Tin tức - Sự kiện

Sở GTVT Hà Nội nói gì về bảo tồn cầu Long Biên?

“Sửa chữa một cây cầu không khó nhưng quan trọng là việc sửa chữa ấy phải có tính bảo tồn, gắn với lịch sử dân tộc”.

Đang có 3 phương án trong việc bảo tồn cầu Long Biên

Người phát ngôn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân nêu quan điểm với phóng viên các báo đài về việc bảo tồn cầu Long Biên với nhiều phương án được đưa ra, và đang nhận được nhiều ý kiến xoay quanh chủ trương này.

Liên quan đến chủ trương này, ông Tân cho biết trước đây Bộ GTVT và Hà Nội đã có buổi làm việc. Giám đốc Sở GTVT cũng đã nêu quan điểm của Sở về việc này.
 
“Sửa chữa một cây cầu không khó nhưng quan trọng là việc sửa chữa cây cầu ấy phải có tính bảo tồn, gắn với lịch sử dân tộc. Ngoài ra còn phải đảm bảo cả yếu tố ngoại giao. Vì cây cầu này do Pháp xây dựng, đến nay cầu Long Biên đã có tuổi thọ hơn 100 năm” – ông Tân cho biết.
 
Mặc dù vậy, theo Phó giám đốc Sở GTVT, đến thời điểm này khả năng chịu tải cầu Long Biên rất kém. Nhưng nếu theo phương án làm lại mới thì công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Giải quyết bài toàn này rất khó. Làm một cây cầu chẳng khó gì, nhưng tiền ở đâu, đầu tư bằng nguồn nào là cả một vấn đề cần phải cân nhắc.
 
“Quan điểm của Sở GTVT Hà Nội là bảo trì, nâng cấp phát triển lại cây cầu giống như một ngôi nhà cổ. Cần hạn chế GPMB, di dân phố cổ, vì đây là việc làm rất khó. Tuy nhiên việc quyết định cụ thể thế nào phải phụ thuộc vào cấp có thẩm quyền phê duyệt chứ không phải thích thì làm” – ông Tân nói.
 
Trước đó Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, VHTT&DL , UBND TP Hà Nội xin ý kiến trong việc bảo tồn cầu Long Biên, vì cây cầu này có liên quan đến dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi.
 
Bộ GTVT đã đưa ra 3 phương án đối với cầu Long Biên. Đầu tiên là phương án xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện nay và di dời 9 nhịp cầu phía Hà Nội về hướng thượng lưu, cách cầu 85 mét để bảo tồn. Qua đó, cầu Long Biên sẽ được gia cố, sửa chữa nguyên bản để khai thác phần đường 2 bên cầu.
 
Phương án 2 được Bộ GTVT đưa ra là tháo dỡ cầu Long Biên cũ, xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại. Cây cầu mới sẽ có hình dáng tương tự cầu cũ, nhưng công năng thay đổi, dùng cho cả đường sắt, đường bộ.
 
Phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
 
Điểm đáng chú ý là thực hiện cả 3 phương án này sẽ cần khoảng 60 nghìn m2 đất, và phải di dời hơn 600 nhà dân. Chi phí để làm lại cây cầu này khoảng trên dưới 9 nghìn tỷ, trong đó chi phí cho GPMB gần 1 nghìn tỷ đồng.
 
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo