Thị trường vốn Việt Nam: Cần giảm thiểu hiện tượng "4D"
Thị trường vốn 2018: Cơ hội trong cơ hội / Quy định về phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế
Hiện tượng “4D” còn phổ biến
Theo TS Cấn Văn Lực, thị trường vốn là kênh huy động, phân bổ vốn trung, dài hạn cho Chính phủ, doanh nghiệp; giúp phát triển lành mạnh, cân đối hệ thống tài chính, giảm áp lực cho vay trung dài hạn đối với các tổ chức tín dụng.
Thị trường vốn là công cụ để phân tán rủi ro nhưng cũng có thể khuếch đại rủi ro nếu không kiểm soát tốt.
Tại Việt Nam, hiện quy mô thị trường vốn còn nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, theo Chiến lược tài chính từ nay đến năm 2030, nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế là rất lớn.
Giai đoạn 2022-2025, Việt Nam cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm vốn đầu tư toàn xã hội (vốn khu vực Nhà nước đáp ứng 25-27%, còn lại cần huy động vốn tư nhân và vốn khác). Đây là lý do khẳng định thị trường vốn Việt Nam đang rất tiềm năng và hấp dẫn.
Thách thức đặt ra đối với thị trường vốn tại Việt Nam hiện nay là triển vọng phục hồi kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, rủi ro nợ xấu tăng. Tiến trình cơ cấu lại còn chậm, nhất là doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng yếu kém.
Thị trường vốn phát triển nhanh, thiếu tính ổn định. Các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng và tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao. Các chế tài chưa đủ sức răn đe, nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững (chủ yếu là cá nhân chưa chuyên nghiệp và thiếu các quỹ đầu tư hưu trí).
“Hiện tượng 4D – 'điều chỉnh, đầu cơ, đòn bẩy tài chính, đám đông' còn phổ biến, vi phạm còn nhiều. Hạ tầng tài chính liên quan đến chuẩn mực kế toán quốc tế, hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu, tổ chức định hạng tín nhiệm, định giá chuyên nghiệp cần ưu tiên phát triển”, ông Lực nói.
Cần chuẩn hóa tiêu chí chuyên nghiệp
Gợi ý 10 giải pháp để thúc đẩy thị trường vốn tại Việt Nam phát triển thời gian tới, theo TS Cấn Văn Lực, cần coi những vụ việc vừa qua là cơ hội để lành mạnh hóa thị trường, vừa kiến tạo thị trường phát triển, vừa kiểm soát được rủi ro.
Sớm khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư từ những vụ việc chưa lành mạnh trên thị trường vốn thời gian qua. Hoàn thiện hành lang pháp lý, quy chế quản lý thị trường, có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư theo thông lệ, chế tài mạnh hơn, đồng thời, tạo điều kiện cho “sáng tạo tài chính”, “tài chính xanh” phát triển.
Cùng với đó là nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng của thị trường, bao gồm thị trường thứ cấp tập trung, các công ty định hạng tín nhiệm, cơ sở thông tin- dữ liệu, hệ thống giao dịch chứng khoán tiên tiến…
Phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, nền tảng nhà đầu tư chuyên nghiệp, cụ thể là phát triển nền tảng cho các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân đủ năng lực và phát triển vai trò, trách nhiệm của các trung gian tài chính.
“Cần cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân, giảm thiểu hiện tượng 4D thông qua việc tăng cường giáo dục tài chính; chuẩn hóa tiêu chí chuyên nghiệp. Cần phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ như là một chuẩn mực định giá và tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không chỉ là hành chính.
Cùng với đó, chú trọng truyền thông bài bản, kịp thời, liên tục. Kiên định ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính để củng cố niềm tin, thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho thị trường vốn phát triển”, ông Lực khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo