Tin tức - Sự kiện

Suy ngẫm về chính sách biển đảo và bảo vệ ngư dân

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên - môi trường) đề xuất dành Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam để cùng nhau suy ngẫm về các chính sách biển đảo, về chính sách hỗ trợ và bảo vệ ngư dân bám biển.

(tto) Ông Hồi nói:

- Vừa qua, tôi có nghe một số đại biểu Quốc hội lên tiếng về những khó khăn của ngư dân, về chuyện Trung Quốc “cấm biển” khiến ngư dân bức xúc. Tôi nghĩ những vấn đề đó đều không mới, vấn đề là chính sách của chúng ta chưa mới.

* Ông đã nghe về chuyện ngư dân còn khó khăn. Vừa qua có đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu Việt Nam có 4 triệu ngư dân đánh bắt cá trên các vùng biển, những ngư dân này vẫn còn nhiều khó khăn về tàu bè nhỏ bé, phương tiện đánh bắt thô sơ, lạc lậu. Tại sao chúng ta có chính sách hỗ trợ ngư dân mà ngư dân vẫn còn khó khăn, thưa ông?

- Vấn đề thứ nhất tôi muốn nói là việc tuyên truyền về biển đảo, về chủ quyền trên biển phải làm thường xuyên nhưng phải có sự thay đổi, đừng làm theo cách mỗi năm chỉ có vài ngày rộ lên về biển đảo. Hiện nay ai cũng biết trên đại dương và ở biển Đông đang có bao điều nóng hổi. Giữa những vấn đề nóng bỏng đó thì ngư dân có khó khăn gì?

Theo tôi, chúng ta mới chỉ mạnh về tuyên truyền đối nội, nhưng tuyên truyền đối ngoại về biển đảo còn mờ nhạt. Thế giới đã chọn ngày 8-6 là ngày đại dương thế giới, mỗi năm có một chủ đề. Với riêng Việt Nam, khi nói đến biển, với tư cách là một quốc gia ven biển, theo công ước và các điều ước quốc tế, ngư dân của chúng ta có quyền hưởng thụ cả ở ngoài đại dương chứ không chỉ trong phạm vi chủ quyền ở biển đông. Vậy nhưng có bao nhiêu ngư dân đã biết được điều đó?

Vì vậy, từ việc tuyên truyền đến chính sách tôi nghĩ có phần nào chưa trúng với thực tiễn. Tại sao chúng ta không biến Tuần lễ biển và hải đảo thành cơ hội để nhìn nhận tư tưởng của thế giới, để lồng ghép vào chính sách của quốc gia về các vấn đề đang diễn ra trên biển. Chúng ta làm chậm thì ngư dân vẫn sẽ còn khó khăn. Phải thật sự đột phá để chính sách trở thành “bà đỡ” với ngư dân, có vậy ngư dân bám biển mới trở thành một lực lượng.

* Tức là phải có chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi, phải có các lực lượng bảo vệ để ngư dân tự tin bám biển?


- Nói vậy cũng đúng. Điều đầu tiên phải hiểu ngư dân khác với nông dân. Đặc thù của ngư dân là họ “canh tác” ở xa nơi cư trú. Khi họ bước chân xuống thuyền là phải chấp nhận trao cuộc đời cho cánh buồm, nhưng bản thân họ luôn là những con người kiên cường, bất khuất. Họ là lực lượng dân sự hiện diện trên biển và hoạt động rộng khắp trên các vùng biển. Sự hiện diện của ngư dân là sự hiện diện về chủ quyền, vì vậy ngoài vai trò làm kinh tế, ngư dân còn có vai trò góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền. Ví như khi có chiến tranh, ngư dân sẽ phải là một lực lượng trên biển.

* Phát biểu mới đây, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh có nói đang thí điểm cho ngư dân vay 70-80% vốn đóng tàu với lãi suất 3%. Theo ông, để ngư dân bám biển, nếu chỉ cho vay đóng tàu liệu có đủ giúp ngư dân tự tin trên biển?

- Tôi nghĩ ý của Phó thủ tướng muốn nói đã có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu với lãi suất thấp. Tuy nhiên, tôi nghĩ trong chính sách hỗ trợ ngư dân phải rõ về mục đích. Nếu hỗ trợ ngư dân làm kinh tế, tức là khi ngư dân vay vốn phải có kế hoạch làm ăn có lãi, chỉ với việc cho vay với lãi suất thấp là chưa đủ. Tôi xin nói với ngư dân, khi muốn họ bám biển thì việc hoạch định chính sách hỗ trợ họ phải làm rất nghiêm túc. Sự nghiêm túc là cần phải nhìn nhận hết vai trò của ngư dân, họ đâu chỉ đi làm kinh tế, họ ra khơi còn với nhiệm vụ khẳng định chủ quyền trên biển. Vậy tại sao chính sách của chúng ta chỉ tính tới việc hỗ trợ họ làm kinh tế, tại sao không có chính sách cho vay không lãi suất nhưng có chọn lọc đối tượng vay?

 Hiện nay đa số ý kiến nói ngư dân mình chủ yếu đánh bắt nhỏ lẻ, vì thế không nên thống nhất một khái niệm ngư dân, mà cần phân rõ ngư dân nhỏ lẻ và ngư dân “tập đoàn”. Từ đó, dùng chính sách đầu tư cho một số mô hình ngư dân đánh bắt xa bờ. Phải có chính sách hỗ trợ ngư dân giỏi, những ngư dân dám đầu tư đánh bắt xa bờ. Chỉ cần hỗ trợ vốn trúng đối tượng thì những mô hình ngư dân mạnh trên biển sẽ càng mạnh thêm, họ sẽ trở thành một đội hình trên biển. Ngoài ra cần có chính sách rõ về sử dụng các lực lượng cùng ngư dân ra khơi.

* Vậy để ngư dân tự tin ra khơi, ông có đề xuất gì về chính sách?


- Hiện nay chúng ta đã có Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam là hoạt động thường niên từ ngày 1 đến 8-6. Cá nhân tôi mong muốn đây là tuần lễ không chỉ thuần túy tuyên truyền về chủ quyền biển đảo hay ý thức về chủ quyền biển đảo. Tôi đề nghị nên dành tuần lễ này làm khoảng thời gian để các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách ngồi lại với nhau. Cùng tổ chức các diễn đàn, hoặc tổ chức những hội nghị bàn tròn về các vấn đề về biển đảo. Tại sao chúng ta không biến tuần lễ này là dịp để cùng nhau suy ngẫm, tổng kết, nhìn nhận lại chính sách về biển đảo, nhìn nhận lại chính sách về hỗ trợ ngư dân và bảo vệ ngư dân bám biển? Tại sao chúng ta chưa biến tuần lễ này là cơ hội đánh giá hiệu quả của chính sách đang triển khai?

Nếu mỗi năm ít nhất có một tuần làm công việc suy ngẫm, xem lại những chính sách nào tốt, cái nào phát huy được thì nâng tầm lên, mở rộng ra. Chính sách nào chưa được thì điều chỉnh, ít nhất không để kéo dài những chính sách lạc hậu, không để thiếu hụt những chính sách cần thiết.

Nếu mỗi năm chúng ta có một tuần với những sự kiện, hoạt động thiết thực như thế, không chỉ dừng lại ở việc mít tinh, phát biểu, khi đó vấn đề thiêng liêng về tuyên truyền chủ quyền biển đảo sẽ thấm vào các giai tầng xã hội. Khi đó biển đảo không chỉ là tình yêu mà còn là tinh thần tự giác và trách nhiệm. Khi đó việc bám biển của ngư dân sẽ bớt khó khăn.

 

 

Xuân Long

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo