Tin tức - Sự kiện

Thất nghiệp, cử nhân ra phố hát rong

Ra trường, thất nghiệp, những cử nhân này đã dấn thân vào nghề hát rong vạ vật đường phố là. Họ cũng phải học bài bản và tuân thủ "luật chơi" nghiêm túc khi kiếm ăn bằng cái nghề mua vui cho thiên hạ này.

Hát rong cũng có “luật chơi”

Chúng tôi đến ngôi nhà tại phố Hàm Dương, Tây Hồ, Hà Nội, là nơi được những thanh niên trai tráng trong nhóm hát rong đường phố chọn làm chỗ ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt. Anh em thường ngủ vào ban ngày để chiều và tối đi “kiếm ăn”.

Sau hai ngày “nhập vai”, xin được gia nhập nhóm hát rong đường phố, chúng tôi được trải nghiệm cuộc mưu sinh cũng như cách kiếm ra đồng tiền của những người mang “kiếp cầm ca” nơi đất khách quê người. Đa phần họ xuất thân từ Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định và một nửa số người này có bằng cử nhân. Sau khi học xong, không có “cửa” chạy nghề nên họ “cũng đành xin làm người hát rong”.

Nguyễn Văn Tuân, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa tâm sự: “Em tốt nghiệp một trường đại học tại Hà Nội được hai tháng, trong khi chờ việc làm, em tham gia nhóm, làm với các anh kiếm sống qua ngày. Nghề tuy vất vả về đêm, phục vụ công chúng nhưng lại kiếm ra tiền, vui lắm. Mỗi dịp cuối tuần, bọn em biểu diễn ở chợ đêm, quán ăn nên số tiền kiếm được gấp đôi các ngày bình thường”.


Thất nghiệp, cử nhân ra phố hát rong


Người đứng đầu thành lập nhóm là một thanh niên cùng quê Thanh Hóa tên Vũ, sinh năm 1987. “Anh Vũ đứng ra lập nhóm rồi thuê mọi người ở quê ra làm. Sau mỗi ngày đi làm về, mọi người dồn tiền, đếm tổng số tiền rồi đưa hết cho anh Vũ, không ai được giấu giếm đồng nào. Nếu một trong số chúng em bị phát hiện giấu giếm hay ăn bớt tiền sẽ thanh toán lương và bị đuổi việc ngay” – Tuân kể.

Cũng theo lời Tuân, tuy nghèo nhưng không ai ăn bớt một đồng trong số tiền hát rong kiếm được trong ngày. Lương trung bình mỗi tháng Tuân được 3 – 4 triệu đồng, người làm được nhiều thì lương 5 triệu. Nhóm nào kiếm tiền vượt mức trung bình 2 triệu đồng mỗi ngày thì sẽ hưởng lương 3 – 3,5 triệu/tháng. Nếu kiếm vượt mức 3 triệu mỗi ngày, nhận mức lương khoảng 4 triệu/ tháng.

Hàng ngày các thanh niên đẩy chiếc loa thùng đi dọc những khu phố theo địa bàn đã được giao. Theo một thành viên trong nhóm tên Luật, quê Nam Định, địa bàn hoạt động sẽ được hoán đổi linh hoạt giữa các đôi với nhau. Đôi khi các nhóm có quan hệ tốt với nhau cũng có thể hoán đổi địa bàn hoạt động với nhau trong vòng một tuần, một tháng.

“Khi các nhóm đã có giao ước với nhau về địa bàn hoạt động, nếu thành viên nhóm này xâm phạm địa bàn của nhóm kia, bị phát hiện sẽ bị phạt một khoản tiền nhỏ theo quy định. Vì vậy, rất ít khả năng bị xâm phạm địa bàn, chỉ những trường hợp mới, chưa biết thì sẽ bị nhắc nhở. Họ cũng rất tôn trọng luật chơi” - Luật cho biết.

Lao động lúc mọi người nghỉ ngơi

Theo Tuân, nghề này dù làm đêm hôm, kiếm ăn lúc mọi người nghỉ ngơi nhưng dù sao cũng sướng hơn so với nghề thợ hồ, thợ xây. Chỉ cần chịu khó thức đêm, chịu khó đi nhiều địa bàn, tìm tòi đến những quán ăn, quán bia hay chợ cóc, ít nhất mỗi đêm cũng kiếm được tiền triệu.

Sau mấy tối theo chân Tuân, chúng tôi được bật mí “bí quyết” để kiếm tiền: vào buổi chiều nên đến những quán bia lớn hay quán ăn đông khách ở vỉa hè. Thực khách ở những quán này thường thoáng tính nên dễ xin được tiền hơn.

Là người kiếm sống bằng hát rong đường phố hơn 7 năm nay, anh Luyện - cựu sinh viên của một trường cao đẳng nghề chia sẻ: “Đa phần mọi người thường cho dăm, bảy ngàn. Vào các quán bia, các ông uống bia thường cho 10.000 đồng, có người hào phóng thì cho 20.000 đồng. Trong khi một người hát, người kia phải linh hoạt cầm mũ hay chiếc hộp giơ lên đi đến các bàn để họ bỏ tiền vào”. Anh Luyện giải thích lý do cần một người hát, một người đi xin tiền vì người nghe không muốn bị làm phiền nên đôi khi bố thí cho nó dăm, bảy ngàn để được yên tĩnh nghe hát.

Mỗi tối anh Luyện hát 30 – 40 bài. Những hôm hát “sung” được 50 bài. Ngoài việc gặp trắc trở về thời tiết, anh Luyện và người cùng nhóm còn bị những lời đuổi khéo từ bảo vệ nhà hàng. Không ít lần khản giọng nhưng Luyện vẫn cố gượng. Bởi anh quan niệm rằng: “Công việc hát rong không chỉ để kiếm cái ăn, cái mặc qua ngày, mà còn là quá trình theo đuổi hai chữ đam mê”.

Hát rong cũng cần được đào tạo

Trong thời gian theo học việc, chúng tôi được anh Vũ - trưởng nhóm dạy từ cách hát rong trên đường phố làm sao cho tự nhiên lấy lòng khách, đến cách đi đứng để đúng với tư thế người hát rong.

Theo lời anh Vũ, để gây ấn tượng cho khách, người hát rong cần luôn nhìn thẳng vào mắt người định xin tiền, phải nhìn liên tục với vẻ tự nhiên nhất để khách hài lòng. Đôi khi, người hát rong đường phố cần phải biểu diễn một số động tác khó như nhảy nhót kết hợp hát để lấy lòng những vị khách khó tính.

Theo anh Vũ, đây là khách hàng mục tiêu vì họ thường cho tiền chẵn từ 10. 000 đồng, 20.000 đồng đến 50.000 đồng. Bên cạnh các động tác biểu diễn thì người hát cần hóa thân vào lời hát, đôi khi cũng cần có những giọt nước mắt trong “show diễn vỉa hè” nhằm tranh thủ sự cảm thông để mọi người cho tiền. Chúng tôi được dạy thêm rằng, thủ thuật rơi nước mắt cũng cần có mánh khóe, tức là người hát cần chọn đúng bài hát để hát với từng nơi cụ thể. Đàn ông rất kỵ những kiểu con trai hay khóc, yếu ớt nên nếu khóc trong các quán bia sẽ bị đuổi ngay.

Anh Nguyễn Văn Hải, một người hát rong gia nhập nhóm được hơn 4 năm từng gặp trường hợp này, thổ lộ: “Vào những ngày đầu, anh cùng một người tên Tú đã rất thành công khi biểu biễn một loạt bài mang tâm trạng buồn ở các chợ vỉa hè tại cầu Lủ. Tụi anh đã kiếm được hậu hĩnh từ những buổi biểu diễn đó, nhưng khi mang tâm trạng ấy vào quán bia trên đường Trường Chinh đã suýt bị ném cốc bia vào mặt. Có lẽ hôm đó tụi anh không may gặp người thất tình, tâm trạng không vui, mượn bia giải sầu. Tối ấy, hai đứa cuốn gói vừa chạy vừa đẩy chiếc loa thật nhanh ra khỏi quán bia”. Sau “kinh nghiệm để đời” này, anh Hải đã phải cẩn thận hơn để lựa chọn những bài hát đúng với từng hoàn cảnh.

Tuy tham gia nhóm được vài ba năm nhưng đã gia nhập nhiều nhóm hát khác nhau, thu được nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” hơn nên anh Lê Tùng rất khéo léo. Anh Tùng thường hát nhiều bài bốc lửa ở các quán bia vỉa hè kèm các động tác nhảy nhót. Khi anh đang diễn thì người hỗ trợ đẩy loa đi xòe mũ xin tiền, hoặc mời khách mua gói tăm, bông khử khuẩn hoặc chiếc kẹo cao su. Lúc đang “sung” nên mọi người dễ cho tiền, để khi hát xong mới xin tiền thì họ đã hết hứng, khó “móc ví”.

Từng gặp cảnh ngộ như anh Hải nhưng anh Tùng lại khéo léo hơn trong việc xử lý. Trong một lần hát tại quán bia ở phố cổ, anh Tùng bị người nghe chửi mắng do say xỉn, nhưng với cách ăn nói khéo léo, anh Tùng đã tiếp chuyện vị khách này, chừng 5 phút sau anh không chỉ được vị khách mời uống bia, bắt tay mà còn được “bo” 100.000 đồng.

Hẩm hiu “kiếp cầm ca” đường phố

Lập nghiệp từ năm 2002, từng bốc rác, nhặt ve chai trong các bãi rác đến dọn rửa nhà thuê, sau đó mới “kết duyên” với nghề hát rong đường phố, anh Tùng cho biết, vì mưu sinh nên chẳng phân biệt việc xấu hay đẹp, bẩn hay sạch, không làm thì không có cái mà ăn nên cứ phải xông vào thôi. Anh em ở đây chẳng chừa nghề nào, có người vì túng quá mà nhận cả nghề trai bao cho những bà U50.

Trịnh Văn Sự vừa tốt nghiệp một trường cao đẳng nhưng chưa kiếm được việc làm, bố mẹ cũng không thể chu cấp tiền nuôi vì còn hai em nhỏ đang học cấp hai ở quê. Đang lúc túng quẫn, Sự quyết định xin vào nhóm hát rong đường phố để có chỗ ăn ở và số lương ban đầu gần 3 triệu đồng/tháng. Cùng với việc đi hát rong, Sự còn đi làm phục vụ ở quán karaoke.

“Số tiền đi làm phục vụ quán karaoke, mỗi tháng được trên 2,5 triệu em để làm tiền tiết kiệm, phòng sau này có việc cần dùng. Tiền lương hát rong ban đầu được gần 3 triệu em gửi về cho bố mẹ 2 triệu, còn 1 triệu em để tiền ăn, chi tiêu cá nhân” - Sự cho biết.

Khi được hỏi suy nghĩ gì về những việc đang làm, Sự cúi đầu xuống với vẻ mặt buồn rầu. Theo Sự, công việc này thường bị mọi người nghĩ không hay nhưng thực ra không phải như vậy. Người hát rong chỉ nhận tiền của những ai cho, bỏ hẳn vào chiếc mũ, còn tuyệt đối không ăn cắp vặt cũng như giật đồ, nếu vi phạm sẽ bị đuổi việc, trừ lương.

Sự cũng cho biết, người quản lý là anh Vũ luôn dặn mọi người là làm như vậy sẽ càng làm xấu đi hình ảnh người hát rong chân chính và sẽ tự mình bóp nghẹt đường kiếm cơm của bản thân cùng anh em đồng nghề... Nghề hát rong hiện là chỗ dựa của rất nhiều lao động thất nghiệp…

PLO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo