Tái cơ cấu cũng phải trả giá
Kể từ năm 2011 đến nay, nền kinh tế đã đạt được một số kết quả quan trọng, đặc biệt là kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu đầu tư công… Ông có chung nhận định này không?
Theo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, trong 2 - 3 năm đầu tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng GDP ở mức hợp lý và tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhìn vào mục tiêu chung này, có thể nói chúng ta đã đạt được, nhưng khi phân tích từng chỉ tiêu cụ thể, thì thấy nổi lên khá nhiều vấn đề. Ngay cả việc kiềm chế lạm phát - một trong những thành tích lớn nhất đã đạt được khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng từ 18 - 19% trước đây đã giảm xuống còn 6 - 7%.
Nhưng để đạt được thành tích này, nền kinh tế đã phải trả một cái giá không hề nhỏ là tốc độ tăng trưởng tín dụng đang từ mức 37 - 38%/năm xuống còn 6,64% trong 9 tháng đầu năm và khó có thể đạt 12% trong năm nay. Nếu ví nền kinh tế như một cơ thể đang truyền nước, trước đây truyền 37 - 38 giọt/phút, giờ giảm đột ngột xuống còn 12 giọt/phút nên bị sốc. Hậu quả là, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động vì trong cơ cấu vốn kinh doanh, doanh nghiệp chỉ có vốn tự có và huy động từ bên ngoài 20 - 25%, số còn lại phải vay ngân hàng, khi ngân hàng giảm mạnh cho vay, thì doanh nghiệp “lãnh đủ”.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg (ngày 15/10/2011), tái cơ cấu đầu tư công đã được cải thiện?
Đúng là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, tình hình đầu tư công đã có sự thay đổi rất căn bản.
Chỉ thị này đã phát đi tín hiệu, Nhà nước sẵn sàng nhường dư địa đầu tư cho các thành phần kinh tế khác; vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ chỉ thực hiện vai trò vốn mồi và chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không làm do hiệu quả thấp, thu hồi vốn lâu dài, hoặc không làm được. Kết quả bước đầu đạt được là hệ số ICOR đã giảm từ 6,7 giai đoạn 2008 - 2010 xuống còn 5,53 trong giai đoạn 2011 - 2013. Tôi xếp kết quả tái cơ cấu đầu tư công ở vị trí thứ hai sau tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng cái gì cũng có giá của nó.
Giá của đầu tư công, ý ông muốn nói đến vấn đề gì?
Trong giai đoạn trước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều đạt trên 41% GDP, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 7%/năm, thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 3 năm gần đây chỉ đạt 5,6%/năm - mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5-7%). Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hết sức quan trọng là đầu tư toàn xã hội giảm mạnh xuống còn 34% GDP vào năm 2010; 28,5% GDP vào năm 2012 và năm nay dự kiến đạt 29,1% GDP.
Nhưng nếu đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, phải sử dụng vốn mồi tức là đầu tư công. Đẩy mạnh đầu tư công sẽ tác động ngay đến lạm phát, bội chi ngân sách, nợ công, thưa ông?
Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư, vì vậy, cần phải duy trì được mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt khoảng 33,5 - 35% GDP như mục tiêu đã được Quốc hội đặt ra. Muốn thúc đẩy đầu tư toàn xã hội, Nhà nước phải sử dụng vốn mồi thì các thành phần kinh tế khác mới bỏ vốn ra đầu tư.
Trong giai đoạn còn lại của kế hoạch 2011 - 2015, về số tuyệt đối, đầu tư công không nên giảm, mà có thể tăng nhẹ, nhưng về số tương đối so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thì đầu tư công giảm xuống. Đầu tư công đã có tín hiệu gia tăng khi mà các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đang nghiên cứu để nâng mức bội chi từ 4,8% GDP trong năm nay lên 5,3% GDP vào năm tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo