Tác động từ quyết định giảm lãi suất
Nhìn chung, các động thái giảm mặt bằng lãi suất đã có tác động tích cực, củng cố niềm tin của các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, lãi suất cho vay không thể giảm nhanh như mong đợi, mà phải có độ trễ nhất định.
Ngày 25/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 643/QĐ-NHNN về việc giảm các mức lãi suất chủ chốt thêm 1%; ban hành Thông tư số 08/TT-NHNN giảm 0,5% trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng (8%/năm xuống 7,5%/năm), lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên sẽ do các tổ chức tín dụng (TCTD) tự ấn định trên cơ sở cung cầu vốn trên thị trường. NHNN cũng ban hành Thông tư số 09/TT-NHNN giảm 1% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 11%/năm.
Đây là bước tiếp theo trong gói giải pháp tổng thể, từng bước tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng 2, trong khi nhu cầu tiêu dùng yếu, hàng tồn kho còn nhiều và doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn.
Ngay từ ngày đầu tuần, một số TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi dưới 1 năm về mức 7-7,5%, giảm lãi suất tiền gửi trung dài hạn xuống 10,5%/năm từ mức 11-12%/năm trước đây.
Nhìn chung, các TCTD đã có nhiều nỗ lực trong việc hạ lãi suất huy động, tính toán các mức lãi suất theo hướng ưu tiên tiền gửi dài hạn, làm cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình cho vay quy mô lớn với lãi suất ưu đãi đã được triển khai nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 21/3 đã tăng 0,31% so với cuối tháng trước, riêng tín dụng VND tăng 0,69%.
Chỉ đạo của NHNN và động thái của các TCTD về việc giảm lãi suất diễn ra theo tín hiệu thị trường, nổi bật là diễn biến lạm phát. NHNN đã tính toán cụ thể qui mô và mức độ can thiệp cần thiết, tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế đang ở trong tình trạng khó khăn, nếu hạ lãi suất dưới mức lạm phát hay đánh thuế tiền gửi sẽ gây tác hại về tâm lý, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng rút tiền ồ ạt như đang xảy ra tại Cộng hòa Síp.
Hơn nữa, nếu có đánh thuế tiền gửi tiết kiệm cũng không dễ hướng được dòng tiền vào sản xuất kinh doanh, người gửi tiền sẽ tính toán chuyển một phần tiền gửi sang vàng và ngoại tệ.
Về phía NHNN, hạ mặt bằng lãi suất xuống mức nào là vấn đề phải được cân nhắc kỹ lưỡng, sau khi đã liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất chủ chốt trong thời gian rất ngắn. Việc cho phép các TCTD tự ấn định lãi suất tiết kiệm dài hạn cũng nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời giúp các TCTD tái cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng dần tỷ trọng tiền gửi dài hạn, qua đó sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn trung dài hạn của nền kinh tế.
Nhìn chung, các động thái giảm mặt bằng lãi suất đã có tác động tích cực, củng cố niềm tin của các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, lãi suất cho vay không thể giảm nhanh như mong đợi, mà phải có độ trễ nhất định do tăng trưởng tín dụng quá nóng trong thập kỷ qua với phần lớn lượng vốn đổ vào thị trường bất động sản, khiến lãi suất và lạm phát cùng song hành đi lên.
Tín hiệu khả quan là thị trường tài chính đã có dấu hiệu khởi sắc, hệ thống ngân hàng vẫn ổn định, an toàn và đang có xu hướng phát triển bền vững. Với dấu hiệu tích cực này, cộng với nỗ lực của các TCTD trong việc phối hợp cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hy vọng từ quý 2/2013, tín dụng sẽ tăng trở lại, góp phần tích cực cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm nay.
Mặc dù hệ thống ngân hàng có tác động rất lớn đến nền kinh tế thông qua hoạt động tín dụng, nhưng lãi suất cho vay rất khó giảm tương ứng với lãi suất huy động do nhiều khoản nợ cũ với lãi suất cao vẫn chưa được xử lý. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng thời của các cơ quan quản lý, nhất là Chính phủ. Gần đây, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tiến hành giảm một số mức thuế suất và đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu yếu và kéo dài suốt từ cuối năm 2010 đến nay, Chính phủ cần tạo nhu cầu dài hạn cho nền kinh tế theo hướng khởi động lại các gói kích cầu để tăng tiêu dùng và đầu tư, có chính sách bù đắp một phần lãi suất đối với những khoản vay được các ngân hàng tiến hành giãn nợ và khoanh nợ, trước hết là đối với những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và công nghệ tiên tiến nhưng do hàng tồn đọng nên chưa dám mở rộng sản xuất kinh doanh.
Về tổng thể, các biện pháp chính sách của Chính phủ và của NHNN có tầm nhìn dài hạn, cơ sở để tin tưởng rằng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phục hồi nhanh, nền tảng kinh tế vĩ mô sẽ phát triển bền vững trong thời gian tới.
TS. Hoàng Thế Thỏa
Theo VGPNews
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản
Cột tin quảng cáo