Sở hữu chéo ngân hàng: “Lông nhím” hay “thảm đỏ”?
Sau Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á (DaiABank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cùng vừa có thông cáo nói rằng: “HDBank mua lại ngân hàng hoặc sáp nhập với một tổ chức tín dụng khác không phải là thông tin từ ban lãnh đạo HDBank”.
Cùng với đó, tương tự DaiABank, được biết HDBank cũng hoãn thời điểm tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường thay vì dự kiến tổ chức vào ngày 31/10 này.
Trên sàn chứng khoán, quy mô giao dịch đột biến gần đây tại mã EIB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang thu hút sự chú ý của công chúng đầu tư…
Những kế hoạch đã định?
Thông tin như trên của HDBank là đương nhiên, bởi quy định hiện hành không cho phép các ngân hàng tiết lộ về kế hoạch, phương án sáp nhập, hợp nhất đang triển khai (nếu có). Mọi đồn đoán chỉ rõ ràng khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đề án hoàn thiện để trình đại hội đồng cổ đông…
Còn theo nguồn tin của VnEconomy cuối tuần qua, kế hoạch tái cơ cấu của HDBank và của DaiABank đã có văn bản chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước.
Chúng ta biết rằng hoạt động đầu tư, mua bán dẫn đến thay đổi quyền sở hữu là được pháp luật bảo hộ. Vấn đề là anh có làm đúng quy định pháp luật hay không, thực lực của anh như thế nào? Một nguồn tin của VnEconomy |
Như đề cập ở bản tin trước, ở giả thiết sáp nhập, hai ngân hàng trên đến với nhau sẽ tạo ra một ngân hàng có quy mô lớn hơn, để có thể mạnh hơn và hoạt động tốt hơn.
Đây là hai thành viên được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá là đang hoạt động tốt và không nằm trong diện phải tái cơ cấu bắt buộc. Một kế hoạch sáp nhập theo đó là bình thường và tự nguyện. Và nếu vậy, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục gọn hơn về số lượng thành viên, bức tranh cơ cấu sở hữu chéo một phần sẽ có thay đổi theo hướng giảm đi.
Một nguồn tin cho hay, khi sở hữu chéo được xem là một vấn đề “nóng” trong hệ thống ngân hàng, một số cổ đông lớn trong giả thiết trên đã chủ động chuyển nhượng, một nhóm cổ đông từ ngân hàng nhận sáp nhập và liên quan, cùng với một cổ đông lớn hiện hữu đã có được tỷ lệ sở hữu đủ lớn để thúc đẩy kế hoạch sáp nhập.
Quy mô các giao dịch liên quan có thể lên tới 50% vốn điều lệ của DaiABank, từ sở hữu của tổ chức, cá nhân là ngân hàng thương mại lớn, hay từng là lãnh đạo cao cấp tại một số ngân hàng khác thu hút sự chú ý của công chúng thời gian gần đây. Theo đó, một phần cơ cấu nhưng nhiều quan hệ trong bức tranh sở hữu chéo dự kiến sẽ được thu gọn lại - điều mà Ngân hàng Nhà nước mong muốn.
Bình luận về tình huống này, nguồn tin cho rằng: “Ở đây không đặt vấn đề thâu tóm hay không. Bản thân từ “thâu tóm” không phải là tiêu cực, mà là cuộc chơi của thị trường. Đâu đó vẫn dùng từ này một cách phản cảm, như là chiếm đoạt, cần phải định vị lại cho chuyên nghiệp. Chúng ta biết rằng hoạt động đầu tư, mua bán dẫn đến thay đổi quyền sở hữu là được pháp luật bảo hộ. Vấn đề là anh có làm đúng quy định pháp luật hay không, thực lực của anh như thế nào? Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cái cần quan tâm là vì sao họ dám mua, dám đầu tư như vậy, giá trị tiềm năng ra sao?”.
“Lông nhím” hay “thảm đỏ”?
Ở một diễn biến khác, mối quan hệ sở hữu mới có thể hình thành qua loạt giao dịch đột biến tại mã EIB của Eximbank những phiên vừa qua. “Không loại trừ một ý đồ thâu tóm. Đó là một tham vọng, còn thực hiện được hay không lại là chuyện khác”, một người trong cuộc nói.
Giả sử, Eximbank đứng trước một thay đổi cổ đông lớn, họ sẽ “xù lông nhím” hay “trải thảm đỏ”? |
Loạt giao dịch quy mô lớn cổ phiếu EIB trong tháng 10 này vẫn nằm trong suy đoán của nhà đầu tư. Nếu gắn với một thay đổi về cổ đông lớn, nghi vấn của người trong cuộc nói trên là có cơ sở. Theo quy định, thay đổi về cổ đông lớn, giao dịch phải được công bố. Tuy nhiên, thực tế là vẫn có tình trạng mua - bán trước công bố sau, hoặc không công bố, trên thị trường thời gian qua.
Giả sử, Eximbank đứng trước một thay đổi cổ đông lớn, họ sẽ “xù lông nhím” hay “trải thảm đỏ”?
Xét trên bình diện chung, những thay đổi trong cơ cấu sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại nói chung hoặc có thể tạo nên động lực mới, hoặc gây xáo trộn ngoài mong muốn.
Sẽ vẫn phải điểm lại trường hợp của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa qua như một ví dụ điển hình. Rõ ràng, trước ý đồ của một nhóm nhà đầu tư ròng rã gom mua, một số cổ đông lớn hiện hữu đã phải tìm cách phòng thủ.
Thay đổi cổ đông lớn tại Sacombank là sự có mặt của Eximbank. Trung tuần tháng 2/2012, cổ đông mới này đại diện cho nhóm cổ đông đa số có văn bản đề nghị bầu lại các thành viên Hội đồng Quản trị. Trong văn bản đó nêu rằng thời gian qua Sacombank đã thực hiện một số các hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, cùng với đề nghị Sacombank không chuyển nhượng các tài sản lớn của ngân hàng trong thời gian chuẩn bị cho đại hội đồng cổ đông…
Có những góc nhìn khác nhau về những đề nghị trên, còn điểm mà văn bản xuất phát trước hết là từ vai trò giám sát của cổ đông lớn.
Vậy thì, trong các trường hợp nói chung, hạn chế sở hữu chéo có thể trở thành bộ lông nhím để ngân hàng xù lên, để ngăn một hạt nhân mới không mong muốn lọt vào cơ cấu, để che đậy những bất ổn nội tại; ngược lại sở hữu chéo có thể là tấm thảm đỏ để đón những thay đổi tốt hơn cho ngân hàng, mà rộng hơn là cho hệ thống.
Ở đây, những bất cập phát sinh từ sở hữu chéo liên quan đến tín dụng, “sân sau”… lại là một vấn đề khác.
Hồng Lĩnh (Theo VnEconomy)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất