Tin tức - Sự kiện

Sửa Hiến pháp: “Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội”

“Tôi nhận thức rằng sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử, hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa 13 đã làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc, mà dân tộc ta có trí nhớ rất dai”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) kết thúc phát biểu tại phiên thảo luận ngày 5/11.

 Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM).

Đa số các vị đại biểu đăng đàn đều bày tỏ “cơ bản nhất trí” với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Những vấn đề từng là tâm điểm chú ý của dư luận như đổi tên nước, vai trò lãnh đạo của Đảng, chế độ sở hữu, trưng cầu dân ý hay vai trò chủ đạo của nền kinh tế… cũng vẫn được nhắc đến nhưng đã không còn ý kiến nhiều chiều mà đều cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình.

Các vấn đề tiếp tục được góp ý để hoàn thiện liên quan nhiều đến quy định về Quốc hội, thu hồi đất, chính quyền địa phương…

Một trong những nội dung cần được xem xét thêm, theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) là kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Đây là điểm mới, tiến bộ rõ của dự thảo Hiến pháp lần này, đại biểu Đáng nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông Đáng cho rằng, vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp chưa được thể hiện rõ nét trong nhiều chương, điều của dự thảo. 

Trong chương 7, điều 94 có quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội thì mặc nhiên nói rằng không có sự kiểm soát của hành pháp với lập pháp, ông Đáng phân tích.

Đại biểu Đáng đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp bổ sung các quy định cụ thể về sự kiểm soát nguồn lực giữa các cơ quan nhà nước trong các chương, điều về Chủ tịch nước, Chính phủ, tòa án... Dù “biết đây là công việc hết sức khó khăn và phức tạp, tuy nhiên là việc nên làm”.

Việc bổ sung một số thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khiến một số vị đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) góp ý, việc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền lãnh đạo công tác của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội là đã hành chính hóa bộ máy của Quốc hội. Dễ làm hạn chế tính đại diện, tính độc lập, chủ động của các cơ quan của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội. 

Ông Hùng đề nghị giữ như quy định của Hiến pháp hiện hành là "Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội". 

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị cân nhắc không nên sử dụng từ “ổn định” tại khoản 2 điều 55: Nhà nước đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền quốc gia. 

Bởi, trong thực tế thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc nhà nước xây dựng và thực hiện một số giải pháp chính sách cần thiết trong một số hoàn cảnh, bối cảnh nhất định như điều chỉnh tỷ giá, như đặt ra và thực hiện các chỉ số về lạm phát, mục tiêu... ít nhiều có thể ảnh hưởng đến sức mua, đến giá trị của đồng tiền dù là sự ảnh hưởng có kiểm soát và có thể chỉ là ngắn hạn. 

Do đó, nếu đặt ra quy định về đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền có thể gây nhiều tranh luận pháp lý và đặt ra câu hỏi về sự phù hợp của các chính sách, giải pháp dù rất cần thiết nói trên với quy định của Hiến pháp. 

Không nên quy định quá cứng về việc ổn định giá trị đồng tiền để thuận lợi cho việc mở rộng biên độ và thực hiện linh hoạt các chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ, chủ động điều chỉnh linh hoạt trạng thái mức độ mạnh hay yếu của đồng tiền nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại, thu hút đầu tư, đại biểu Hương đề nghị.

Bên cạnh góp ý vào một số quy định câu chữ cụ thể, một số vị đại biểu cũng gửi gắm kỳ vọng vào công việc lịch sử: lập hiến, mà không phải Quốc hội khóa nào cũng được trao.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, trong những kỳ họp qua, Quốc hội đã bàn nhiều về giải pháp cho tình hình chung của đất nước. Không ít ý kiến cho rằng nếu không có những giải pháp toàn diện và đột phá thì tình hình đất nước không thể chuyển biến tích cực một cách căn bản. Nguyên nhân có nhiều trong đó có nguyên nhân là công cuộc đổi mới thể chế và luật pháp đã chậm bước so với nhu cầu của đất nước. 

"Việc đổi mới chính trị đã không đồng bộ và không theo kịp với đổi mới kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng 11 đã nêu, nhân dân đặc biệt quan tâm, góp ý và chờ đợi những thay đổi trong đó có 3 nội dung lớn cần đổi mới, đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, đổi mới thành phần kinh tế nhà nước và đổi mới pháp luật đất đai", ông Nghĩa nói.

Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, không ít ý kiến cử tri cho rằng Hiến pháp (sửa đổi) chính là giải pháp của mọi giải pháp. Trên tinh thần đó vừa qua các tầng lớp nhân dân đã phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức dân chủ, tầm trí tuệ và văn hóa để đóng góp xây dựng Hiến pháp sửa đổi.

Bởi thế, theo ông, “nếu việc sửa đổi Hiến pháp lần này không đạt được yêu cầu đó, chúng ta không tiếp thu được những tinh hoa trí tuệ mà nhân dân đã đóng góp mà còn bỏ lỡ cơ hội đưa công cuộc đổi mới lên một tầm cao mới, tạo động lực cho đất nước thoát nguy cơ tụt hậu, tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới”.

Dẫn lời nhà thơ lớn Nguyễn Du: "Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" với nỗi băn khoăn hậu thế 300 năm sau có nhớ đến mình, đại biểu Nghĩa cũng tâm tư  hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa 13 như thế nào với vai trò lịch sử được trao là sửa Hiến pháp.

VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo