Doanh nghiệp tư nhân loay hoay trong thị trường vốn chật hẹp
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Bất động sản du lịch phải cho sở hữu dài hạn mới thu hút được vốn đầu tư của dân / Ban hành quy định mới về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng
Môi trường kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua đã có những cải thiện đáng kể, bằng chứng là các chỉ số đánh giá của thế giới cũng như kết quả khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp và nhận định của nhiều chuyên gia.
Báo cáo Mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh (Doing Business) từ năm 2009 đến năm 2020 cho thấy Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng có nhiều biện pháp cải cách được ghi nhận nhất với 8 cải cách.
Trong báo cáo Doing Business mới nhất, ngoài nộp thuế, tiếp cận tín dụng là chỉ số duy nhất có sự cải cách, cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của lĩnh vực này.
Mặc dù vậy, thiếu vốn, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vẫn là khó khăn muôn thuở của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Khảo sát PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2018 chỉ ra rằng vấn đề tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn thứ hai đối với các doanh nghiệp, chỉ sau tìm kiếm khách hàng.
Khó khăn về tiếp cận tín dụng thậm chí còn cao hơn các khó khăn về tìm kiếm lao động phù hợp, tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp, cao hơn khó khăn về biến động thị trường hay biến động chính sách pháp luật.
Cụ thể, doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất trong tiếp cận tín dụng là việc buộc phải có tài sản thế chấp thì mới có thể vay vốn. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 86% doanh nghiệp cho biết gặp phải vấn đề này.
63% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá lãi suất và các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân luôn khó khăn, 44% đánh giá thủ tục vay vốn rất phiền hà.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn cho biết việc “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến.
Đẩy nhanh công cuộc phát triển khu vực tư nhân trong nước được Ngân hàng thế giới (World Bank) đánh giá là một trong những biện pháp giúp duy trì tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu tăng chậm hơn so với dự kiến có thể làm mất đi động lực tăng trưởng chính của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hoạt động tại thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển mà tiếp cận tài chính được xem là trở ngại quan trọng nhất.
Trao đổi với TheLEADER, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đánh giá tiếp cận vốn là một trong những vấn đề khiến khu vực tư nhân chưa thể phát triển như tốc độ kỳ vọng.
Ngoài các thủ tục tiếp cận vốn rườm rà, khó khăn, điều khó đối với các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn chính là lãi suất.
“Do lịch sử lạm phát tương đối cao, lãi suất tại Việt Nam nhiều năm cũng tương đối cao. Trong một thời gian dài, doanh nghiệp phải gồng lên để gánh lãi suất này và đây là một trở ngại rất lớn”, ông Cường phân tích.
Cùng với đó là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khi các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp vừa sẽ được ưu tiên tiếp cận vốn hơn dựa trên chỉ số tín nhiệm, đồng nghĩa với việc dư địa để ngân hàng cho vay doanh nghiệp nhỏ sẽ hạn chế hơn. Các hộ gia đình kinh doanh cũng sẽ bị hạn chế.
Thực trạng trên xuất phát từ việcthị trường vốnchưa phát triển, các doanh nghiệp hầu hết phải dựa vào kênh ngân hàng, khiến hệ thống ngân hàng phải gồng mình trước nhiều yêu cầu.
Hai hiệp định thương mại mới nhất sẽ là cơ hội để giải quyết một phần tắc nghẽn về vốn khi có sự mở cửa lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng. Khi đó, doanh nghiệp tài chính nước ngoài sẽ gia nhập và được kỳ vọng trở thành động lực giúp Việt Nam phát triển thị trường vốn, ngân hàng có nhiều dư địa để cho vay khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Tuy nhiên, theo ông Cường, điều quan trọng là năng lực để sử dụng vốn hiệu quả.
“So với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực, tiếp cận vốn của doanh nghiệp Việt không phải là kém hẳn mà chất lượng hiệu quả của sử dụng vốn mới là vấn đề, liên quan đến năng lực quản lý của các doanh nghiệp. Cho nên, nếu nhìn vào tổng số kỹ sư trên số công nhân, nhìn vào đầu tư cho nghiên cứu phát triển thì doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa được mạnh”.
Thời gian qua, khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech) đã phát triển mạnh mẽ và được ông Cường đánh giá sẽ là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn rất nhanh.
Về bản chất, fintech kết nối giữa người có nhu cầu cho vay và đi vay một cách trực tiếp và bỏ qua khâu trung gian. Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dù hiện vẫn còn nhiều rủi ro do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh.
World Bank trong báo cáo Điểm lại mới đây đánh giá Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của các thị trường vốn, coi đó là kênh cung cấp nguồn tài chính dài hạn và đa dạng cho khu vực sản xuất kinh doanh trong nước.
Các thị trường đó ngày càng được nhìn nhận là nguồn thay thế cho viện trợ nước ngoài khi Việt Nam gần đây đã tốt nghiệp, trở thành nước không còn nhận vốn vay ưu đãi của World Bank và ADB, lần lượt vào 2017 và 2018.
Với tầm nhìn đó, Chính phủ ban đầu tập trung vào thị trường trái phiếu, thể hiện qua Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020.
Các thị trường vốn tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Quy mô thị trường trái phiếu và cổ phiếu từ dưới 40% GDP năm 2011 lên đến gần 100% GDP vào tháng 6/2019, tương đương khoảng 68% tổng giá trị tín dụng của khu vực ngân hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo