Thị trường

Sở hữu chéo bóp méo tín dụng

Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Chính sách công (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam), tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, vì ông chủ thực sự của ngân hàng chỉ là một nhóm người.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Chính sách công (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam)

 Luật Các tổ chức tín dụng quy định rất chặt chẽ việc sở hữu cổ phần đối với ngân hàng. Theo ông, tình trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng hiện nay diễn ra thế nào?

 
TS. Nguyễn Xuân Thành: Theo Luật Tổ chức tín dụng, một cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ, một tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ (trừ một số trường hợp đặc biệt), cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
 
Quy định này rất chặt chẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng trên thực tế, có không ít tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cá nhân.
 
Tôi xin nhấn mạnh rằng, quy định trên và nhiều quy định khác về tổ chức, hoạt động, bảo đảm an toàn, quản lý hệ thống tài chính nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng của Việt Nam hiện nay đã phù hợp với thông lệ quốc tế.
 
Thậm chí, còn nhiều quy định chặt chẽ hơn, nhưng chỉ cần thực hiện đầu tư chéo, sở hữu chéo thì mọi quy định của pháp luật sẽ bị vô hiệu hóa.
 
Người ta vô hiệu hóa các quy định của pháp luật bằng cách nào, thưa ông?
 
TS. Nguyễn Xuân Thành: Trong khi hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán bị kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; hoạt động của ngân hàng thương mại và công ty tài chính bị kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước, thì công ty cổ phần đầu tư tài chính không bị giám sát, quản lý bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nào, mà chỉ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, cho dù công ty này hoạt động không khác gì quỹ đầu tư, công ty tài chính.
 
Lợi dụng kẽ hở này, một nhóm cá nhân thành lập công ty cổ phần đầu tư tài chính để mua cổ phần của một số ngân hàng nào đó, đồng thời họ cũng mua cổ phần tại những ngân hàng này.
 
Sau khi đã sở hữu được lượng cổ phần kha khá, một mặt họ vay vốn tại ngân hàng mà họ là cổ đông, mặt khác lại yêu cầu các ngân hàng mà họ và công ty cổ phần đầu tư tài chính do họ sáng lập đầu tư vốn vào các ngân hàng trong nhóm và như thế, “quyền lực” của họ một lần nữa lại được nâng lên.
 
Thưa ông, việc một nhóm cổ đông thao túng ngân hàng nguy hiểm đến mức độ nào?
 
TS. Nguyễn Xuân Thành: Khó có thể đo lường hết được sự nguy hiểm xảy ra đối với nền kinh tế, hệ thống ngân hàng và người dân, khi một nhóm người thao túng một vài ngân hàng nào đó. Những gì diễn ra với Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) và một số ngân hàng TMCP khác gần đây đã minh chứng điều này.
 
Có thể nói, tình trạng sở hữu chéo sẽ vô hiệu hóa mọi quy định về vốn pháp định đối với ngân hàng TMCP (hiện tại là 3.000 tỷ đồng); làm tăng hệ số an toàn vốn (hệ số CAR) không thực chất; vô hiệu hóa các quy định về giới hạn tín dụng đối với việc cho vay người có liên quan; ngân hàng thoải mái đầu tư vào các lĩnh vực bị cấm như chứng khoán, bất động sản; vô hiệu hóa các quy định về báo cáo chất lượng tín dụng và trích dự phòng rủi ro…
 
Chỉ nói riêng về hệ số CAR, theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng phải đáp ứng hệ số CAR tối thiểu là 9%, ngân hàng nào cũng đạt quy định này, thậm chí có ngân hàng, hệ số CAR lên tới 40%. Nếu hệ số CAR đạt 40%, theo thông lệ quốc tế, nợ xấu có thể lên tới 20% hoạt động ngân hàng vẫn bình thường, hệ thống ngân hàng vẫn bình thường.
 
Nhưng ở Việt Nam, do sở hữu chéo, đầu tư chéo nên hệ số CAR rất cao, tỷ lệ nợ xấu chưa hẳn đã cao so với một số nước trên thế giới tại nhiều thời điểm, nhưng nhiều ngân hàng đã nằm trên bờ vực phá sản, giải thể, buộc phải kiểm soát đặc biệt, sáp nhập vào ngân hàng khác.
 
May mà Ngân hàng Nhà nước can thiệp kịp thời bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc sáp nhập (đã có 8 ngân hàng buộc phải sáp nhập trong vòng 1 năm trở lại đây), nếu không, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
 
Ông nói rằng, ngân hàng vẫn thoải mái đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, trong khi đây là 2 lĩnh vực mà ngân hàng bị cấm đầu tư trực tiếp?
 
TS. Nguyễn Xuân Thành: Như tôi nói, thực hiện biện pháp đầu tư chéo, sở hữu chéo thì mọi quy định của pháp luật, mọi tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế sẽ bị bóp méo, thậm chí là vô hiệu hóa. Pháp luật quy định, ngân hàng muốn đầu tư vào chứng khoán, bất động sản thì phải thành lập công ty riêng và không được cho công ty mà mình đầu tư, góp vốn vay vốn.
 
Khi đã sở hữu chéo, đầu tư chéo thì lách quy định này không có gì là khó.
 
Ngân hàng do một nhóm cổ đông nắm giữ vẫn thành lập công ty chứng khoán, công ty kinh doanh bất động sản cho các ngân hàng khác trong nhóm sở hữu chéo vay vốn và yêu cầu cho công ty chứng khoán, công ty kinh doanh bất động sản vay vốn.
 
Như vậy, về thực chất, thì ngân hàng vẫn cho công ty chứng khoán, công ty kinh doanh bất động sản mà mình thành lập, góp vốn vay vốn.
 
Chưa kể, với quyền lực của mình, nhóm cổ đông quyền lực vay một lượng vốn rất lớn tại chính những ngân hàng mà họ và công ty cổ phần đầu tư tài chính do họ thành lập là cổ đông và sử dụng số tiền đi vay để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, cũng như đầu tư vào ngân hàng khác.
 
Điều này vô cùng nguy hiểm khi thị trường chứng khoán, bất động sản xuống dốc vì nợ xấu gia tăng rất mạnh.
Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo