Không tưởng
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong quý II/2014, thu nhập bình quân/tháng (bao gồm tiền lương/tiền công, các khoản có tính chất lương và phúc lợi khác) từ việc làm chính của lao động làm công ăn lương là 4,6 triệu đồng, giảm 0,2 triệu đồng so với quý I.
Trong đó, thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động nữ thấp hơn lao động nam. Tuy nhiên, khoảng cách giảm nhẹ (95% so với 92% của quý I) và thu nhập của lao động nông thôn thấp hơn lao động thành thị.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, thu nhập bình quân tháng của lao động nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản vẫn thấp nhất (3 triệu đồng/tháng), trong khi nhóm ngành công nghiệp xây dựng 4,3 triệu đồng/tháng và cao nhất là dịch vụ với 5,2 triệu đồng/tháng.
Thu nhập bình quân tháng của nhóm lãnh đạo cao nhất với 7,7 triệu đồng; nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao 6,5 triệu đồng và thấp nhất là nhóm lao động giản đơn 3 triệu đồng.
Đáng lưu ý, cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, thu nhập bình quân của lao động các ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và kinh doanh bất động sản (BĐS) cao nhất với 8,1 và 7,6 triệu đồng, cũng là các ngành có mức tăng nhiều nhất so với quý IV năm ngoái.
“Điều này phù hợp với nhận định về sự phục hồi (hay ấm lại) của thị trường BĐS”, Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Bình luận về mức thu nhập trung bình 7,6 triệu đồng do Bộ LĐ-TB&XH công bố, ông Trần Quang Chất - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty CP Đầu tư và kinh doanh BĐS Hà Nội Sông Hồng khẳng định: “7,6 triệu đồng/tháng cho nhân viên kinh doanh BĐS là không tưởng trong bối cảnh ảm đạm hiện nay”.
Theo ông Chất: “Tôi biết, có doanh nghiệp thuộc tổng công ty nhà nước đang khởi động lại dự án với số vốn bị đội vài trăm tỷ đồng. Lương nhân viên khoảng 3 triệu đồng/tháng và 3 tháng mới trả một lần”.
Ông Nghiêm Văn Bang, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) thẳng thắn: “Số liệu này quá lạc quan đối với lĩnh vực BĐS. Hiện, nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình để trả lương nhân viên, đảm bảo dự án đúng tiến độ và không bị đội vốn”.
Theo ông Bang, hiện thu nhập trung bình của nhân viên khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Chưa kể nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang nợ bảo hiểm xã hội hàng trăm tỷ đồng, nợ lương nhân viên nhiều tháng không trả.
Còn ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Cty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera, nói: “Ít doanh nghiệp đạt mức lương này”.
Nghi ngờ độ xác thực
Ngày 16/9, trao đổi với Tiền Phong, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, số liệu của Bộ LĐ-TB&XH công bố chỉ ở mức tương đối, khó chính xác. Theo đó, vấn đề là lấy mẫu để điều tra thế nào. “Đa số các dự án BĐS đang chết toi, lấy đâu ra lương để trả cho nhân viên”, ông Chính nói.
Theo ông Chính, ngay với các ngân hàng thương mại, mức thu nhập bình quân cũng giảm so với trước đây. Nhiều ngân hàng nhỏ đang rất khó khăn; thậm chí nhân viên còn chủ động viết đơn xin nghỉ việc. Nếu mẫu điều tra là “Tốt” - “Trung bình” - “Xấu” sẽ cho ra kết quả khác; còn nếu chỉ căn cứ vào người thu nhập “Tốt” rồi đưa ra mức trung bình sẽ cho kết quả cao hơn so với thu nhập thực tế.
“Trong một ngân hàng, thu nhập của tổng giám đốc có thể lên vài trăm triệu đồng. Do đó, khi điều tra phải tính mức bình quân thế nào cho hợp lý”, ông Chính nói.
Một chuyên gia lâu năm về lương (xin giấu tên) cho biết, công thức để tính mức thu nhập của lao động làm công ăn lương không khó. Chẳng hạn với một doanh nghiệp, theo quy định, lấy tổng quỹ lương cả năm (12 tháng) chia cho tổng số lao động năm đó sẽ ra mức thu nhập bình quân của mỗi người.
Theo chuyên gia này, khi lấy mẫu để điều tra mức thu nhập bình quân của người làm công ăn lương, Bộ LĐ-TB&XH có áp dụng đúng như vậy với mọi trường hợp hay không. Tuy nhiên, dù lấy mẫu đúng như vậy, cũng khó có số liệu chính xác so với thực tế. “Do đó, số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ để tham khảo, chưa khoa học. Thậm chí, tôi nghi ngờ độ xác thực của các số liệu này”, vị chuyên gia nói.
Mới đây, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Lan Hương nói như sau về tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam: “Người nước khác mất việc là không có việc gì làm, Việt Nam thì ngược lại. Mất việc họ có thể đi chạy xe ôm, gánh rau lên chợ, như thế không tính thất nghiệp mà là thiếu việc làm, thu nhập thấp”. Bà Hương còn nói: “Từ xưa đến nay, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam chỉ giảm, không tăng mấy, tăng chẳng qua có nhiễu động, nhưng về cơ bản vẫn thế - xuống dần”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo