Nguy cơ xuất hiện phân chủng cúm mới có động lực cao
Tại hội nghị tổng kết hoạt động phòng, chống dịch khu vực phía Nam năm 2011 do Viện Pasteur TP.HCM tổ chức mới đây.
Ông Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng viện này, đã cảnh báo sáu loại dịch bệnh nguy hiểm cần chú ý trong năm 2012, trong đó có khả năng xuất hiện dịch cúm do chủng S-Otr A/H3N2 (sự kết hợp H3N2 + H1N1, lây từ người qua người). Ông San đề nghị cần tổ chức điều tra và xử lý triệt để những ca cúm S-Otr A/H3N2 (nếu có), cũng như cúm A/H1N1, A/H5N1…
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam đã có ca nhiễm cúm A/H3N2 từ heo đầu tiên và đã điều trị khỏi từ tháng 4/2011.
Ngày 16/2, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, cho biết virus cúm mùa H3N2 thuộc họ virus cúm A, là tác nhân quan trọng gây bệnh cúm mùa. Virus cúm H3N2 có thể trao đổi gien với một số phân chủng virus cúm A khác (H1N1, H2N2, H2N3, H5N1, H5N2,…) tạo ra phân chủng mới có độc lực cao hơn, ví dụ phân chủng S-Otr A/H3N2.
Theo BS Siêu, virus cúm H3N2 có nguồn gốc từ chim và động vật có vú (bao gồm heo). Cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ Đông Nam Á, gây bệnh dịch ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Canada, Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Do chủng virus này dễ biến đổi cấu trúc nên gây nhiều lo ngại có thể trở thành bệnh dịch nguy hiểm cho người mặc dù hiện tại cúm mùa H3N2 chỉ là bệnh nhẹ và còn nhạy cảm với thuốc kháng virus hiện nay là Oseltamivir. Do tính chất hay biến đổi nên hiện bệnh vẫn chưa có vaccine phòng ngừa.
Chủng virus cúm mùa H3N2 vừa phân lập được từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh là chủng cúm A/H3N2, có khả năng biến đổi so với các năm trước. Trước tình hình đó, việc phòng, chống bệnh tránh lây lan trong cộng đồng là điều hết sức quan trọng.
Đường lây truyền bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp giữa người với heo bị bệnh khi chăm sóc hoặc giết mổ heo bệnh. Nếu virus bị biến đổi cấu trúc, không loại trừ virus có khả năng lây truyền từ người sang người. Người bị cúm mùa sẽ có triệu chứng sốt, ho nhẹ, chảy nước mũi, nếu diễn tiến khó thở nhanh phải nhập viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
“Chúng ta phải có ý thức phòng bệnh, cụ thể như không giết mổ hoặc chăm sóc trực tiếp heo bệnh, có dấu hiệu chảy nước mũi, biếng ăn… Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang sốt, ho, chảy mũi. Khi tiếp xúc gần phải mang khẩu trang. Không nên mua thịt heo chưa rõ nguồn gốc, chế biến không chín… Phải báo y tế địa phương khi thấy heo bị bệnh hàng loạt để có biện pháp xử lý kịp thời” - BS Siêu khuyến cáo.
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo