Sửa Luật Cư trú: “Việc gì mà phải cấm?”
Một trong các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật này, theo tờ trình của Chính phủ là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú. Tuy nhiên quan ngại các điều sửa đổi bổ sung lại có thể đẩy khó cho dân được thể hiện ở đa số ý kiến.
Chỉ gồm hai điều, dự thảo luật chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; về xóa đăng ký thường trú; về thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; về đăng ký tạm trú; về lưu trú và thông báo lưu trú.
Theo đó, trong một số hành vị bị nghiêm cấm có quy định nghiêm cấm ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động nhưng thực tế người này không làm việc tại doanh nghiệp đã ký hợp đồng đó, hoặc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để người này nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương.
Dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm cả điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của hội đồng nhân dân thành phố và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Người xuất cảnh từ 2 năm trở lên sẽ bị xoá đăng ký thường trú cũng là điểm mới của dự luật.
Tuy nhiên, những điểm mới này đều chưa nhận được sự đồng thuận cao của cơ quan thẩm tra bởi sẽ hạn chế quyền của công dân.
Một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự án luật chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật mà chủ yếu tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu quan điểm của một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra.
Chỉ ra vô số những phi lý của một số việc liên quan đến “cấm, cắt, xóa” tại dự thảo luật như đã nêu trên, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu không được dùng luật này làm căn cứ cấm dân thế này thế kia.
“Tôi là dân Việt Nam thì tôi muốn ở đâu trên đất Việt Nam thì tôi ở, tôi không đăng ký hộ khẩu tôi vẫn ở thì anh có cấm được tôi không, vì thế lẽ ra anh phải khuyến khích tôi đăng ký cho anh quản lý thì anh lại cấm đoán mọi thứ”, ông Hùng nói.
"Can cớ gì mà cấm ký hợp đồng lao động, lý do gì mà đi ra nước ngoài ông xóa đăng ký thường trú, tôi đi nước ngoài nhưng quốc tịch Việt Nam vẫn đó thì xóa thế nào được?", Chủ tịch đặt câu hỏi. Ông cũng yêu cầu không chỉ đảm bảo quyền tự do cư trú mà còn đồng thời phải đảm bảo cả quyền học tập, chữa bệnh… cho dân.
Đồng tình với ý kiến của ông Hùng, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh nhiều quy định tại dự luật chỉ tạo thuận lợi cho quản lý, gây khó khăn cho dân và “nhiều vấn đề rất là nặng nề”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng đăng ký thường trú đây là quyền cơ bản của con người, là quyền bất khả xâm phạm. Đăng ký thường trú và thường trú là hai vấn đề khác nhau, đi công tác nước ngoài hai năm mà xóa thì thành ra công dân không có nơi thường trú à, như vậy là không thấy gốc vấn đề, phải xem kỹ lại hai vấn đề này, ông Hiện “phê”.
Thêm một lần phát biểu, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lưu ý phải rà soát lại toàn bộ để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân và sau khi thông qua Hiến pháp không phải làm lại. Chỉ đưa ra điều kiện chứ không được cấm đoán quyền cư trú của công dân, “việc gì mà phải cấm, phải xóa, phải cắt, phải dùng cách văn minh lịch sự để người dân cảm thấy dễ chịu”, ông yêu cầu.
Tự do cư trú là quyền hiến định, nhà nước phải tạo điều kiện cho dân thực hiện quyền này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chốt lại phiên thảo luận.
Sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm vào tháng 5 tới đây.
C.D (Theo Vneconomy)
End of content
Không có tin nào tiếp theo