Tin tức - Sự kiện

Tái cơ cấu nền kinh tế: Kết quả bước đầu

Kiểm soát tốt việc bố trí vốn đầu tư, hoàn thành nhiều công trình quan trọng; xúc tiến tái cấu trúc 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; sắp xếp lại 27 doanh nghiệp Nhà nước; phê duyệt đề án tái cơ cấu 14 tập đoàn, tổng công ty… là những kết quả đạt được trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua.
Theo Báo cáo của Chính phủ, đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung vào 3 trọng tâm lớn là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng bước đầu đã đạt kết quả quan trọng.
 
Kiểm soát bố trí vốn, hoàn thành nhiều công trình
 
Trước hết, về tái cơ cấu đầu tư công, bước đầu khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thất thoát. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã nhận thức rõ hơn và quán triệt các yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư phát triển trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án, bố trí vốn tập trung, đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán, quyết toán, nghiệm thu công trình.
 
Nhờ đó, việc bố trí vốn đầu tư đã có sự kiểm soát tốt, các dự án đầu tư về cơ bản được thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao, góp phần hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản. Số dự án khởi công mới giảm đáng kể, số dự án hoàn thành tăng cao.
 
Cụ thể, số vốn trong nước từ nguồn ngân sách Nhà nước bố trí đúng quy định chiếm tới 95,6% tổng số vốn rà soát; số vốn trái phiếu Chính phủ bố trí đúng quy định chiếm 99,7% tổng số vốn theo kế hoạch năm 2013. Tất cả các quyết định giao dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước (bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia) và kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành đúng thời hạn theo Nghị quyết của Quốc hội.
 
Với việc bố trí vốn tập trung hơn, nhiều công trình quan trọng thuộc các ngành, lĩnh vực, như: giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, các chương trình mục tiêu quốc gia và xoá đói giảm nghèo... đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư nhiều công trình.
 
Có thể kể đến những công trình quan trọng đã hoàn thành như: Nhà máy Thủy điện Sơn La; các cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Đà Nẵng, Cần Thơ; các tuyến Quốc lộ 1 (đoạn Ninh Bình), 21B, 18, 38, 32, 39, 3 (đoạn Cao Bằng)...; các tuyến đường quan trọng của địa phương như: đường Gò Găng-Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), Vị Thanh-Cần Thơ (Cần Thơ), Mậu Thân-sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), Đại lộ Đông Tây (TPHCM)… Các tuyến đường liên huyện, đường ô tô đến trung tâm xã được đầu tư, giao thông nông thôn miền núi được cải thiện. Nhiều cảng biển được hoàn thành, nâng cấp như: Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, mở rộng giai đoạn I cảng Đồng Nai, hoàn thành đầu tư, nâng cấp cảng biển Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất, Kỳ Hà, Quy Nhơn…
 
Tái cơ cấu 9 ngân hàng TMCP yếu kém
 
Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, các cơ quan hữu quan đã tập trung đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản; xây dựng và tổ chức triển khai phương án cơ cấu lại, trong đó ưu tiên xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; tập trung hỗ trợ thanh khoản để bảo đảm khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng; triển khai sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng trên nguyên tắc tự nguyện; tăng vốn điều lệ, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hoạt động, hệ thống quản trị...
 
Đồng thời, đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém: Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn (SCB), Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa hợp nhất thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn; Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB); Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt  (Navibank); Ngân hàng Đại Tín (TrustBank); TienPhongBank; Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) hợp nhất với Tổng Công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC); và GP Bank.
 
Các ngân hàng thương mại Nhà nước tập trung triển khai các giải pháp tự củng cố, rà soát các hoạt động kinh doanh chính, tham gia hỗ trợ thanh khoản và triển khai các giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.
 
Sắp xếp 27 doanh nghiệp, tái cơ cấu 14 tập đoàn, tổng công ty
 
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cơ chế, chính sách sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước của tất cả các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91.
 
Trong năm qua, đã sắp xếp được 27 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 16 doanh nghiệp, sáp nhập 5 doanh nghiệp, bán 3 doanh nghiệp và chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 3 doanh nghiệp.
 
Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt (Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 6/9 tập đoàn kinh tế và 8/10 tổng công ty 91; các bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã phê duyệt đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.
 
Về cơ bản, các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã tập trung vào việc đổi mới mô hình tổ chức, cơ cấu lại sản phẩm, nguồn nhân lực, trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề, chiến lược phát triển, đảm bảo tập trung thực hiện các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính do Nhà nước giao; thực hiện thoái vốn, chuyển nhượng vốn không thuộc ngành, lĩnh vực kinh doanh chính.
 
Có bước đi phù hợp để nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững
 
Các đề án tái cơ cấu kinh tế được chú trọng xây dựng và bước đầu triển khai thực hiện, trước mắt vẫn phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Tập trung điều hành giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay; điều hành lãi suất ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường và tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
 
Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng, giám sát thực hiện các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và các tỷ lệ về an toàn hoạt động ngân hàng, chất lượng tín dụng và chấp hành các quy định pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015; khẩn trương đưa vào hoạt động Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia để góp phần xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, tăng khả năng cung ứng tín dụng của hệ thống TCTD đối với nền kinh tế.
 
Về trung và dài hạn, trong năm 2013, Chính phủ xác định tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 đã được phê duyệt. Đề ra các chương trình hành động, bước đi, các biện pháp triển khai bảo đảm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững nền kinh tế. Đặc biệt, tập trung tiếp tục triển khai tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp Nhà nước; tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại.
 
Phân bổ lại nguồn lực, tạo động lực khuyến khích mới
 
Tán thành cơ bản với với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bổ sung cần tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2013 trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công các dự án đầu tư xây dựng cơ bản để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra sự mất cân đối trong việc thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của một số địa phương. Ngoài những dự án buộc phải thực hiện cắt giảm theo chủ trương của Chính phủ, cần yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục chủ động rà soát để giảm việc đầu tư từ vốn nhà nước vào các dự án chưa thực sự cần thiết hoặc tính toán lại quy mô đầu tư để bảo đảm nguồn vốn Nhà nước được sử dụng một cách hiệu quả.
 
Đặc biệt, cần tiếp tục cụ thể hóa và tập trung thực hiện những chủ trương, mục tiêu đã được xác định trong đề án tổng thể về tái cơ cấu, hướng tới tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả, hợp lý và bền vững hơn.
 
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị sớm ban hành Đề án tái cơ cấu đầu tư công gắn với cải cách thể chế, đổi mới phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách nhằm thay đổi rõ rệt phương thức phân bổ nguồn lực công, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Rà soát, điều chỉnh các quy định về sở hữu của các tổ chức tín dụng, giám sát hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất, không gây xáo trộn trong hệ thống tổ chức tín dụng và đảm bảo an toàn tiền gửi của người gửi tiền; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trích đủ dự phòng rủi ro và đảm bảo tự xử lý nợ xấu phát sinh.
 
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện thể chế, quy định rõ trách nhiệm trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước, yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải công bố công khai, minh bạch thông tin như quy định đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hoàn thiện mô hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo VGPNews
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo