “có cho mới được làm”. Dự thảo thông tư bám rất sát điều 90 của Luật các tổ chức tín dụng 2010, nêu rõ “tổ chức tín dụng không được tiến hành bất cứ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, các hoạt động kinh doanh khác ghi trong giấy phép”. “Các hoạt động ngân hàng, các hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng thực hiện theo hướng dẫn của NHNN”.
Điểm này, so với Luật các tổ chức tín dụng 1997, Luật các tổ chức tín dụng 2010 đã đi thụt lùi. Trước đây khoản 37, khoản 61, Thông tư 03/2007/TT-NHNN ngày 5-6-2007 cho phép các ngân hàng được thực hiện các nghiệp vụ hoạt động mặc dù các nghiệp vụ này không ghi trên giấy phép, mà chỉ cần được NHNN chấp thuận bằng văn bản, hoặc đã có những văn bản quy định thực hiện các nghiệp vụ đó.
Nhìn lại bối cảnh năm 2010, khi đó đã có không ít ý kiến nhận định việc soạn thảo và trình Quốc hội thông qua hai Luật NHNN và Luật các tổ chức tín dụng là hơi vội vàng và có một số điểm chưa nhất quán với đề án chiến lược phát triển ngành ngân hàng cũng như thực tiễn. Sau này khi luật được thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2011, cộng với sự thay đổi người đứng đầu NHNN và những vấn đề “nóng” phải tháo gỡ khi ấy như trần lãi suất, thanh khoản các ngân hàng, “sốt” vàng, sự lan rộng của sở hữu chéo... một số nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện luật đã khá chậm trễ. Có những vấn đề mà ba năm sau, đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Việc xin cấp lại giấy phép, bổ sung các nghiệp vụ mới, sửa đổi điều lệ hoạt động (nếu có)... với một số ngân hàng sẽ không đơn giản. Các ngân hàng ra đời sớm từ những năm 90 thế kỷ trước có thể giấy phép thành lập, hoạt động đã lạc hậu. Thí dụ bốn ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank, BIDV, MHB đã cổ phần hóa, được cấp lại giấy phép khi chuyển thành ngân hàng thương mại cổ phần, thì giấy phép hoạt động của họ sẽ khác với giấy phép của Agribank. Sẽ có sự bất bình đẳng giữa giấy phép cấp từ hàng chục năm trước với giấy phép cấp mới đây.
Dù vậy, NHNN là cơ quan quản lý đầu tiên trong số các bộ, ngành lên tiếng rõ ràng, trả lời sự băn khoăn của dư luận về câu hỏi ở đầu bài viết. Với ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện những gì ghi trong giấy phép, tức những gì pháp luật cho phép.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Cột tin quảng cáo