Tin tức - Sự kiện

Sẽ thanh, kiểm tra những khu đô thị 'bốc mùi' ở Hà Nội

Trước thực tế nhiều khu đô thị ở Hà Nội bị phát hiện xả thải không qua xử lý ra môi trường, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, bộ này sẽ có kế hoạch thanh, kiểm tra các khu đô thị vi phạm.

Khu đô thị Ciputra chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ảnh: Như Ý.

 

Thưa ông, mới đây báo có phản ánh thực tế xả thải không qua xử lý của nhiều khu đô thị ở Hà Nội như Ciputra, khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, khu đô thị Văn Khê, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nắm bắt được thực trạng trên?

Nước thải ở các thành phố là vấn đề nan giải nhiều năm nay. Chúng tôi có chỉ ra trong báo cáo môi trường quốc gia về lưu vực sông. Nhiều lưu vực sông bị ô nhiễm nặng, 60-70% là do nước thải sinh hoạt gây nên.

Theo quy định, khi chuẩn bị báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án khu đô thị, chủ đầu tư phải xây dựng các phương án xử lý nước thải, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT)  ban hành, trong đó có việc xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Được biết có nhiều khu đô thị chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc có xây dựng nhưng vận hành không đầy đủ. Nước thải ra môi trường không đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Chúng tôi đã gióng lên hồi chuông báo động về việc này, cũng có văn bản gửi đến các địa phương nhắc nhở. Năm nay sẽ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, theo quy định, hằng năm chủ đầu tư phải gửi báo cáo giám sát môi trường. Nhiều đơn vị đã làm tốt nhưng nhiều đơn vị chưa làm. Có đơn vị làm rồi nhưng chất lượng báo cáo chưa tốt nên chưa phản ánh trung thực bức tranh môi trường nước thải khu đô thị. Thống kê cụ thể về khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải, khu đô thị chưa có hay có mà không hoạt động đang được cập nhật.

Theo ông đâu là nguyên nhân khiến cho các chủ đầu tư vi phạm? Có ý kiến cho rằng hiện nay mức xử phạt quá thấp. Ví dụ khu đô thị Ciputra, chủ đầu tư chấp nhận chịu phạt mỗi năm chưa đến 50 triệu đồng thay vì xây dựng hệ thống xử lý nước thải tốn kém. Trong trường hợp chủ đầu tư nhiều lần vi phạm, có cơ chế xử phạt mạnh tay hơn không?

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, theo Nghị định 179 năm 2013 thì mức phạt khá cao (cao nhất với tổ chức là 2 tỷ đồng, với cá nhân là một tỷ đồng). Ngoài ra có những biện pháp bổ sung. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 179 đang được sửa đổi cho phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường (có hiệu lực 1/1/2015). Trong đó sẽ bổ sung nhiều quy định cương quyết và rõ ràng hơn như vi phạm nhiều lần sẽ bị đóng cửa, ràng buộc trách nhiệm
cá nhân.

Vậy trước mắt việc xử lý các khu đô thị xả thải không qua xử lý phải thực hiện như thế nào?

Thứ nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải thanh tra, giám sát việc thực hiện ĐTM và cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường  của các chủ đầu tư đến đâu. Tùy trên tình hình thực tế mà đưa ra giải pháp, có thể có chế tài buộc họ phải xây hệ thống xử lý nước thải, đưa ra thời gian hạn định phải hoàn thành. Nói chung, phải nắm bắt thông tin rất cụ thể.

Bộ Xây dựng quản lý nước thải đô thị


Theo ông, việc để xảy ra tình trạng nhiều khu đô thị ở Hà Nội xả thải trực tiếp ra môi trường trách nhiệm thuộc về ai. Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan quản lý thống nhất về môi trường có giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên?

Theo quy định của Nghị định 80 về thoát nước và xử lý nước thải ban hành 6/8/2014 thì trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải đô thị thuộc Bộ Xây dựng. Hiện nay, nước thải các khu đô thị mới đa phần là nước thải phi tập trung. Nghị định 80 cũng quy định Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý xử lý nước thải phi tập trung. Như vậy việc quản lý nước thải đô thị giao rất nhiều trách nhiệm quản lý cho ngành xây dựng.

Ngành TNMT có trách nhiệm phê duyệt ĐTM, xem xét cam kết kế hoạch bảo vệ môi trường. Với các khu đô thị từ 5-200ha sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, dự án trên 200ha do Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, hầu hết các dự án khu đô thị mới đều do địa phương phê duyệt. Theo quy định đơn vị nào phê duyệt, đơn vị ấy phải thực hiện giám sát. Với các khu đô thị xả thải thẳng mà Tiền Phong nêu, việc phê duyệt ĐTM do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
thực hiện.

Liên quan đến các dự án cụ thể thì trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư và đơn vị giám sát thi công. Tiếp đó là cơ quan được giao thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm nay sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường các khu đô thị. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng xúc tiến hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, vững chắc cho các đơn vị thực thi việc bảo vệ môi trường nói chung trong đó có việc bảo vệ nguồn nước.
 

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo