Tái cấu trúc để hiệu quả hơn
Rầm rộ tái cấu trúc
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên tâm sự từ cuối năm ngoái đến nay, đi họp ở bất cứ hội thảo, hội nghị kinh tế nào cũng thấy bàn đến tái cấu trúc. Khí thế tái cấu trúc rầm rộ khắp nơi cho thấy đã có sự đồng thuận cao về vấn đề này. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào vẫn còn là ẩn số vì “chưa thấy doanh nghiệp nào có đề án cụ thể và không biết bao giờ thì có”.
Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước chính là giải bài toán cổ phần hóa đã khởi động từ cả chục năm trước. |
Bắt đầu từ trung tuần tháng Hai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ liên tục tham dự lễ ký cam kết cắt giảm 5%-10% chi phí của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, coi đây là hành động cụ thể khởi động quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Từ nay đến cuối tháng Hai, những lễ ký như vậy sẽ tiếp tục diễn ra ở một số “ông lớn” khác như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam…
Ấn tượng hơn cả là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Sau kết quả thành công với “phép thử” sáp nhập 3 ngân hàng nhỏ đầu tiên vào cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã công bố trong quý I năm nay sẽ có thêm 3-8 ngân hàng tiếp tục được sáp nhập. Không công bố cụ thể danh sách cũng như tiến độ của đợt sáp nhập thứ hai này nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng hé lộ thêm về kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng bằng việc công bố bốn nhóm ngân hàng ứng với các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 0%-17% trong nửa đầu năm 2012. Trong đó có khoảng “mươi” ngân hàng hoạt động yếu kém, không được tăng trưởng tín dụng ít nhất đến tháng Sáu năm nay.
Bước đi nhanh nhất
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban doanh nghiệp đổi mới Nhà nước, bước đi nhanh nhất để thực hiện tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước là cổ phần hóa, rút bớt tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong hội thảo “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam” được Văn phòng Chính phủ tổ chức tuần trước, phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn cho biết trong quý I/2012, cả nước sẽ phải hoàn thành kế hoạch sắp xếp 21 tổng công ty Nhà nước.
Nghĩa là từ nay đến hết tháng Ba, bình quân hai ngày phải sắp xếp xong một tổng công ty và đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Với cơ chế hiện nay, cổ phần hóa một Doanh nghiệp Nhà nước cần khoảng thời gian một năm, vì thời gian kiểm toán một doanh nghiệp quy mô trên 500 tỉ đồng đã mất vài tháng, đến khi chào bán cổ phần có thể rơi vào tình trạng không có người mua, lại phải tìm cách khác.
Theo kế hoạch đến năm 2015, cả nước còn 700 doanh nghiệp giữ lại 100% vốn Nhà nước, cổ phần hóa 600 doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng bước đi phù hợp để đẩy nhanh cổ phần hóa là tiến hành cổ phần hóa ngay tại các Doanh nghiệp Nhà nước không nắm giữ 100% vốn theo đúng lộ trình.
Thực hiện thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước đây (khoảng 400 doanh nghiệp). Đối với Doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn, cần áp dụng công bố thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế. Một vấn đề quan trọng khác là yêu cầu các Doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn tại các dự án đầu tư đa ngành để tập trung kinh doanh ngành nghề chính. Bên cạnh đó, cần thực hiện cơ chế chuyên trách về quyền chủ sở hữu Nhà nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh