Sớm có biện pháp quản lý chặt chẽ thuốc cam
Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, hơn bốn tháng qua có gần 130 trường hợp đến từ nhiều địa phương phải nhập viện vì nhiễm độc chì sau khi sử dụng thuốc cam.
Ðến thời điểm này cũng đã có bốn cháu bé chết vì nhiễm độc chì từ thuốc cam. Các bác sĩ cho biết, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ bị ngộ độc chì sẽ phải đối mặt với nguy cơ di chứng về trí tuệ và thể chất.
Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai hằng ngày vẫn tiếp nhận nhiều trẻ đến xét nghiệm và điều trị sau khi sử dụng thuốc cam. Ðáng chú ý, có những gia đình mới chỉ bôi cho trẻ trong ba ngày, mỗi ngày hai lần loại thuốc cam rởm để chữa tưa lưỡi thì trẻ đã bị lên cơn co giật sau đó hôn mê và phải đưa đi cấp cứu.
Khi mới nhập viện được chẩn đoán là hội chứng não cấp, nhưng sau khi tiến hành xét nghiệm thấy rằng, lượng chì trong máu cao nên chuyển người bệnh sang dạng ngộ độc chì, và có những cháu như thế đã không cứu được.
Các bác sĩ cho biết, thời gian điều trị ngộ độc chì phải mất hàng năm trời, với khoản chi phí hàng chục triệu đồng. Ngay cả khi chất độc đã được đào thải hết thì vẫn có thể để lại di chứng không nhỏ.
Hiện có hai loại thuốc cam được dùng phổ biến là thuốc cam bổ tỳ, tăng cường tiêu hóa, chống còi xương và thuốc cam chữa tưa lưỡi, lở loét cho trẻ. Kết quả giám định hàng trăm mẫu thuốc đã thu hồi được cho thấy, hàm lượng chì chiếm từ 2 đến 80%.
Loại thuốc chế từ khoáng chất độc hại này chưa bao giờ được Bộ Y tế cấp phép sản xuất và sử dụng, nhưng lâu nay vẫn được bày bán phổ biến trên thị trường, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Mới đây, từ thông tin trẻ sử dụng thuốc cam của ông lang Nguyễn Văn Trân ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) bị nhiễm độc chì nặng, dẫn tới tình trạng sốt cao, co giật, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã cho lấy hai mẫu thuốc cam tại đây để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, cả hai mẫu đều có hàm lượng chì cao, đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe người sử dụng.
Cả hai loại thuốc cam này đều không có số đăng ký, tức là thuộc diện không được phép sản xuất và sử dụng. Lý giải nguyên nhân thuốc cam có chì, ông Trân khẳng định là do Hồng đơn và Thanh đại (hai nguyên liệu làm thuốc).
Theo Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) thì Hồng đơn chính là ô-xít chì, có thể tạo ra từ khoáng vật trong tự nhiên hoặc nung chì ở nhiệt độ khoảng 600 độ C. Không phải dược liệu nhiễm chì, mà người ta dùng những khoáng vật bản chất là chì để chế Hồng đơn.
Người làm thuốc cam thì đổ cho dược liệu có chì, còn khi hỏi người bán dược liệu thì thừa nhận chỉ biết bán mà không biết trong dược liệu có gì. Ðáng chú ý, cả người làm thuốc và người buôn bán dược liệu đều có một điểm chung, đó là cả hai đã hành nghề hàng chục năm, nhưng không có bằng cấp chuyên môn và không có giấy phép. Ðiều này cho thấy tình trạng đáng báo động trong việc kiểm soát hoạt động khám, chữa bệnh tư nhân bằng y học cổ truyền.
Phải tới khi bệnh nhi thứ tư chết do nhiễm độc chì từ thuốc cam, Bộ Y tế mới họp với các đơn vị chức năng để bàn về giải pháp chấn chỉnh công tác quản lý hành nghề y học cổ truyền và ngăn chặn các ca ngộ độc mới do thuốc cam gây ra.
Hàng loạt biện pháp được triển khai đã cho thấy những "khoảng trống" trong công tác quản lý tồn tại từ nhiều năm nay. Bộ đã nhiều lần có công văn nhắc nhở, chỉ thị cho các địa phương tăng cường công tác quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
Ðồng thời, đề nghị chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền để phát hiện, ngăn chặn, không dùng các thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Trước yêu cầu này, các lực lượng chuyên trách tại 63 tỉnh, thành phố mới bắt đầu tăng cường kiểm soát các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tư nhân, lấy mẫu nhiều chế phẩm để kiểm tra nồng độ chì.
Tuy nhiên, có khó khăn trong việc xử lý các vi phạm, vì hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành quy định về giới hạn chì trong dược liệu và thuốc từ dược liệu.
THEO kết quả phân tích của Viện Hóa học (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) trong 500 mẫu bệnh phẩm mà các bệnh viện gửi đến xét nghiệm có tới hơn 300 mẫu có hàm lượng chì cao. Ðặc biệt có những cháu có hàm lượng chì hơn 200 microgram/1mml máu.
Trong khi đó, hàm lượng chì trên 5mcg/100ml máu ở trẻ em là đã gây ngộ độc cho não. Chính vì vậy, để hạn chế nguy cơ ngộ độc chì cho trẻ, bên cạnh việc các cơ quan chức năng sớm có những biện pháp quản lý chặt chẽ loại thuốc đông y hay được sử dụng thì chính các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên mua, sử dụng những loại thuốc bán trôi nổi trên thị trường, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Khi trẻ bị bệnh, tốt nhất là nên đến những cơ sở y tế uy tín, có sự chỉ định rõ ràng của thầy thuốc.
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì. Theo đó, nồng độ chì máu toàn phần bình thường là dưới 10 àg /dL, nồng độ lý tưởng là 0 àg /dL.
Thông qua xét nghiệm máu, đối với trẻ em, nồng độ chì vượt mức 79 àg/dL trở lên và có những biểu hiện về bệnh lý não, thay đổi hành vi, co giật, hôn mê, phù gai chi, nôn kéo dài và có biểu hiện thiếu máu, thiếu sắt được xác định là mức độ nặng; đối với người lớn là vượt mức 100 àg/dL, xuất hiện các dấu hiệu của bệnh lú não, các cơn đau quặn bụng, nôn, thiếu máu, thậm chí mắc bệnh ly thận.
Với từng mức độ, nặng, trung bình, nhẹ mà có phương pháp theo dõi, điều trị và sử dụng thuốc giải độc chì phù hợp. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chỉ khám bệnh ở những cơ sở có đăng ký và dùng các thuốc lưu hành hợp pháp. Loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ gây nhiễm độc chì trong cuộc sống như sơn, đồ chơi có chì, giữ vệ sinh môi trường...
Theo Nhân Dân
End of content
Không có tin nào tiếp theo