Phân tích

Sức cạnh tranh tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm

(DNVN) - Theo nhận định của đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản (Vasep), hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thủy sản nắm thời cơ để tận dụng và gia tăng nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.

Với Tuyên bố Kuala Lumpur, Cộng đồng ASEAN nói chung và cộng đồng Kinh tế ASEAN nói riêng sẽ chính thức hình thành vào ngày 31/12/2015 mở ra không ít cơ hội và thách thức đối nền kinh tế các nước.

Cộng đồng kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC (Asean Economic Community), kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người, được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này cạnh tranh hiệu quả hơn với hai nền kinh tế lân cận Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngành thủy sản sẽ có nhiều cơ hội khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được 10 nhà lãnh đạo ASEAN ký tuyên bố chính thức vào sáng 22/11 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia - cũng là một phần của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community) rộng lớn hơn, là một trong 3 “cột trụ” của Cộng đồng ASEAN bên cạnh hai cột trụ về chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo áp lực cạnh tranh gay gắt cho các sản phẩm đặc biệt là sản phẩm thủy sản và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp nào sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, được người tiêu dùng lựa chọn thì sẽ đứng vững và phát triển. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ không có chỗ đứng, bị đào thải và dẫn tới phá sản.

Đánh giá tác động của AEC đối với nền kinh tế chung của Việt Nam, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản (Vasep) cho biết, AEC hình thành sẽ tạo ra thị trường chung, không còn rào cản hàng hóa, dịch vụ, vốn... Hàng hoá ở các nước thành viên ASEAN sẽ có mức thuế ưu đãi như nhau, khi đó sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Vasep dự báo năm 2016, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên, cao hơn nhiều nước khác trong khu vực. Cụ thể, GDP trung bình của Đông Á là 6,1%, Việt Nam sẽ đạt 5,8%, chỉ xếp dưới Philippines (6,5%), còn lại là trên Thái Lan (4%), Indonesia (5,6%), Malaysia (5%)...

Đối với riêng ngành thủy sản, đại diện Vasep cho biết, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thủy sản nắm thời cơ để tận dụng và gia tăng nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới. 

 

Theo Vasep, giá trị xuất khẩu thủy sản sang ASEAN tăng trưởng 5-10%/năm. Trong đó, tính riêng 10 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị XK thủy sản Việt Nam trong khu vực tăng 33,6% so với 5 năm trước: Cá các loại khác (thuộc mã 0301 đến 0305 và 1604 trừ cá ngừ cá tra) có giá trị XK lớn nhất đạt gần 170 triệu USD, tăng 112% so với năm 2011; giá trị XK cá ngừ cũng đạt 31,7 triệu USD, tăng gần 57%; nhuyễn thể (mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ) cũng tăng 8,7%.

Vừa là thị trường XK lớn những cũng là nguồn cung truyền thống, chất lượng tốt. 9 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị NK thủy sản từ ASEAN đạt 87,7 triệu USD, giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các thị trường nguyên liệu khác như: Ấn Độ, Đài Loan, Peru, ASEAN là nguồn cung lớn của các nhà NK tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc Việt Nam.

Cũng theo Vasep, trong 9 thị trường xuất khẩu trong khu vực, Thái Lan là đối tác đặc biệt quan trọng của khách hàng thủy sản Việt Nam. 10 tháng đầu năm 2015, giá trị XK thủy sản sang Thái Lan đã chiếm đến 44,2% tổng giá trị XK sang cả ASEAN, tiếp đó là thị trường Singapore, Malaysia và Philippines.

Nằm trong mối quan hệ láng giềng vừa hợp tác nhưng cũng nhiều cạnh tranh, Thái Lan và Việt Nam là hai nguồn cung hàng đầu thủy sản cho thế giới. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, sức cạnh tranh của các DN thủy sản Việt Nam thường yếu hơn so với các nước trong khu vực, nguyên nhân chủ yếu là do thuế NK cao, các chính sách pháp luật của Thái Lan, Singapore cũng thuận lợi hơn cho hoạt động NK nguyên liệu để XK.

Thành lập ACE là một bước tiến mới và quan trọng trong tiến trình hợp tác kinh tế của cộng đồng ASEAN, lợi thế cạnh tranh sẽ tốt hơn khi các DN thủy sản được hưởng chung một môi trường kinh tế thương mại bình đẳng và thuận lợi. 

 

Tuy nhiên, sự cạnh tranh cũng nâng lên một tầm mới, trong đó, nhiều đối tác láng giềng, trong đó có Thái Lan đang là “đối thủ” nặng ký vì Chính phủ nước này kiểm soát rất tốt hoạt động sản xuất nguyên liệu ngay từ đầu vào của sản phẩm trước khi đến nhà máy có công suất chế biến lớn gấp nhiều lần các DN thủy sản Việt Nam.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo