Tin tức - Sự kiện

Sẽ sửa quy trình để... cứu dân?

Cục quản lý tài nguyên nước đã đồng ý nghiên cứu, tính toán lại quy trình vận hành hồ chứa mùa cạn.

Ngày 10/4, Bộ TN-MT tổ chức buổi đối thoại với lãnh đạo TP.Đà Nẵng xung quanh các tranh cãi trong việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa cạn hàng năm. Theo đó buổi đối thoại có đầy đủ các bên liên quan là Đà Nẵng, Quảng Nam, đại diện chủ đầu tư các thủy điện, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng cục thủy lợi...

Dành nguyên một ngày, cuộc đối thoại có những lúc vô cùng căng thẳng khi phía Đà Nẵng không chấp nhận những con số do phía tư vấn soạn thảo quy trình đưa ra. Nhiều lần ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng châm thuốc lá tỏ vẻ thất vọng khi các ý kiến phản biện không ủng hộ con số mà địa phương mong muốn đó là xả nước hồ chứa ở mức 2,80m để tránh hạn hán trong mùa kiệt.
 
Hồ thủy điện Đăk Mi 4 đang là 'tội đồ' lấy nước của bà con Đà Nẵng nơi hạ du
 
Tranh luận nảy lửa các con số
 
Xuyên suốt buổi đối thoại, quan điểm của Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai  đã được các đại biểu đưa ra làm căn cứ, đó là sự cởi mở, thẳng thắn và không làm tổn hại cho người dân.
 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: "Bộ không ngại đối thoại với Đà Nẵng. Bộ không quản lý thủy điện nào nên không có lý do gì để bênh các thủy điện. Quy trình đang trong quá trình hoàn thiện, nếu tính toán chưa chính xác có thể điều chỉnh.
 
Ông Lai cho biết thêm, khi phê duyệt xây dựng cho Đắk Mi 4, báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ quy định xả về hạ du với lưu lượng 3 m3/s. Qua đánh giá, Bộ thấy mức xả này không đủ nên kiến nghị với Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư thiết kế cống xả tối đa 25 m3/s. Như vậy, Bộ rất quan tâm đến nhu cầu dùng nước ở hạ du, đặc biệt với Đà Nẵng. Ban soạn thảo quy trình có tới 6 bộ, ngành. Bộ lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, nếu tất cả đều đồng ý nhưng riêng Đà Nẵng chưa đồng ý thì chưa trình Chính phủ.
 
Sở dĩ Đà Nẵng chưa đồng ý là vì, theo ông Thắng nếu áp dụng mực nước 2,53m tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) như trong Dự thảo để các thủy điện (chủ yếu là Đăk Mi 4) làm cơ sở vận hành, xả lũ vào mùa khô, sẽ gây thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và nhà máy nước Cầu Đỏ.
 
Thêm nữa, ông Thắng cho rằng, các con số mà các nhà tư vấn đưa ra khi tính toán nhu cầu nước cũng như lưu lượng nước của dòng chảy là sai. Lý do là vì sông Vu Gia - Thu Bồn có hai nhánh với hai chế độ mưa khác nhau.
 
Tức là phía Nam và phía Bắc chênh nhau 1,5 lần nhưng hiện con số đầu vào lại bằng nhau nên cho kết quả đầu ra sai về nhu cầu dùng nước cũng như cách tính dòng chảy tối thiểu.
 
Ngược lại, ông Lê Hồng Tuấn, Viện Thủy văn và môi trường Đông Nam Á, chuyên gia tư vấn xây dựng quy trình này cho rằng tất cả các số liệu ông tính toán, cho chạy mô hình dòng chảy đều do chính Đà Nẵng cung cấp nên không có chuyện sai.
 
Ông Tuấn tính, về mức tưới vụ Đông Xuân là 6870 m3/ha, vụ hè thu là 8860m3/ha. Tính trong điều kiện biến đổi khí hậu đến năm 2020 mức tưới này sẽ tăng 2,33%; đến năm 2030 là tăng 3,20% so với hiện nay.
 
Ông Tuấn cũng cho biết, tính số liệu 5 năm liên tục gần đây thì mức tưới được tính ở quy trình đang vượt hơn hẳn so với các quy định trước đó. Không quá chi li từng tí nước với nhau.
 
"Chúng tôi làm khoa học, hơn nữa đã về hưu nên không làm chính trị, không liên quan đến kinh tế nên kết quả là trung thực. Không có chuyện vì bên nào đó để tính toán có lợi cho ai", ông Tuấn căng thẳng.
 
Thế nhưng: "Nếu cứ tính như hiện nay thì nhìn con số người ta ngỡ rằng quy trình đang hào phóng với hạ du, nhưng thực chất cách tính như vậy là sai", ông Thắng kiên quyết bảo vệ.
 
Phải tạo cơ chế mềm
 
Sự tranh luận giữa đại diện Đà Nẵng và nhà tư vấn khiến nhiều lần ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN- MT) phải đứng ra dàn xếp, xoa dịu.
 
Theo ông Bẩy, cần phải bàn trong điều kiện nguồn nước hiện có để đưa ra phương án khả thi nhất.
 
Tuy nhiên, ông Đồng Văn Tự, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho rằng phải tạo cơ chế mềm thay vì khăng khăng tính từ ngày nào tới ngày nào xả bao nhiêu nước.
 
Lý do là vì ngày thủy điện xả nước thì người dân lại không lấy nước, như vậy sẽ rất lãng phí. "Phía Bắc việc điều hành lấy nước trên sông Hồng rất tốt. Các công ty quản lý khai thác lấy nước theo từng đợt và phối hợp với các hồ thủy điện, nông nghiệp rất ăn ý", ông Tự nói.
 
Do vậy, ông Tự cho rằng nên chăng quy trình tạo một cơ chế mềm trao quyền để địa phương có quyền giám sát, kiểm tra để cùng phối hợp với chủ đầu tư điều tiết nước hồ khi cần để thuận lợi cho cả đôi bên.
 
Về quan điểm này, đại diện phía EVN và thủy điện A Vương cũng đồng tình.
 
Sẽ tính toán lại
 
Về phía thủy điện, ông Đào Minh Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - IDICO (chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4), trường hợp thủy điện Đắk Mi 4 phải vận hành theo đúng qui trình dự thảo, thiệt hại của IDICO là rất lớn.
 
Cụ thể, nếu Đắk Mi 4 phải xả tối đa 25 m3/s, sản lượng điện sẽ giảm 144,58 triệu kWh/năm, tương đương gần 150 tỷ đồng. Trường hợp chỉ phải xả tối thiểu (8 m3/s), thủy điện cũng bị giảm 77,6 triệu kWh/năm, tương đương gần 90 tỷ đồng. Nếu tính cả việc điều chỉnh qui trình vận hành liên hồ mùa lũ, mỗi năm IDICO chịu thiệt hại 136-205 tỷ đồng.
 
Như vậy, IDICO sẽ không có khả năng hoàn vốn đầu tư cũng như trả nợ các khoản vay nếu vận hành theo đúng qui trình đó. Trong trường hợp buộc phải tuân thủ, IDICO kiến nghị Chính phủ và tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán lại giá bán điện của thủy điện Đắk Mi 4 đồng thời cho Đắk Mi 4 không tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
 
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai khẳng định, những thiệt hại của chủ đầu tư Đắk Mi 4 sẽ được phản ánh đầy đủ trong tờ trình trình Chính phủ để Chính phủ xem xét có những hỗ trợ nhất định.
 
Do thủy điện Đắk Mi 4 là công trình chuyển dòng, lấy nước từ sông Vu Gia trả về sông Thu Bồn nên gây tranh chấp nguồn nước giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thừa nhận Đắk Mi 4 đưa nước về Thu Bồn, mùa kiệt thì sông này được hưởng lợi, nhưng làm cho Vu Gia nhiễm mặn, Đà Nẵng thiệt hại.
 
Còn ông Thắng thì cho rằng, không thể có chuyện bắt người dân hạ du đang sử dụng nước bình thường, giờ ngăn dòng rồi cung cấp theo mức tối thiểu rồi vẫn như ơn huệ. Do vậy dù thế nào cũng phải chỉnh sửa lại.
 
Trước việc bảo vệ đến cùng quan điểm của Đà Nẵng, ông Hoàng Văn Bẩy đã đề nghị ông Thắng cung cấp thêm số liệu để các nhà tư vấn tính toán lại. Thậm chí với mức 2,80m nếu được ông Thắng cũng đưa luôn các phương án vận hành hồ.
 
"Nếu thấy khả thi và hợp lý chúng tôi sẽ đưa ngay vào quy trình mà không thắc mắc gì. Tất cả việc chỉnh sửa sẽ được hoàn thiện và gửi lại cho các bên liên quan trước khi trình Thủ tướng", ông Bẩy nói.
 
Trao đổi với Đất Việt ông Thắng đánh giá cao thiện chí của Cục Quản lý tài nguyên nước và Bộ TN-MT. Theo ông Thắng: "Cục quản lý tài nguyên nước đã rất cầu thị. Do vậy trách nhiệm của Đà Nẵng là sẽ cung cấp thêm số liệu để làm cơ sở tính toán, điều chỉnh cho phù hợp để hạ du không bị quá thiệt thòi. Chúng tôi sẽ sớm làm việc này và tin tưởng bà con nông dân hạ du sẽ có nước ổn định để sản xuất, sinh hoạt".
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo