Sống trong những gian nhà siêu nhỏ, khách đến là... mời lên giường
Rất nhiều công nhân, lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước phải sống nhọc nhằn trong những căn phòng trọ chật chội, thiếu thốn.
Thiếu cả lối đi
Kế hoạch của tôi là "mục sở thị" cuộc sống của công nhân trong những căn phòng trọ siêu nhỏ. Dãy nhà trọ ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) nếu tính cả khu vệ sinh khép kín cũng có diện tích kha khá, khoảng 9 m2/phòng. Mỗi phòng ở trung bình từ hai đến ba người. Vậy chưa được coi là siêu nhỏ nên tôi lại tìm tiếp. Tới dãy nhà trọ bốn phòng nằm quay mặt ra ngõ 36, phố Cô Đông, ba phòng vẫn đóng cửa im ỉm, chỉ có một phòng mở cửa.
Nhìn vào tôi thấy một thiếu nữ chừng 20 tuổi đang chuẩn bị đồ nấu ăn. Khoảng trống chỗ cô ngồi là một lối đi hẹp giữa chiếc giường ngủ và bức tường ngăn cách với phòng bên cạnh. Lân la hỏi chuyện, cô giới thiệu mình tên là Phạm Thị Hồng làm ở Công ty Samil Hà Nội. Hồng ở cùng với một người bạn tên Nhung. Hai cô đều là người huyện Thanh Hà.
Tôi đếm hàng gạch hoa lát nền nhẩm tính, ước chừng phòng trọ của Hồng và Nhung chỉ rộng hơn 7m2, gồm cả nhà vệ sinh. Trong phòng, hai cô không thể trang bị bất kỳ một vật dụng gì như tủ quần áo, ti-vi, bàn uống nước... Chiếc giường có chiều ngang 1,5m choán hết không gian. Một lối đi chật hẹp để bếp ga mi-ni nấu ăn, bát đũa, xoong nồi. Quần áo được treo vào một chiếc dây phía cuối giường.
Những cái nào không mặc đến thì cho vào túi cất gọn dưới gầm giường. Trong lúc chúng tôi nói chuyện, có một vị khách đến chơi, Hồng mời bạn ngồi lên giường.
Căn phòng có một cửa sổ mở ra mặt ngõ cùng hướng với cửa chính. Hồng bảo những đêm trời nóng, các cửa đều phải đóng kín đề phòng trộm cắp nên căn phòng chẳng khác nào một cái bao diêm. Có khi nóng quá, hai cô gái phải thức ngồi ở cửa cho đỡ bí bách.
“Phòng nhỏ thế này, thế hôm nào bạn trai của cả hai em đến chơi thì ngồi ở đâu?”- tôi hỏi đùa. Hồng cười bẽn lẽn: “Cũng may là bọn em chưa có người yêu”. Căn phòng bé tí, mà hai cô gái lại nấu nướng trong nhà nên mùi thức ăn ám lâu ngày rất khó chịu...
Cám cảnh nhà trọ chật chội nhiều khi chồng tôi cũng nản chí muốn bỏ về. Nhưng suy đi xét lại về quê chẳng có việc làm còn vất vả hơn. Chỉ thương cho đứa nhỏ không có chỗ vui đùa hằng ngày, phải sống tù túng cùng với bố mẹ.
Từ huyện Nam Trực (Nam Định), vợ chồng anh Trần Văn Dương, chị Phạm Thị Oanh khăn gói sang khu công nghiệp Nam Sách xin việc. Đất khách quê người, chị Oanh lại chưa thể đi làm vì phải nghỉ trông con nhỏ nên cuộc sống cả nhà trông vào đồng lương của chồng làm tại Công ty TNHH May Tinh Lợi. Thời điểm tăng ca nhiều, lương của anh Dương chừng hơn 6 triệu đồng/tháng. Những khi công ty ít việc, tiền lương cũng theo đó giảm đi.
Cuộc sống ba miệng ăn theo kiểu "gạo chợ nước sông" của gia đình anh chị nhọc nhằn qua đi. Để tiết kiệm chi phí, anh chị không còn cách nào khác đành phải chấp nhận thuê trọ trong một căn nhà với diện tích chưa đầy 7m2. Đây vốn là căn bếp được cải tạo lại.
Nhà vệ sinh được cơi nới thêm ra phía sau nên khi trời mưa nước lại chảy xuống theo kẽ hở lênh láng cả nhà. Anh chị chỉ kê được chiếc giường ngủ rộng 1,3m sát cửa ra vào. Khoảng trống nhỏ giáp với nhà vệ sinh dùng làm nơi nấu ăn, kê bàn để một chiếc ti-vi và các túi đựng quần áo.
Ngoại trừ việc nấu ăn ở dưới, còn lại mọi sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên chiếc giường nhỏ ấy. Buổi tối, khi anh Dương cất chiếc xe máy, đồ đạc giá trị nhất vào trong nhà thì cũng là lúc mọi hoạt động phải "đóng băng" vì khoảng trống duy nhất để có thể đi lại cũng không còn.
Chị Oanh bảo, buổi tối chị thường phải nằm xuống cuối giường để hai bố con anh Dương có chỗ nằm. "Cám cảnh nhà trọ chật chội nhiều khi chồng tôi cũng nản chí muốn bỏ về.
Nhưng suy đi xét lại về quê chẳng có việc làm còn vất vả hơn. Chỉ thương cho đứa nhỏ không có chỗ vui đùa hằng ngày, phải sống tù túng cùng với bố mẹ. Vào những ngày nóng như dạo trước có những đêm nó không chịu ngủ cứ quấy khóc suốt", chị Oanh cho biết. Ở khu này những phòng trọ siêu nhỏ kiểu như nhà chị Oanh không hiếm.
Cần sự hỗ trợ
|
Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, số công nhân, lao động đi ở trọ dao động khoảng 29 nghìn người. Số phòng trọ do tư nhân xây dựng hơn 15 nghìn phòng. Hầu hết các phòng trọ đều là nhà cấp 4 với diện tích trung bình từ 9-15m2. Ấy là tính cả diện tích nhà vệ sinh khép kín. Vì vậy, diện tích thực sử dụng bị giảm đi rất nhiều. Đó là còn chưa kể có nhiều phòng trọ diện tích ở mức siêu nhỏ như nói ở trên. Vì nhiều lý do người lao động vẫn phải chấp nhận ở.
Chúng tôi từng thấy một phòng trọ ở khu 4, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) chỉ rộng khoảng 9m2 nhưng có 8 công nhân ở cùng nhau. Vì chỉ có một chiếc giường nên họ trả lại chủ nhà. Buổi tối họ trải chiếu ra ngủ. Nhà dột, họ căng áo mưa phía trên và dùng chậu hứng nước phía dưới.
Từ thực tế trên có thể thấy rằng, điều kiện sống của một bộ phận không nhỏ công nhân, lao động hết sức khó khăn. Vừa qua, trong đợt đi thực tế tìm hiểu thực trạng nhà trọ công nhân của các tình nguyện viên Hội đồng Công trình xanh Việt Nam tại thôn Độc Lập, phường Ái Quốc (TP Hải Dương), một kỹ sư lắc đầu ngao ngán cho biết, có khi chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian mới có thể đưa ra được ý tưởng cho những căn nhà trọ phù hợp với người lao động.
Nhưng thực tế hiện nay, nhà trọ là do tư nhân xây dựng, thu nhập của công nhân vẫn ở mức thấp thì khó có thể biến điều ấy thành hiện thực. Ngay cả Sở Xây dựng cũng thừa nhận nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung thuê là hết sức bức bách. Tuy nhiên, việc phát triển quỹ nhà ở loại này hiện còn rất hạn chế.
Tìm lời giải cho vấn đề này, Sở Xây dựng cũng đưa ra một phương án là tập trung ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân. Điều này đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền là điều kiện tiên quyết. Các doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của mình cũng cần quan tâm xây dựng các khu nhà ở cho người lao động theo hình thức miễn phí hoặc cho thuê giá thấp.
Theo Ngọc Thanh/Báo Hải Dương
End of content
Không có tin nào tiếp theo