Khám phá

Sự cố đứt cáp quang: Thiệt hại kêu ai?

Sau ba tháng từ sự cố gần nhất vào hồi tháng 9/2014, vào ngày 5/1/2015, lại tiếp tục xảy ra sự cố đứt cáp quang biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hoạt động của các khối cơ quan, DN… và hàng triệu khách hàng trong nước đang sử dụng Internet.


Ngày 5/1/2015 tiếp tục xảy ra sự cố đứt cáp quang biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hoạt động của các khối cơ quan, DN

 

Sự cố đã làm sụt giảm 40% dung lượng băng thông internet quốc tế từ VN đi Hong Kong (TQ), Mỹ, Singapore. Tất các các ISP Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT, SPT đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi sử dụng đường truyền của tuyến cáp này kết nối với quốc tế. Trước đó, vào năm 2014, sự cố cáp quang biển AAG cũng đã bị đứt 2 lần vào tháng 7 và tháng 9/2014.

Người tiêu dùng ngậm ngùi chịu thiệt

Theo thông tin vừa được đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia Gateway Pacific) gửi đến các nhà mạng trong nước, mối nối đầu tiên trong quá trình sửa chữa đoạn cáp quang bị đứt gần bờ biển Vũng Tàu đã được thực hiện lúc 18h16 ngày 17/1. Dự kiến, mối nối cuối sẽ được thực hiện lúc 11h16 phút ngày 22/1 và đúng 2 ngày sau đó, việc hàn nối được thực hiện xong, giúp khôi phục đường truyền. Tuy nhiên, công tác sửa chữa sẽ chỉ chính thức kết thúc vào 9h16 phút ngày 28/1.

Điều đáng nói là, kể từ khi cáp quang bị đứt đến nay, ngoài các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật về thời gian sẽ nối lại tuyến cáp quang, không có bất lể một “động thái” nào của nhà cung cấp dịch vụ đối với người tiêu dùng trước việc dịch vụ của mình bị gián đoạn, kéo dài.

Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet VN cho rằng, thiệt hại do sự cố đứt cáp gây ra có thể chia ra làm hai loại, đó là thiệt hại hữu hình và thiệt hại vô hình. Thiệt hại hữu hình là những chi phí sửa chữa, thuê băng thông để tăng dung lượng chuyển tải, đầu tư các thiết bị dự phòng cần thiết, sau khi xảy ra sự cố. Về cơ bản thì chi phí bảo dưỡng, sửa chữa chúng ta không bị mất mà chủ yếu do đơn vị khai thác đầu tư nước ngoài chịu trách nhiệm. Nhưng nhìn chung, những thiệt hại hữu hình đều có sự chuẩn bị dự phòng từ trước nên mức độ ảnh hưởng của nó chưa thực sự nặng nề. Trên thực tế, thiệt hại vô hình mới thực sự ảnh hưởng đến khách hàng. Mỗi khi có sự cố xảy ra, thì uy tín và thương hiệu của các ISP đều bị giảm sút, vì thế mà doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ cũng theo chiều hướng giảm. “Ảnh hưởng nặng nề hơn cả là người tiêu dùng vì họ gặp nhiều khó khăn để truy cập vào các trang web nước ngoài, trong đó một số dịch vụ thư điện tử đóng vai trò cực kì quan trọng trong giao dịch thương mại... Dường như một số hoạt động đều bị gián đoạn, trì trệ vì tốc độ tải tin, đăng nhập rất chậm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm mất thời gian và cơ hội công việc của người tiêu dùng” - ông Liên nhấn mạnh.

Thiếu cơ chế bù đắp thiệt hại


Trả lời báo chí về việc sự cố đứt tuyến cáp quang AAG ảnh hưởng đến hàng triệu khách hàng, nhà mạng có bồi thường hay không, ông Bùi Quốc Việt - giám đốc Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) - cho biết đây là sự cố bất khả kháng, xảy ra bất ngờ, theo quy định không phải bồi thường.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Ngô Bách Phong - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, các nhà cung cấp dịch vụ đều khẳng định sự cố này là bất khả kháng. Nhưng rõ ràng sự cố này gây ra những thiệt hại cho xã hội rất lớn, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh thông tin... Tuy nhiên, cơ chế nào đền bù thiệt hại này hiện vẫn chưa có tiếng nói chung. Cục Quản lý cạnh tranh, trực tiếp là bộ phận bảo vệ người tiêu dùng của cơ quan này, cần đưa ra các yêu cầu phù hợp, được thảo luận rộng rãi, thống nhất và thực thi vì đây là dạng thiệt hại chung của cả xã hội, không riêng đối với từng cá nhân hay nhóm người tiêu dùng xác định.

“Tôi cho rằng kể cả khi chưa có ai kiện cáo, yêu cầu bồi thường thiệt hại thì các cơ quan cung cấp dịch vụ cần có sự chủ động thực hiện chính sách bù đắp thiệt hại khi dịch vụ của mình bị gián đoạn, kéo dài. Một trong những trách nhiệm có thể làm, trong phạm vi quyết định của nhà cung cấp dịch vụ, là bù đắp bằng chính sách miễn, giảm cước phí. Đó là một trong những hình thức bù đắp khả thi đối với loại dịch vụ có tính đặc thù này” – ông Phong đề xuất

Chưa cần nói đến đề xuất của vị Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM có được các nhà cung cấp “lắng nghe, thấu hiểu và hành động” hay không, chỉ biết rằng, từ khi đưa cáp quang biển AAG vào hoạt động (tháng 11/2009) đến nay chưa đến 5 năm, mà liên tục gặp sự cố, tuy nhiên, chưa có bất cứ một lời xin lỗi, chứ chưa nói đến một hứa hẹn gì về việc bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng từ phía nhà cung cấp dịch vụ !

Diễn đàn Doanh nghiệp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo