Tái cơ cấu ngân hàng: Khi con nợ và ông chủ là một
Dù đã có 9 ngân hàng yếu kém đã được xử lý nhưng các chuyên gia cảnh báo hiện tượng ngân hàng bị lũng đoạn khi con nợ và ông chủ nhiều khi là một.
Nhùng nhằng khi “ông chủ và con nợ” là một
Chỉ ra điểm lo ngại tình trạng nợ xấu hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Ban cố vấn của Chính phủ nhìn nhận, điểm đáng lo là với những khoản nợ khi “con nợ và ông chủ chỉ là một”. Theo ông, hiện nhiều ngân hàng đang dè dặt bán nợ cho VAMC hoặc bán nhưng chỉ là những khoản nhỏ. Một phần do còn có ý thăm dò, phần quan trọng hơn là nhiều khoản nợ lại là của chính ông chủ nhà băng đó. Họ hy vọng khi VAMC đã mua và xử lý được nợ, bất động sản khởi sắc hơn những khoản nợ đó sẽ được giải quyết.
Tuy vậy, điều lo ngại nằm chính ở các khoản nợ xấu của những “con nợ và ông chủ là một”. Hệ lụy ở chỗ, khi các khoản nợ xấu là của chính các ông chủ thì số này có đủ quyền lực để biến nợ xấu ngắn hạn thành nợ xấu trung dài hạn.
“Những khoản nợ trong các tập đoàn tư nhân ngày hôm nay đang là nhóm 1 hay 2 nhưng trong tương lai, nếu như nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản phục hồi chậm và nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ thị trường mua bán nợ, chúng lập tức biến thành nợ nhóm 4 hay nhóm 5. Và sau thời gian cả nền kinh tế đang gồng mình xử lý những khoản nợ xấu của quá khứ thì một thời gian sau, lại phải đón nhận thêm những khoản nợ xấu khác”- TS. Nghĩa lo ngại.
Sở hữu chằng chịt
Nếu như nợ xấu làm tắc mạch dòng vốn của nền kinh tế, khiến hoạt động của các ngân hàng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; hình thức sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng tạo ra những mảng tối trên thị trường tài chính.
Là người từng điều hành một trong những ngân hàng lớn nhất nhì Việt Nam, hiểu rõ từng “chân tơ kẽ tóc” trong hệ thống tài chính ngân hàng, ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, hình thức sở hữu chéo đang ngày càng gia tăng trong hệ thống ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần. Chuyện một nhà đầu tư hay nhóm nhà đầu tư, thậm chí là một “gia đình” nhà đầu tư có tiềm lực mạnh chi phối bộ máy quản trị điều hành một nhà băng không phải chuyện hiếm. “Hình thức này tuy không phải tội lỗi nhưng lại dễ bị lạm dụng để các cổ đông chi phối và cấp vốn theo mục đích riêng của mình” – ông Ngoạn nói.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, 9 ngân hàng yếu kém đã được cơ bản xử lý hoặc có phương án tái cơ cấu trong năm 2013. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 8 nhà băng nữa cũng vừa được cơ quan điều hành liệt vào danh sách cần cơ cấu lại. Nhìn lại 8 trong số 9 nhà băng yếu đã được xử lý thì phần lớn các phương án đều là cho một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và sạch bơm vốn để “cứu” số nhà băng này.
Nhìn câu chuyện ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Chương trình Giảng dạy Chính sách công của Fullbright Việt Nam lo ngại, cách tái cơ cấu này tuy đạt được đích cuối cùng là vực dậy ngân hàng yếu, tránh đổ vỡ nhưng lại khiến sở hữu chéo gia tăng.
Đơn cử, NHTMCP Tiên Phong (TPBank) được Tập đoàn Doji và nhóm nhà đầu tư Đỗ Minh Phú mua lại, hay TrustBank cũng thay máu nhờ nhóm nhà đầu tư có máu mặt trong thị trường bất động sản để rồi đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng... Hay mới đây nhất, tại thương vụ sáp nhập giữa HDBank và DaiABank, trong số những thành viên mới của ban quản trị DaiA Bank cũng có sự đại diện đến từ Sovico Holding - nhóm cổ đông có liên quan đến tổ chức này đang nắm nhiều cổ phiếu và chức vụ quan trọng tại HDBank. Sovico Holdings cũng là cổ đông sáng lập của Techcombank, VIB và hãng hàng không Vietjet Air.
“Thực tế trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc một nhà băng nào đó rơi vào tầm ngắm của các ông chủ đại gia và số này lại có lượng tiền sạch lớn không phải dễ. Dù có thể vô tình gia tăng sở hữu chéo nhưng trong tình thế bắt buộc vẫn có thể chấp nhận được. Cái chính là cơ quan điều hành phải có cơ chế giám sát, thanh tra và quản trị rủi ro thật mạnh”- ông Thành nói.
Khoanh tay ngồi nhìn?
Ở điểm này, ông Bùi Huy Thọ-Vụ phó Quản lý Cấp phép các Tổ chức Tín dụng và hoạt động ngân hàng (NHNN) cũng thừa nhận ma trận của sở hữu chéo, đầu tư chéo xuất hiện và tồn tại từ nhiều năm trước; gắn với sự chi phối (thậm chí lũng đoạn của cổ đông lớn), các ông chủ trong hệ thống tín dụng.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành xây dựng quy định về việc các khoản cho vay để góp vốn, mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng phải loại bỏ khỏi vốn lõi khi xác định tỷ lệ an toàn tối thiểu, nhằm hạn chế tình trạng sở hữu, đầu tư chéo. Tiếp đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sở hữu chéo, đầu tư chéo để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật", ông Bùi Huy Thọ khẳng định.
Một giải pháp khác được các chuyên gia đề xuất, giống như xử lý nợ xấu, nên thành lập công ty xử lý sở hữu chéo. Trên thế giới, Nhật Bản đã áp dụng thành công mô hình công ty chuyên mua cổ phần ngân hàng có tên tiếng Anh là “Bank’s shareholding purchase”.
Với điều kiện ở Việt Nam, khi không ít nhà băng có liên quan tới sở hữu chéo đều chưa niêm yết trên sàn chứng khoán và thị trường này cũng đang trong tình trạng “bết bát” thì tính thanh khoản của các cổ phiếu này càng không cao và khó bán. Do đó, việc thành lập công ty xử lý sở hữu chéo, theo các chuyên gia, sẽ giải được “bùng nhùng” sở hữu chéo và đẩy quá trình cơ cấu các ngân hàng nhanh hơn. Công ty này có thể được lập dưới dạng trách nhiệm hữu hạn Nhà nước hai thành viên, có vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng, do Nhà nước sở hữu 50% vốn, phần còn lại đến từ vốn góp của các ngân hàng thương mại quốc doanh được chỉ định.
Ông Nghĩa cho biết thêm, để xử lý vấn đề này thì không thể ngày một ngày hai, thế nên, các chuyên gia trong Ban Cố vấn Chính phủ đã cảnh báo với Chính phủ rằng, hiện cơ sở pháp lý, chế tài xử lý sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn hiện còn thiếu, trong khi nếu hình sự hóa vấn đề này thì sẽ tác động không tốt đến hệ thống ngân hàng vốn được cho là rất nhạy cảm.
“Nhưng dù với cách nào, nếu họ vi phạm các nguyên tắc, chuẩn mực hoạt động ngân hàng thì cần phải đưa họ ra khỏi hệ thống ngân hàng, thậm chí ra khỏi hệ thống tài chính, trả họ về với tập đoàn của mình. Sắp tới, một số ngân hàng cần được xử lý theo hướng này, để tránh những cú sốc trong ngắn hạn và tổn thất do nợ xấu trong dài hạn”, ông Nghĩa nói.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Cột tin quảng cáo