Tái định cư: Đã nghèo, lại nghèo hơn
Nợ tiền nhà, nơi ở mới xa nơi làm việc, không thể mở rộng việc làm ăn đã khiến nguy cơ bán nhà tái định cư để dạt ra sống ở các vùng ven hoặc trở về nơi đã bị giải tỏa ở TP HCM đang ngày càng nhiều.
Mẫu số chung của những cuộc di dời lần 2 đều do không thuận tiện làm ăn, thiếu tiền trả nợ căn hộ tái định cư, phí chung cư quá cao so với thu nhập...
“Nhà rộng rãi khang trang ai mà không muốn ở chứ? Nhưng cố lắm mà còn bữa đói, bữa no, chưa kể phải trả tiền nhà hàng tháng? Góp thêm chục năm nữa chắc chết!”, chủ một căn hộ ở lô D, chung cư An Phúc, quận 2, TP HCM, thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, than thở.
Canh cánh gánh nợ
Bà Trương Thị Hồng Giàu, ở phòng 4-8, lô D chung cư 17,3 ha, phường An Phú, quận 2, cho biết nhà bà được đền bù hơn 100 triệu đồng, nhưng phải mua căn hộ tái định cư này gần 350 triệu đồng. Chạy vạy khắp nơi, gia đình bà chỉ trả được 107 triệu đồng, còn lại phải trả góp trong 10 năm”. Hiện tại, căn hộ 66 m2 của nhà bà có đến 8 nhân khẩu ở và vẫn bị “cái nợ nhà” đeo đẳng khiến cho họ cảm thấy bất an. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chung cư 17,3 ha có hơn 200 hộ diện tái định cư đang ở, đa số vẫn còn thiếu nợ và phải trả góp trong 10 năm.
Theo một kết quả khảo sát của Viện Kinh tế TP HCM, hầu như không người dân tái định cư nào ở Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân thuộc dự án 415 có thể tìm được việc làm tại nơi ở mới. Hầu hết đều phải quay về nơi sinh sống cũ để làm việc và buôn bán. |
Đối với những người dân ít đất hoặc nơi ở trước khi tái định cư chỉ là một chiếc ghe hay một căn nhà nhỏ rách nát trên dòng kênh ô nhiễm, với số tiền bồi thường ít ỏi, hầu hết họ chọn cách bán đổ, bán tháo căn hộ tái định cư, dù căn hộ này thật sự là một cuộc đổi đời. Hiện nay, hơn 2/3 số hộ thuộc diện tái định cư ở hai chung cư Tân Mỹ và Phú Mỹ (Q.7) đã bán tháo nơi ở, ra ngoài thuê nhà trọ hoặc di cư đến các vùng kinh tế mới.
Còn ở chung cư An Lộc (Q.2), chỉ còn hơn 100 hộ bám trụ so với con số 700 hộ dân tái định cư trước đây. Mẫu số chung của những cuộc di dời lần 2 này đều do không thuận tiện làm ăn, thiếu tiền trả nợ căn hộ TĐC, phí chung cư quá cao so với thu nhập.
Trở về mái nhà xưa
Tại khu vực rạch Ụ Cây (thuộc các phường 9, 10, 11, quận 8), một trong những khu vực có số hộ dân di dời nhiều nhất, với số lượng trên 2.500 hộ, sau một thời gian được cấp căn hộ, nhiều người dân đã quay lại đây tìm kế sinh nhai.
Bà Tư Lài, một người dân được bố trí căn hộ tái định cư tại chung cư Tân Mỹ, quận 7, nhưng do khó làm ăn, nên nhà bà đã ra ngoài ở và hàng ngày lại về buôn bán tại khu chợ tạm dưới chân cầu Chánh Hưng. Dù dọc hai bên bờ rạch Ụ Cây đã được dựng hàng rào để người dân không lấn chiếm đất, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp cảnh người dân căng bạt, dựng lều ở tạm.
Nằm trong khu vực phải di dời để thực hiện dự án bờ kè chống sạt lở Thanh Đa, nhưng đến nay, nhiều hộ dân ở dọc bờ kênh Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) vẫn chưa di dời bởi chưa thỏa thuận được phương án bồi thường, tái định cư.
Theo kế hoạch, các hộ dân bị giải tỏa sẽ được bố trí TĐC tại một số khu vực, trong đó có cấp đất tại Hóc Môn và cấp căn hộ tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh. Nhưng nhiều hộ dân không mặn mà với phương án trên.
“Tôi đang có mối hàng ở quận 3, 9, Thủ Đức. Từ quận Bình Thạnh chạy qua mấy nơi đó giao hàng còn gần, chứ lên Hóc Môn hay Bình Chánh làm sao giao hàng được? TĐC quá xa nơi ở cũ là thiếu quan tâm đến kế sinh nhai của người dân, nhất là những người dân nghèo ít học, làm nghề tự do như chúng tôi đây”, ông Võ, người bị ảnh hưởng bởi dự án trên, bày tỏ.
Theo ĐV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024