Tái cấu trúc đầu tư công, phải áp luật chơi thị trường
Để tái cấu trúc đầu tư công cần giảm bớt sự tham lam trong việc đầu tư khu vực nhà nước đi, đồng thời tạo cơ chế để cho khu vực tư nhân có thể phát triển. Phải áp dụng cơ chế thị trường buộc các doanh nghiệp nhà nước khi làm các dự án phải tính toán trên cơ sở mục tiêu lợi nhuận và đầy đủ hiệu quả kinh tế. Phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu chứ không phải như cách hiện nay các DNNN lời thì bỏ túi, lỗ thì đẩy gánh nặng cho xã hội phải chịu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chia sẻ như vậy khi bàn về các giải pháp để phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.
Nâng bội chi – đi ngược quan điểm trọng cầu
PV: - Thưa bà, các ý kiến chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc tạo môi trường bình đẳng đối với các doanh nghiệp khối nhà nước và tư nhân là yếu tố quan trọng trong luật chơi của quy luật thị trường và tái cấu trúc kinh tế. Vậy việc này bà thấy đã được thực hiện đến đâu?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Đúng như vậy. Chúng ta thực hiện tái cấu trúc bằng cách thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và rút bớt những lĩnh vực mà nhà nước không cần phải nắm giữ để chuyển mạnh sang cho các khu vực có hiệu quả hơn.
Hay như thúc đẩy đầu tư các mặt kể cả đầu tư nước ngoài cũng là nằm trong khuôn khổ đề xuất rất hợp lý và rất đúng.
Nếu nhìn vào những chính sách Chính phủ đưa ra mang tính chất dài hạn như chương trình tái cơ cấu đã nêu những điều đó nhưng có điều đáng tiếc là trong thực tế thực hành thì chúng ta vẫn bị mối lo về tốc độ tăng trưởng thấp và cứ nghĩ là khu vực tư nhân không tăng trưởng được nên cứ muốn bơm tiền cho khu vực nhà nước.
Rút cục là những ý tưởng tốt của chính sách nhiều khi là không thực hiện được. Thế nhưng những cái không thuận thì cứ được nhấn mạnh, được thực thi trong từng thời gian.
PV: - Thưa bà, việc nâng trần bội chi lên 5,3% đã được Quốc hội đồng ý. Vậy động thái này có đi ngược với quan điểm trọng cung hơn trọng cầu không?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Thẳng thắn mà nói thì cái đó đi ngược với yêu cầu về trọng cầu với những cải cách mà chúng ta mong muốn.
Không những nâng trần bội chi mà khả năng cho phép mở rộng thêm việc phát hành trái phiếu chẳng hạn mà lại cho phép room rất lớn so với trước đây.
Chúng ta đã có thời kỳ trong một thời gian dài Quốc hội đã thắt chặt nay thì lại nới ra. Như vậy là không phù hợp với yêu cầu chuyển sang trọng cung và có thể những bất lợi của nền kinh tế có thể tiếp tục tiếp diễn trong những năm tới. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô để tăng trưởng bền vững lại khó có thể đạt được.
PV: - Việc nâng trần bội chi ngoài hệ lụy trọng cung thì theo bà có còn hệ lụy nào khác đối với nền kinh tế?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Nó sẽ làm cho nợ công của chúng ta sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Hiện nay các vị làm chính sách vẫn tuyên bố là nợ công vẫn đang trong tầm kiểm soát được nhưng mà kiểm soát được theo cách mà chúng ta cứ nâng lên.
Trước đây nợ công đang ở ngưỡng 54,9% GDP nay lại nâng lên thành 60% rồi cho là trong tầm kiểm soát thì không ổn.Thêm nữa cách tính nợ công của Việt Nam chưa tính đến phần nợ của doanh nghiệp nhà nước và phần nợ của các địa phương.
Đây lại là 2 phần rất lớn. Nếu cộng lại thì nợ công của Việt Nam hiện nay đã vượt quá 100% GDP, có nghĩa thực sự là ở ngưỡng báo động chứ không phải ngưỡng an toàn nữa. Có nghĩa là cách tính thực sự không sòng phẳng, không đủ độ minh bạch cần thiết để cho những người làm chính sách hay Quốc hội quyết định đúng đắn hơn về vấn đề bội chi.
Nếu không quyết liệt, kinh tế sẽ còn khó khăn
PV: - Vậy trên cơ sở tình hình thực tế, đánh giá tổng quan của bà về nền kinh tế trong năm 2014 sẽ như thế nào?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Tôi nghĩ nó phụ thuộc vô cùng lớn vào việc chúng ta thực hiện tái cơ cấu kinh tế ra sao. Nếu như chúng ta vẫn làm theo cách xử lý những vấn đề ngắn hạn. Tức là sợ ngắn hạn tăng trưởng thấp nên bơm thêm tiền nhà nước vào, nâng trần bội chi lên, mở rộng khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ để thêm vốn đầu tư, rồi vẫn dùng khu vực nhà nước làm động lực tăng trưởng thì kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn.
Ở đây yêu cầu của chúng ta tái cơ cấu kinh tế là phải làm sao cho khu vực công có hiệu quả cao hơn. Kể cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, hay là ngân hàng thương mại. Các ngân hàng này phải sử dụng hiệu quả nguồn lực hơn vì họ đang nắm trong tay nguồn lực chính, lớn nhất của đất nước. Họ phải sử dụng hiệu quả.
Để sử dụng hiệu quả thì phải giám sát, kiểm soát cho tốt. Giảm bớt sự tham lam trong việc đầu tư khu vực nhà nước đi, đồng thời tạo cơ chế để cho khu vực tư nhân có thể phát triển.
Đấy mới là yêu cầu chính của tái cơ cấu. Nếu chúng ta thực hiện đúng như Đại hội XI đã đề ra và Đề án mà chính phủ đã phê duyệt thì bức tranh kinh tế 2014, 2015 có thể sáng hơn. Còn nếu như chúng ta vẫn loanh quanh bài toán đầu tư nới rộng ra như hiện nay thì bức tranh kinh tế 2014, 2015 chưa cải thiện được.
PV: - Nói về việc cải thiện đầu tư công khu vực nhà nước, như các chuyên gia đã đánh giá phải áp đặt luật chơi cơ chế thị trường. Vậy theo bà cụ thể luật chơi đó phải như thế nào?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: - Ở đây 2 khu vực liên quan chặt chẽ với nhau là DNNN và đầu tư công, bởi vì DNNN đang là người thực hiện sử dụng vốn đầu tư công rất lớn. Còn đầu tư công thì trong rất nhiều trường hợp là do “sáng kiến” hoặc đề xuất của DNNN mà thúc đẩy địa phương, bộ ngành đưa ra dự án nọ dự án kia rồi các ngành đưa thêm dự án mới. Rút cục là dồn gánh nặng vào đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước là người được hưởng lợi khi có tiền làm dự án.
Do vậy chúng tôi mới nói rằng hai khu vực này gắn liền với nhau và vì vậy muốn tái cấu trúc đầu tư công tốt thì phải tái cơ cấu DNNN cho tốt.
Ngoài ra việc này cũng gắn rất chặt với việc định hình vai trò của nhà nước như thế nào. Nếu như cả Quốc hội và Chính phủ là hai nhân vật quyết định nhất cho đầu tư công mà cũng vẫn còn vương vấn theo cách muốn tăng trưởng thì phải có đầu tư từ nhà nước thì sẽ rất khó giảm bớt đầu tư công.
Thứ ba nữa là vấn đề lợi ích. Tâm lý chung vẫn rất phổ biến của bộ, ngành, địa phương là muốn có các dự án đầu tư do chính mình đề xuất, quản lý.
Nếu quan sát kỹ diễn đàn Quốc hội có thể thấy gần như đại biểu nào cũng ủng hộ việc phải tái cơ cấu đầu tư công, tiết kiệm nhưng không ai muốn giảm bớt của mình mà chỉ muốn giảm bớt của tỉnh bên cạnh.
Hay như một số dự án thời gian qua giãn hoặc tạm ngừng nhưng đâu đó vẫn có những tiếng nói dấy lên đòi phải tiếp tục đầu tư để tránh lãng phí. Chúng ta cứ chạy theo kiểu đó thì rất khó có thể thay đổi.
Và câu chuyện áp dụng cơ chế thị trường ở đây có nghĩa là buộc các doanh nghiệp nhà nước khi làm các dự án phải tính toán trên cơ sở mục tiêu lợi nhuận và đầy đủ hiệu quả kinh tế. Phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu chứ không phải như cách hiện nay các DNNN lời thì bỏ túi, lỗ thì đẩy gánh nặng cho xã hội phải chịu.
Bài học của Vinashin ai cũng biết khi nhà nước chuyển đổi thành một công ty nhỏ hơn nhưng toàn bộ gánh nợ của Vinashin có biến mất đi đâu. Công ty mới chỉ gánh được một phần còn toàn bộ phần nợ của Vinashin là chia đều cho cả xã hội gánh. Đấy là điểm hết sức bất cập.
Hay như nhiều trường hợp khác nhiều khi có lời là do vị thế độc quyền chứ không phải do họ làm ăn giỏi. Xăng dầu là thể hiện rất rõ. Lãi của họ là do 6 lần tăng giá lớn trong khi chỉ có vài lần giảm giá nhỏ giọt. Riêng khoảng cách giữa tăng giá giảm giá đã mang lại lời cho họ chứ không phải là tài kinh doanh mà chủ yếu là đánh vào người tiêu dùng. Ngành điện cũng tương tự như vậy.
Tôi cho rằng đây là cái không sòng phẳng nhưng lại phổ biến trong các DNNN. Chưa kể chuyện nhà nước khoanh nợ, giãn nợ cho họ nhưng trên thực tế là bằng chi phí mà xã hội phải trả. Ngay cả việc nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giải quyết nợ cho họ bằng cách mềm mại hơn rồi rút cục các chi phí của các ngân hàng cũng lại đổ vào khách hàng là những người gửi tiền chứ có ngân hàng nào bỏ tiền túi ra trả nợ cho doanh nghiệp nhà nước đâu?
Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng nếu như chúng ta không quyết tâm làm thì công cuộc tái cơ cấu sẽ thất bại.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo