Tin tức - Sự kiện

Sử dụng nguồn vốn ODA: Trách nhiệm của người đi vay

Dẫu hệ thống pháp luật của chúng ta đã được củng cố sửa đổi để tránh thất thoát, song cũng có một số nơi sử dụng chưa hiệu quả nguồn vốn ODA. Trao đổi với ĐĐK, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Gốc rễ chính là vấn đề quy hoạch và vay làm gì? đầu tư vào đâu?
ODA được sử dụng tốt sẽ tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế
 
PV: Ông nhận định như thế nào về việc sử dụng vốn ODA của chúng ta trong thời gian qua?
 
 
Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Nhìn chung thời gian qua chúng ta quản lý khá tốt. Ví dụ, tôi vừa đi Thái Nguyên thấy dự án nhiệt điện An Khánh có tổng vốn đầu tư rất lớn, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 20%, còn lại là vốn vay ưu đãi từ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Thời hạn vay trả nợ là 25 năm nhưng họ xác định chỉ 8 năm là có thể trả hết và thu hồi vốn. Có nhiều điểm sáng để khẳng định việc sử dụng vốn ODA có hiệu quả; nhưng vẫn có một số dự án khả năng bảo toàn vốn, và đảm bảo trả hết nợ khi đến hạn của chúng ta cũng chưa được tốt.
 
 
Vậy nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
 
 
-Về nguyên nhân đúng là có những lý do của thị trường, nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan do cơ chế quản lý chưa tốt, chưa hiệu lực, hiệu quả. Ở chỗ này chỗ khác vẫn còn tình trạng đầu tư chưa thật hiệu quả, khó khăn trong việc bảo toàn vốn.
 
 
Một trong những nguyên nhân chính là thỏa thuận trong hiệp định vay ODA. Nếu như hiệp định vay ODA mà quy định những điều kiện ràng buộc bất lợi cho phía nhà nước Việt Nam thì sẽ dẫn đến việc khó khăn trong bảo toàn vốn, cũng như dẫn đến hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn này và đảm bảo việc trả nợ khi đến hạn. Bởi vì một số dự án có những điều kiện quy định khắt khe dẫn đến phần lớn nhà thầu nước ngoài tham gia. Thứ hai là nguyên vật liệu mua của nước ngoài dẫn đến ảnh hưởng nữa là làm gia tăng chi phí một cách không hợp lý, ảnh hưởng đến hiệu quả của DN. Từ tình hình đó bây giờ đã giao trách nhiệm bảo toàn vốn, trách nhiệm trả hết nợ, rồi hiệu quả cho người sử dụng vốn. Những vấn đề đàm phán ký kết, rồi những điều khoản trong hiệp định vay thì chắc chắn sẽ có những thay đổi. Đó là giải pháp để chấn chỉnh củng cố thêm kỷ luật tài chính nhằm đảm bảo hiệu quả trong sử dụng vốn nói chung và vốn ODA nói riêng.
 
Ông Bùi Đức Thụ
 
 
Phía Nhật Bản từng cho biết sẽ cắt viện trợ ODA nếu chúng ta sử dụng không tốt. Vậy chúng ta cần có giải pháp gì, theo ông?
 
 
-Để sử dụng vốn ODA cho hiệu quả, vừa qua Việt Nam đã sửa đổi một loạt các quy định, rà soát, chấn chỉnh lại trong khâu quản lý điều hành. Về phía hệ thống pháp luật thì chúng ta có Luật Đầu tư công, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh. Tới đây Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), Luật Kế toán (sửa đổi) cũng sẽ tăng cường hiệu lực hiệu quả của các nguồn lực trong nền kinh tế, đặc biệt là các nguồn lực tài chính công. Còn về quản lý điều hành thì vừa qua cũng đã chấn chỉnh từng bước, giao rõ quyền gắn liền với trách nhiệm của người quyết định đầu tư và người thực hiện. Tôi tin đó sẽ là những bước chuyển lớn.
 
 
Vậy, phải giám sát việc sử dụng vốn ODA như thế nào để tránh thất thoát, thưa ông?
 
 
-Để đảm bảo sử dụng vốn ODA hiệu quả, trách nhiệm đầu tiên thuôc về người được giao quản lý sử dụng vốn ODA. Bởi giám sát chỉ là yếu tố bên ngoài, nếu không mỗi dự án chúng ta cứ cặp kè giám sát thì sẽ dẫn tới quá tải đối với cơ quan giám sát, thậm chí làm khó khăn trong triển khai dự án. Bên cạnh đó giám sát của ta phát hiện vấn đề chưa được hết, nhiều khi hiệu quả giám sát chưa được cao. Vì thế tôi cho rằng, quan trọng nhất là người đi vay phải chịu trách nhiệm về việc bảo toàn vốn, thu hồi vốn để thanh toán nợ. Còn cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra là những thiết chế xã hội cần thiết để hỗ trợ.
 
Cầu Nhật Tân hiện đại với việc sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả
 
 
Đó là trước mắt, vậy về lâu dài giải pháp căn cơ là gì, thưa ông?
 
 
-Căn cơ của việc sử dụng vốn ODA chính là phải xác định trong điều kiện Việt Nam hiện nay huy động nguồn lực ngoài nước vẫn là chủ trương lớn. Bởi vì tích lũy nội bộ trong nền kinh tế rất thấp. Trong khi nhu cầu để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế của chúng ta rất lớn mà điều kiện tích lũy nội bộ của chúng ta đang thấp. Thứ hai là làm thế nào để sử dụng có hiệu quả vốn ODA thì căn cơ gốc rễ chính, đầu tiên phải có quy hoạch. Vay làm gì? đầu tư vào đâu? ưu tiên vào những lĩnh vực nào cần thiết thực sự cấp bách, ưu tiên những nút thắt của nền kinh tế. Ngoài ra phải đổi mới cơ chế quản lý theo hướng phân cấp phân quyền. Anh nào sử dụng vốn ODA phải tự chịu trách nhiệm từ khâu tham gia đàm phán, ký kết, rồi giải ngân triển khai thực hiện và quyết toán cũng như thu hồi vốn để trả nợ.
 
 
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Đại đoàn kết
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo