Siết đầu tư công, ASIAD 18 và sự minh bạch
Như một sự tình cờ, thời điểm bài toán tổ chức Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) 18 được đưa ra cũng là lúc dự thảo Luật Đầu tư công với những quy định chặt chẽ liên quan đến chi tiêu ngân sách đang được hoàn thiện để chuẩn bị trình ra Quốc hội.
Khoản “đầu tư công” mang tên ASIAD, được đề xuất vào khoảng 150 triệu USD, đang đưa tới những tranh luận bất tận về việc nên hay không nên đăng cai tổ chức sự kiện này.
Những người ủng hộ nói rằng ASIAD là cơ hội để thể hiện vị thế quốc gia, quảng bá văn hóa, du lịch, phát triển thể thao… nói tóm lại, vô vàn lợi ích.
Hàng chục doanh nghiệp, từ xây dựng, giao thông, du lịch, tổ chức sự kiện, truyền thông… đang nhìn vào ASIAD như một cơ hội kiếm tiền, vì vậy, họ sẵn sàng ủng hộ vô điều kiện.
Trong khi đó, những người phản đối nói 150 triệu USD là khoản tiền lớn, thậm chí còn “trượt giá” và “tăng dự toán” thêm trong thời gian tới, sẽ là gánh nặng cho ngân khố, sẽ lãng phí… nói tóm lại, vô vàn điều thiệt.
Nhiều người dân với cảm giác nguồn tiền thuế của mình có nguy cơ bị chi tiêu một cách hoang phí, có lẽ cũng sẵn sàng phản đối vô điều kiện.
Một quan chức ngành thể thao, giả sử bằng góc nhìn thuần túy thể thao và hoàn toàn không vụ lợi, có thể cảm thấy tiếc nuối cho những nỗ lực vận động lâu nay, và cảm thấy dường như xã hội không hiểu hết ý nghĩa của ASIAD.
Nhưng một quan chức ngành tài chính thì sẽ có cái nhìn thận trọng hơn: ASIAD hay sự phát triển của ngành thể thao thì cũng chỉ là một phần của rất nhiều công việc mà quốc gia phải giải quyết, trong quá trình phát triển.
Những cuộc thăm dò ý kiến trên mạng trong vài ngày qua cho thấy dường như phần đông người “vote” không ủng hộ việc tổ chức ASIAD vì cho rằng đó là hoạt động tốn kém và vô bổ.
Theo quan điểm của người viết, điều khiến công luận lo lắng chưa hẳn là bao nhiêu tiền, mà là số tiền đó được chi tiêu như thế nào.
Trong bối cảnh chủ trương thắt chặt đầu tư công được được thực hiện triệt để, và Luật Đầu tư công đang được thiết kế theo tinh thần đó, bất cứ khoản chi tiêu nào cũng đưa tới những dị nghị.
Cho dù, nếu chứng minh được rằng, phần lớn trong chi phí tổ chức dự tính 150 triệu USD sẽ “ở lại” trong các công trình hạ tầng thể thao, hoặc gián tiếp tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế, có lẽ kế hoạch ASIAD sẽ nghe xuôi tai hơn.
Không thiếu những ví dụ sinh động trên thế giới cho thấy, các sự kiện thể thao lớn như ASIAD sau đó thực sự đem lại động lực phát triển cho một thành phố hay thậm chí cả quốc gia đó. Những khoản chi tiêu cho World Cup, Olympic hay ASIAD đôi khi không nên và không thể đong đếm một cách “kinh tế” thuần túy, giống như so sánh với việc đầu tư một tuyến đường hay một cây cầu.
Dù nhận nhiều phê phán, sân vận động Mỹ Đình với mức đầu tư 54 triệu USD vào dịp SeaGames 22 vẫn đã và đang được khai thác, và là một công trình biểu tượng và có giá trị sử dụng dài hơi cho Hà Nội.
Nhưng cũng không thiếu bằng chứng cho thấy cho dù nhiệt tình và giàu nỗ lực, Việt Nam vẫn chưa đạt đến trình độ quốc tế trong việc quản trị các sự kiện như vậy theo hướng tối ưu hóa lợi ích quốc gia. Vào năm 2003, khi tổ chức SeaGames 22, Việt Nam từng một phen bối rối về tiến độ các dự án xây dựng cho đến tận ngày khai mạc; giữa thời điểm sự đồng thuận có thể nói là gần như tuyệt đối.
Việt Nam cũng chưa có một báo cáo hay thống kê nào cho thấy một cách đầy đủ nhất những lợi ích trực tiếp và gián tiếp mà SeaGames 22 đã mang lại, qua đó làm bằng chứng giàu thuyết phục cho công luận trước quyết định lịch sử mang tên ASIAD.
Chính vì vậy, theo người viết, trước những vấn đề trọng đại như ASIAD, việc công khai minh bạch các kế hoạch chuẩn bị, từ đó tạo ra không gian tranh luận mở cho đông đảo dân chúng là rất cần thiết.
Cho đến nay, ngoại trừ các cơ quan chức năng trực tiếp soạn thảo và thẩm định kế hoạch, phần đông dân chúng và cả giới báo chí, truyền thông vẫn chưa hình dung được khoản tiền giả định 150 triệu USD sẽ được phân bổ thế nào.
Sẽ tốt hơn nếu bản đề án tổ chức ASIAD được công khai minh bạch ngay từ đầu, trong đó các nhà soạn thảo chi tiết hóa được các khoản chi, cách thức, tiến độ chi.
Chỉ có sự minh bạch mới có thể đem tới cho công luận niềm tin rằng các khoản chi là hợp lý và có thể chấp nhận được, từ đó nhận được sự ủng hộ một cách đầy đủ nhất.
Và không chỉ ASIAD, nhiều vấn đề trọng đại khác của quốc gia, kèm theo đó là những khoản chi tiêu lớn nhỏ, cũng đều cần đến một không gian tranh luận như vậy!
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Cột tin quảng cáo