Sơn La công bố kế hoạch cụm công trình 1.400 tỷ đồng gắn tượng đài Bác Hồ
Tỉnh ủy Sơn La vừa ban hành Đề cương tuyên truyền về chủ trương xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La.
Theo đó, Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường được xây dựng tại Phường Tô Hiệu, Phường Chiềng Cơi, Phường Quyết Thắng Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La (thuộc quy hoạch lô số 01, số 02 khu đô thị mới gắn với dự án thoát lũ suối Nậm La, thành phố Sơn La).
Công trình có vị trí ở trung tâm của Thành phố, gần các trục giao thông chính nhằm phát huy tối đa hiệu quả của dự án, đồng thời đảm bảo tính trang trọng, gần gũi giữa hình tượng Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện cấp vùng, cấp tỉnh, cấp thành phố.
Về quy mô, đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc, bao gồm các dự án:Quảng trường (diện tích khoảng 3 ha): đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động chính trị- văn hóa của khu vực Tây Bắc và tỉnh Sơn La trong các ngày lễ lớn; đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên của nhân dân, nhất là nhân dân thành phố Sơn La..
Nhóm Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với lễ đài (diện tích khoảng 0,27 ha): trong đó Tượng đài Bác Hồ có quy mô nhóm A2 được xác định tùy theo tác phẩm nghệ thuật qua các bước thi tuyển và phải thỏa mãn sự phù hợp với không gian Quảng trường. Chất liệu tượng đài được sử dụng bằng chất liệu phù hợp với nghệ thuật tạo hình, có tính bền vững dài lâu dưới tác động của thiên nhiên. Chân dung Bác Hồ được thể hiện vào thời gian năm 1959, là thời gian Bác về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La (hiện nay đang trình phương án mẫu phác thảo Tượng đài bước 1 xin ý kiến Hội đồng nghệ thuật).
Đền thờ Bác Hồ đặt trong khuôn viên, diện tích khoảng 0,32 ha là nơi dâng hương, được quy hoạch ở bên trái của Tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc". Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ (đặt trong khuôn viên, diện tích khoảng 0,29 ha) là nơi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Bảo tàng tổng hợp (đặt trong khuôn viên, diện tích khoảng 1 ha), trong đó có nội dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lưu giữ, trưng bày các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Sơn La.
Các hạng mục khác bao gồm: Đường giao thông nội bộ trong khu vực Quảng trường; đồi cảnh quan (diện tích 2,1 ha): Phía sau Tượng đài và đền thờ Bác Hồ; vườn hoa hai bên sân Quảng trường (tổng diện tích 2,24 ha) tạo không gian cảnh quan; khu ao cá Bác Hồ - vườn hoa ban (diện tích 2,24 ha), khu vực ao là di tích quan trọng gắn liền với lịch sử Nhà ngục Sơn La, nơi các chiến sỹ cách mạng bị tù đày lấy nước phục vụ cho sinh hoạt của Nhà tù. Tôn tạo khu vực này vừa bảo vệ, lưu giữ di tích lịch sử, vừa tạo cảnh quan cho khuôn viên sinh hoạt chung trong tổng thể Khu Quảng trường.
Về phương án đảm bảo nguồn vốn và hình thức đầu tư, Tỉnh ủy Sơn La cho biết, phải đảm bảo nguồn vốn triển khai thực hiện Đề án theo các quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư.
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân là bước thông qua Đề án với khái toán dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng cho tất cả các hạng mục. Trong đó khái toán mức đầu tư cho nội dung xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc khoảng 200 tỷ đồng và được phân kỳ đầu tư theo quy định. Việc bố trí vốn triển khai Đề án đảm bảo huy động phát huy có hiệu quả tổng thể các nguồn lực trong quá trình phát triển của tỉnh.
Về phương án tái định cư và giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng khu dân cư mới tại khu vực tổ 4 phường Quyết Thắng, có diện tích đất dự kiến bố trí khoảng 269 lô đất ở (trong đó một phần đất bố trí các hộ dân tái định cư khi giải phóng mặt bằng, một phần sẽ bố trí cho các hộ, tổ chức có nhu cầu) đảm bảo các hạ tầng thiết yếu: trục đường chính dọc kè suối Nậm La, đường nội bộ, nhà văn hóa, vườn hoa…
"Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc đặt tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La thể hiện tấm lòng biết ơn sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc khu vực Tây Bắc nói chung; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với tình cảm to lớn mà Bác Hồ đã dành cho đồng bào Tây Bắc. Công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và xã hội vô cùng to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và quyết tâm mãi mãi đi theo con đường của Bác, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Sơn La - Tây Bắc. Công trình còn là địa chỉ đỏ về du lịch cho khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Bác Hồ vĩ đại, góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La", tỉnh Sơn La cho biết.
Theo Tỉnh ủy Sơn La, đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc tại thành phố Sơn La, là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết các dân tộc, về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, đặc biệt giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Tỉnh ủy Tinh Sơn La cũng cho biết, sau khi có các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 2156) và thành lập 4 tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo. Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc tại thành phố Sơn La.
Đây là cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai các bước thủ tục đầu tư theo đúng quy định hiện hành của nhà nước, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định (việc xây dựng và thông qua Đề án chỉ là bước thống nhất chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; chưa phê duyệt dự án đầu tư và cơ cấu nguồn vốn; chưa giải ngân thanh toán bất cứ nội dung gì trong bước chuẩn bị đầu tư).
Tỉnh đang giao cho các cơ quan chuyên môn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án theo quy định Luật đầu tư công, chỉ đạo thẩm định các báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định (phần nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ), dự kiến báo cáo HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6 (tổ chức vào trung tuần tháng 9.2015). Chỉ đạo hoàn thiện phương án quy hoạch chi tiết 1/500 để sớm công bố công khai quy hoạch.
Đây là Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tỉnh đã tổ chức đi học tập, rút kinh nghiệm tại một số tỉnh đã và đang xây dựng Tượng đài Bác Hồ như Nghệ An, Thái Bình, Tuyên Quang, Gia Lai… trên cơ sở đó Ban Thường vụ tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo 2156 đang chỉ đạo điều chỉnh dự thảo quy hoạch chi tiết 1/500 đảm bảo tính khoa học, hiệu quả và tiết kiệm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD