Tin tức - Sự kiện

Tái cơ cấu các TCTD sẽ cán đích đúng hẹn

Chỉ còn hơn 7 tháng nữa là thời gian Đề án 254 (Đề án Tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015) sẽ kết thúc. Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội thì đến thời điểm này, Đề án 254 đang được NHNN thực hiện đúng hướng, theo lộ trình đề ra và cũng là một trong lĩnh vực thực hiện tái cơ cấu tốt, bài bản nhất.

 

TS. Nguyễn Đức Kiên

 

Theo ông, những giải pháp của NHNN, nhất là những biện pháp mạnh gần đây đã giúp hệ thống NH hoàn thành Đề án 254 đúng kế hoạch?
 
Do thực hiện tái cơ cấu trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có rất ít nguồn lực hỗ trợ nên hệ thống NH không có được nhiều lựa chọn chính sách thực hiện. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhất là từ đầu năm đến nay, NHNN đã có nhiều giải pháp quyết liệt như thúc đẩy các NH thực hiện M&A, trong đó khuyến khích các NH lớn mua các NH nhỏ để hình thành NH khỏe mạnh hơn; NHNN mua lại NH yếu kém không tự tái cơ cấu được với giá 0 đồng, kiểm soát tỷ lệ chia cổ tức của các NH… Trong bối cảnh hiện nay, đây là những phương án tối ưu đối với NHNN. Nhưng theo đánh giá của tôi, NHNN vẫn còn khá “mềm” với các TCTD. Với tốc độ triển khai như hiện nay thì Đề án 254 sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015.
 
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về sự “mềm” của NHNN?
 
Ví như, việc hạn chế chia cổ tức đối với các TCTD. Tôi cho rằng, đối với những NH có tỷ lệ nợ xấu vượt quy định 3%, NHNN có quyền không cho phép NH đó được chia cổ tức. Khi nào NH đó xử lý hết nợ xấu vượt trần rồi mới được chia cổ tức và yêu cầu phải có trách nhiệm đối với khoản nợ xấu mà mình gây ra. Các NH phải tự chịu trách nhiệm đầu tiên về nợ xấu đừng hy vọng bán quá nhiều nợ cho VAMC. VAMC không phải là “cái bị” để chứa tất cả những vấn đề đấy.
 
Còn đối với NĐT, cổ đông họ cũng phải có trách nhiệm giám sát đối với các khoản đầu tư và thậm chí cả đội ngũ những người làm quản trị NH mình đầu tư. Nếu thấy NH có vấn đề thì khi họp ĐHCĐ phải có ý kiến, đề xuất. Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các cổ đông.
 
Với việc vẫn chấp nhận để các NH có tỷ lệ nợ xấu trên 3% chia cổ tức cho cổ đông tôi nghĩ, NHNN vẫn còn đang yêu chiều các cổ đông. Việc chỉ bị khống chế cổ tức, đó là cái giá phải trả quá rẻ cho những NĐT tại các NH vì thờ ơ với tình hình tài chính khi không đọc báo cáo tài chính mà chỉ quan tâm đến cổ tức mình được nhận là bao nhiêu. Hay nói cách khác là không có trách nhiệm với đồng tiền của mình.
 
Đối với vấn đề này, thời gian tới, theo tôi công tác thanh tra giám sát (NHNN) giám sát chặt những NH có nợ xấu trên 3% và những NH này không được chi trả cổ tức. Và nếu qua thanh tra giám sát NH vẫn cố tình che giấu nợ xấu để có thể chia cổ tức thì cần phải thực hiện giám sát đặc biệt ngay. Vì nếu những NH yếu kém không chịu sự giám sát đặc biệt rất dễ xảy ra tình trạng NH bị âm vốn như thời gian qua.
 
Nhưng cũng phải công bằng mà nói, sự mềm mại trong chính sách của NHNN do chịu tác động từ một số yếu tố khách quan. Thực tế qua việc mua hai NH với giá 0 đồng, phải nói thẳng NHNN cũng “khổ” rất nhiều với câu chuyện này. Phải khẳng định rằng, NHNN đã làm được nhiều việc trong quá trình tái cơ cấu hệ thống NH. Nhưng nếu nói ngành NH cứ hoàn thành xong Đề án 254 thì toàn bộ các TCTD tốt hẳn lên thì chưa hoàn toàn phải.
 
Tôi cho rằng, Đề án 254 là bước cơ bản tạo tiền đề cho các TCTD tái cơ cấu liên tục và cần tiếp tục làm nhiều hơn nữa trong giai đoạn 2016 – 2020. Các TCTD phải tái cơ cấu liên tục và chịu áp lực của thị trường giống như các DN khác, chứ hiện nay theo quan điểm của tôi, chúng ta vẫn đang dành cho TCTD nhiều “ưu ái”.
 
Hệ thống NH đang trong quá trình tái cơ cấu nhưng vẫn đang chịu nhiều sức ép về cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vậy, theo ông đến bao giờ “trăm dâu” không đổ đầu NH nữa?
 
Để kinh tế bớt phụ thuộc vào vốn NH, theo tôi, phải tùy thuộc vào sức khoẻ của nền kinh tế, số lượng DN và quan trọng hơn cả là làm sao thay đổi được tư duy DN, làm cho họ có trách nhiệm hơn với đồng tiền của mình. Tức là DN phải tích cực phát hành trái phiếu DN, cổ phần hóa DN nhiều hơn để có nhiều người tham gia hơn. Ở Hàn Quốc họ không đưa ra quan niệm win – win mà là win – win – win tức là 3 người cùng chiến thắng. Đó là người sản xuất, người đầu tư và người tiêu dùng. Từ đó, các DN mới tự chịu trách nhiệm nhiều hơn với các hoạt động của mình. Còn hiện tại, DN Việt Nam đa số vẫn ỉ lại vào các TCTD. Cái gì cũng ra NH vì thị trường trái phiếu DN chưa phát triển, TTCK èo uột...
 
Để giảm bớt sức ép về cung ứng vốn cho hệ thống NH, theo quan điểm cá nhân tôi, thị trường trái phiếu và TTCK phải chiếm 70% toàn bộ thị trường tài chính, chỉ còn 30% của các TCTD thì lúc đấy mới thành công, đất nước mới phát triển bền vững được. Nhưng trong 30% đấy, NH chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực công nghệ mới, tạo đột phá cho nền kinh tế. Song để có thể đạt được con số biết nói trên, theo tôi chắc phải mất một khoảng thời gian không hề ngắn, có khi phải đến hơn chục năm nữa, thậm chí xa hơn.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo