Siết đăng kiểm: Doanh nghiệp ôtô tự nhìn lại mình
Trước phản ánh của một số DN về việc cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ôtô (GCNCL) kéo dài, ông Nguyễn Tô An, Phó trưởng Phòng - Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết, hiện tượng này trong ngắn hạn và thường rơi vào các DN sản xuất nhỏ lẻ thiếu năng lực, không chuẩn bị chiến lược kinh doanh dài hạn. Các DN sản xuất lớn hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các quy định mới.
Theo ông An, thực hiện chủ trương siết chặt quản lý hoạt động vật tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, Đăng kiểm Việt Nam đã tăng cường kiểm tra, siết chặt đăng kiểm đối với cả: đường thuỷ, đường bộ, đường sắt... Trong đó, ưu tiên hàng đầu là siết chặt các hoạt động đăng kiểm, loại bỏ hiện tượng tiêu cực trong đăng kiểm, hạn chế xe cơ giới cải tạo cơi nới thùng xe để chở quá tải.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Giao thông - Vận đã tải bổ sung, sửa đổi các quy định trong lĩnh vực đăng kiểm và tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất lắp ráp, lưu hành.
Tuy nhiên, phản ánh của các DN như trên là không chính xác. Thực tế hiện nay số lượng hồ sơ đề nghị cấp GCNCL giảm chủ yếu là của những kiểu loại phương tiện được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời. Ngược lại, các hồ sơ chứng nhận phương tiện sản xuất lắp ráp trên các loại ô tô cơ sở đã được cấp chứng nhận lại có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua.
Nguyên nhân chính là do nền kinh tế vẫn trong giai đoạn khó khăn, ngoài ra theo quy định tại các quy chuẩn Quốc gia có thêm một số linh kiện sử dụng để lắp ráp xe (như kính, gương chiếu hậu, lốp) đến thời hạn phải kiểm tra thử nghiệm theo lộ trình. Dẫn đến các DN có xu hướng không phát triển thêm kiểu loại sản phẩm mới mà tiếp tục khai thác các sản phẩm đã hoàn tất chứng nhận để giảm chi phí phát triển sản phẩm mới.
PV: DN cho rằng, trước kia xin cấp GCNCL chỉ trong vòng 30 ngày nay lên đến 45 đến 60 ngày. Nguyễn nhân do đâu thưa ông?
- Khi DN sản xuất lắp ráp nộp đủ hồ sơ và đạt yêu cầu đều được xem xét và cấp giấy chứng nhận trong vòng 5 ngày làm việc. Hiện tại phần lớn các giấy chứng nhận được giải quyết trong vòng 2 ngày làm việc. Chỉ có các trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không phù hợp thì bắt buộc phải bổ sung, điều chỉnh...Không có trường hợp nào hồ sơ đạt yêu cầu bị kéo dài thời gian cấp trên 5 ngày.
Thời gian vừa qua có một số kiểu loại phương tiện bắt buộc phải điều chỉnh khối lượng cho phép tham gia giao thông theo quy định mới nên Cục Đăng kiểm đã phải hỗ trợ, tập trung rà soát và điều chỉnh cùng với DN. Trường hợp này DN cũng chỉ cần cung cấp bản đăng ký thông số kỹ thuật bổ sung chứ không phải xin cấp mới như DN đã nêu.
PV: Có phải, quy định mới bắt buộc phải thử nghiệm 6 linh kiện, nhiều hơn so với trước đây thời gian hoàn tất hồ sơ để xin cấp GCNCL bị kéo dài thêm?
- Việc thử nghiệm 6 linh kiện gồm: động cơ, bình khí nén, đèn chiếu sáng, kính chắn gió, gương chiếu hậu, lốp xe... là bắt buộc theo các Quy chuẩn Quốc gia tương ứng.
Điều này, các DN đã được biết trước từ rất lâu. Khi ban hành quy chuẩn từ 2012 đã có lộ trình áp dụng việc thử nghiệm các linh kiện này là 2 năm với kiểu loại xe mới và 4 năm đối với kiểu loại xe đã được cấp GCN.
Tuy nhiên, dù biết sớm nhưng hầu như các DN sản xuất lắp ráp ô tô đều không chuẩn bị thực hiện theo lộ trình. Chỉ đến thời điểm bắt buộc áp dụng ngày 17/5/2014, khi không được chấp nhận hồ sơ chứng nhận nữa, mới đồng loạt mang linh kiện đi thử nghiệm, nên không thể đảm bảo kịp tiến độ sản xuất mong muốn.
PV: Một số DN phàn nàn, với các linh kiện mới bắt buộc phải thử nghiệm như kính chắn gió hay bình khí nén đã gây khó khăn cho DN. Ông giải thích về vấn đề này như thế nào?
- Đối với kính chắn gió hay bất kỳ linh kiện nào khác, DN chỉ cần cung cấp giấy chứng nhận linh kiện thỏa mãn tiêu chuẩn châu Âu (ECE) hoặc tương đương thì không cần phải mang đi thử nghiệm lại.
Chỉ có các trường hợp không cung cấp được chứng nhận phù hợp mới phải mang đi thử nghiệm. Đây là quy định bắt buộc theo thông lệ quốc tế để đảm bảo an toàn cho phương tiện và người sử dụng khi tham gia giao thông.
Việc thử nghiệm và chứng nhận bình khí nén hiện nay được áp dụng hình thức cấp theo lô hàng cho các đơn vị sản xuất bình khí nén chưa được đánh giá thỏa mãn điều kiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất nên không thể cấp chứng nhận để sản xuất hàng loạt.
Các đơn vị sản xuất bình khí nén có nhu cầu cấp chứng nhận để sản xuất hàng loạt có thể nộp hồ sơ tại Cục Đăng kiểm Việt Nam để đánh giá, tương tự như với các DN sản xuất các linh kiện khác như kính, gương, lốp...
PV: Có phải Đăng kiểm chỉ chấp nhận GCNCL với những linh kiện trên khi có đăng kiểm viên đến tận nơi kiểm tra xác nhận trung tâm thử nghiệm đạt yêu cầu. Nếu không thì bắt buộc phải thử nghiệm, kiểm định tại Cục Đăng kiểm Việt Nam?
- Đối với linh kiện nhập khẩu, khi DN cung cấp được chứng nhận linh kiện thỏa mãn tiêu chuẩn ECE hoặc tương đương thì vẫn được chấp nhận mà không cần thử nghiệm.
Không có chuyện DN cung cấp được chứng nhận linh kiện thỏa mãn tiêu chuẩn ECE mà Đăng kiểm phải đến tận nơi xem xét, đánh giá lại. Trường hợp DN không cung cấp được chứng nhận linh kiện thỏa mãn ECE hoặc tương đương nhưng lại muốn tự mang đi thử nghiệm tại phòng thử tùy ý thì theo quy định Cơ sở thử nghiệm phải được cơ quan quản lý chất lượng (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đánh giá và chấp nhận.
Hiện tại, hầu hết DN sản xuất lắp ráp ô tô lớn, sử dụng linh kiện nhập khẩu đạt tiêu chuẩn châu Âu, sử dụng chứng nhận linh kiện thỏa mãn ECE, để thay thế cho việc thử nghiệm trong nước như Toyota, Honda Việt Nam, hầu như không bị ảnh hưởng bởi thời hạn áp dụng theo quy định nêu trên. Chỉ có các DN sử dụng linh kiện nhập khẩu, từ các nước chưa thỏa mãn tiêu chuẩn tương đương ECE, mới mất thêm thời gian và chi phí để thử nghiệm.
PV: Các DN sản xuất lắp ráp ô tô gặp những khó khăn gì trong việc lập hồ sơ xin cấp GCNCL?
- Các DN lớn, có kinh nghiệm hoàn toàn chủ động trong việc sắp xếp phương án và chuẩn bị hồ sơ chứng nhận chất lượng. Việc lập hồ sơ chứng nhận chất lượng được quy định khá đơn giản, dễ hiểu và đi sát với hoạt động thực tế của DN, nên rất dễ dàng lập hồ sơ với các DN làm thật và làm đúng. Chỉ có các DN cố tình làm sai, làm tắt, bỏ qua các quy trình... mới thấy khó khăn trong việc lập các hồ sơ chứng nhận sản phẩm.
Để xử lý tình trạng này, từ tháng 3/2014 Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã tăng cường kiểm tra giám sát các DN sản xuất lắp ráp ô tô, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý phương tiện sản xuất lắp ráp, chấn chỉnh các hành vi vi phạm trong công tác kiểm tra xuất xưởng các loại ôtô tải. Kết quả là hầu hết các trường hợp DN cố ý sản xuất hoặc cải tạo thùng hàng không đúng theo thiết kế đều bị xử lý nghiêm.
- Xin cảm ơn ông.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo