Tin tức - Sự kiện

Cùng lúc đối mặt nhiều dịch bệnh nguy hiểm

Cùng với dịch cúm A/H5N1 và tay chân miệng, nhiều địa phương đang phải đương đầu nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như viêm não mô cầu, sốt xuất huyết, Bộ Y tế thông báo tại cuộc họp triển khai phòng chống dịch bệnh chiều qua

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm trên gia cầm, nguy cơ lây lan sang người rất lớn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, cần tích cực giám sát cúm A/H5N1 và thúc đẩy nghiên cứu gene học để kịp thời ứng phó.

 

Bộ Y tế vừa quyết định thành lập 12 đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh cúm A/H5N1 trên cả nước. TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, từ tháng 2 đến tháng 4, các đoàn công tác sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch, chủ động đi kiểm tra và có kết quả báo cáo.

 

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết hiện tại virus cúm A/H5N1 vẫn là chủng có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Đang có hiện tượng virus cúm A/H5N1 lưu hành trong các đàn thủy cầm, nhưng không có biểu hiện, gây khó khăn cho giám sát, phát hiện sớm và xử lý ổ dịch.

 

Ông Hiển cảnh báo sự thay đổi thường xuyên của chủng virus cúm A tiềm ẩn nguy cơ lây truyền từ gia cầm sang người và từ người sang người.

 

Về việc nghiên cứu vaccine H5N1 trên người từ năm 2005, theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, quá trình nghiên cứu đang ở giai đoạn 3, thử nghiệm trên quần thể lớn về tính an toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ đến cuối năm 2012. Sau đó, kết quả nghiên cứu sẽ được trình hội đồng khoa học, hội đồng xét duyệt vaccine sinh phẩm Bộ Y tế.



Trung tâm Y tế Dự phòng Quảng Ngãi cho biết, chỉ một tuần, toàn tỉnh có 63 ca mắc bệnh tay chân miệng và bệnh đang có xu hướng lây lan nhanh.

Tính đến nay, tỉnh có 116 người mắc bệnh tay chân miệng, chủ yếu ở TP Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa. Năm 2011, Quảng Ngãi có 7.100 trường hợp mắc bệnh, nhiều nhất trong số các tỉnh miền Trung, trong đó có 5 ca tử vong.

 

Theo TS Nguyễn Văn Bình, với cúm H5N1, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não mô cầu, chưa có vaccine phòng bệnh. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, năm 2012, nhiều dịch bệnh nguy hiểm có khả năng tăng hơn, phức tạp hơn năm 2011.

 

Khu vực phía Nam vẫn là trọng điểm dịch bệnh sốt xuất huyết, Tay chân miệng với số mắc và tử vong tăng cao ngay từ những ngày đầu năm. Hai ca tử vong do cúm A/H5N1 đều ở khu vực phía Nam.

 

Đầu năm 2012, cả nước ghi nhận 6 người mắc bệnh não mô cầu ở 6 địa phương, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Hà Nội và Nam Định. TS Bình cảnh báo nguy cơ lây lan bệnh não mô cầu trong cộng đồng là rất lớn do thời tiết đầu năm 2012 thuận lợi cho vi khuẩn não mô cầu phát triển, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng chiếm 25% trong cộng đồng.

 

Đối với bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2012 đến nay có 4.751 trường hợp mắc tại 34 địa phương, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại TPHCM (so với cùng kỳ 2011, số mắc giảm 37%).

 

Ông Bình cho rằng, vấn đề quan trọng là chính quyền địa phương phải chung tay chống dịch, chứ chỉ ngành y tế đưa ra biện pháp rồi lại tổ chức thực hiện thì rất khó có thể chặn đứng được mầm bệnh.

 

Theo PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, các văn bản hướng dẫn kỹ thuật quốc gia về nhiều bệnh truyền nhiễm chưa cập nhật, còn chồng chéo; Hệ thống y tế dự phòng phân tán, tổ chức y tế dự phòng tuyến huyện chưa kiện toàn; Đầu tư cho giám sát và dự phòng còn hạn chế.

 

Cơ chế tiếp nhận thiết bị, vật tư y tế, vaccine, sinh phẩm của các tổ chức quốc tế còn nhiều thủ tục, tốn thời gian…

 

Thái Hà (TPO)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo