Khám phá

Sinh viên tài chính trước nỗi lo thất nghiệp

Tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm đang có chiều hướng gia tăng. Những sinh viên ngành nghề từng được xem là “đắt hàng” nhất như ngân hàng, tài chính cũng lao đao tìm việc. Trong bối cảnh này, sinh viên cần phải làm gì?

Ngân hàng giảm nhân sự

Một sinh viên vừa tốt nghiệp loại khá ngành kế toán ngân hàng Trường Đại học Tài chính - Marketing đã gửi hồ sơ cho một loạt ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng, nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Cuối cùng sinh viên này phải gửi hồ sơ đến các doanh nghiệp khác và chỉ có một số công ty bán hàng đa cấp gọi phỏng vấn.

T.T.N - Sinh viên năm cuối ngành tài chính ngân hàng Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh có học lực khá, đã gõ cửa một loạt các ngân hàng như Đông Á, Vietcombank, Vietinbank… để xin thực tập nhưng không có ngân hàng nào tiếp nhận do không có nhu cầu hoặc số lượng đã đủ. T.T.N lo ngại: “Khi biết được tin tức về các ngân hàng đang trong thời kỳ cắt giảm nhân sự tụi em lo khi ra trường mình sẽ thất nghiệp. Nhiều anh chị khóa trước cũng phải làm trái ngành, thậm chí không xin được việc”.

Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp giải thể và ngưng hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm. Giám đốc nhân sự của một ngân hàng tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay một loạt ngân hàng đang cắt giảm nhân sự. Nhu cầu phát triển phòng giao dịch trong 2 năm trở lại đây đã chững lại. Trong khi đó, số lượng sinh viên ngành tài chính - ngân hàng mỗi năm tốt nghiệp cứ tăng lên trong khi nhu cầu thì có giới hạn”. Vị giám đốc này cho biết, nếu như năm 2010 ngân hàng của ông tuyển dụng 800-1.000 nhân viên cho các vị trí thì năm nay chỉ còn tuyển khoảng 300. 

Mất cân đối giữa cung và cầu

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012, nếu chỉ tiêu chung cho tất cả các ngành là 576.000 thì có tới 184.300 thuộc nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng. Những năm vừa qua, các trường thi nhau mở ngành tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh và luôn thu hút số lượng hồ sơ đăng ký cao gấp nhiều lần ngành khác, dẫn đến sự mất cân đối giữa nhu cầu tuyển dụng thực sự với số lượng sinh viên ra trường mỗi năm.

Tháng 9 vừa qua, Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính (BTCI) và Hay Group đã đưa ra kết quả khảo sát về cung - cầu nhân lực ngân hàng - tài chính. Trong năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng ra trường nhưng chỉ có khoảng 20.000 người được các tổ chức tài chính, ngân hàng tuyển dụng. 12.000 sinh viên còn lại sẽ phải làm công việc khác với chuyên môn của mình. 


 

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng sẽ là cơ hội để những sinh viên mới ra trường, có tri thức, nhiệt huyết, năng động được thể hiện tài năng và trí tuệ của mình. Ảnh: VnExpress.net


Cơ hội cho các nhân lực chất lượng cao, sinh viên giỏi PGS-TS Ngô Hướng, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh, nhận định: “Nhiều em có tâm lý lo thất nghiệp trong thời điểm này là đúng vì thực tế các ngân hàng đang siết chặt việc tuyển dụng. Hơn nữa, các ngân hàng lớn chỉ thích chọn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học có uy tín và chuyên sâu trong nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng”. PGS-TS Trần Huy Hoàng, Trưởng khoa Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Đây là thời điểm hàng loạt ngân hàng giảm nhân sự do có sự sáp nhập, tái cơ cấu, nâng cao chất lượng chuyên môn. Những người không đủ năng lực sẽ bị loại sau cuộc sàng lọc này. Điều đó cũng có nghĩa việc tuyển dụng nhân sự mới cũng chắt lọc, khắt khe hơn và chắc chắn chỉ những sinh viên giỏi chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm mới có cơ hội”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường Đại học Tài chính - Marketing, thời điểm này là cơ hội tốt để các ngân hàng lựa chọn được cho mình nguồn nhân lực chất lượng cao và cũng là lúc để các trường xem xét lại quá trình đào tạo của mình có đáp ứng yêu cầu thực tế hay không  “Cũng không nên quá bi quan vì sinh viên ngành tài chính - ngân hàng đã được học kiến thức tổng hợp về kinh tế nên vẫn có thể làm việc tại hàng ngàn tổ chức định chế tài chính trung gian chứ không nhất thiết phải ở ngân hàng. Và sau thời kỳ khó khăn, nếu các ngân hàng được phục hồi thì nhu cầu nhân lực ngành này vẫn luôn luôn lớn” - bà Dung nhận định.

 

 

Ý kiến:

“Bên cạnh việc đánh giá về kiến thức, nhiều ngân hàng khi tuyển dụng còn đưa ra những yêu cầu khiến ứng viên bất ngờ. Chẳng hạn như khả năng đẩy mạnh phong trào công đoàn, văn nghệ, khả năng giao tiếp nhanh nhẹn, linh hoạt... Do đó, ngoài việc giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, sinh viên cần phải thuần thục các kỹ năng mềm, hoàn thiện mình ở mọi phương diện”.


PGS-TS Trần Huy Hoàng

(Trưởng khoa Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh)


 

“Các ngân hàng vẫn rất cần những sinh viên đạt loại khá giỏi trở lên, nắm vững các nghiệp vụ được đào tạo chuyên ngành ngân hàng như tín dụng, kế toán ngân hàng, thanh toán quốc tế... Ngoài ra, các sinh viên còn phải có kỹ năng giao tiếp, tự tin khi trả lời phỏng vấn. Sử dụng thành thạo các phần mềm vi tính văn phòng, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh chuyên ngành ngân hàng".


Ông Trần Sơn Nam

(Tổng giám đốc Ngân hàng Trustbank)



Việt Anh (Theo TNO)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo